Kêu gọi đào tạo CNTT bằng ngoại ngữ

Kêu gọi đào tạo CNTT bằng ngoại ngữ ảnh 1
Ngoại ngữ vẫn đang là một trong những điểm yếu cơ bản của nhân lực CNTT. Ảnh MT

Trên 60% “trượt” yêu cầu ngoại ngữ

Ai cũng biết ngoại ngữ là kiến thức không thể thiếu với người làm CNTT. Với nghề CNTT nói chung, ngoại ngữ là phương tiện lao động, là công cụ để họ nâng cao nghiệp vụ thường xuyên. Còn với những người làm gia công phần mềm, đó là chìa khoá thành công cho dự án, là chìa khoá trong giao lưu và thành công trong kinh doanh. Các tổ chức đào tạo cũng xếp ngoại ngữ là một trong 4 yếu tố cơ bản đánh giá chất lượng nguồn lực CNTT: kiến thức nền tảng, kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm.

Mặc dù được coi là quan trọng, là không thể thiếu với người làm CNTT, tuy nhiên ngoại ngữ vẫn đang là một trong những điểm yếu cơ bản của nhân lực CNTT. Khảo sát nhỏ do phóng viên thực hiện với gần chục doanh nghiệp phần mềm trong nước sử dụng nhân lực CNTT cho thấy, chỉ khoảng 25-40% người làm CNTT đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng về ngoại ngữ.

Theo ông Lê Xuân Hải, Giám đốc Công ty gia công phần mềm Vietsoftware International, khoảng 2-3 năm trở lại đây, trình độ ngoại ngữ của những người vừa ra trường có tốt hơn về tiếng Anh, có thể tự tin giao tiếp được, đọc hiểu được nhưng nói và viết thì vẫn kém. Nói chung, tỷ lệ đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ là 25%.

Còn đối với công ty Tinh Vân, ông Phan Quang Minh, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, tỷ lệ ứng viên đáp ứng được yêu cầu ngoại ngữ tiếng Anh của công ty này là khoảng 30-40%. Các công ty khác như FPT Software, CMC hay CT-IN... cũng cho rằng ngoại ngữ là vấn đề đau đầu trong việc tuyển dụng nhân sự.

Theo các doanh nghiệp, sự yếu kém kiến thức ngoại ngữ của nhân lực CNTT khiến họ tốn kém khá nhiều tiền bạc và thời gian để đào tạo bổ sung, thậm chí ảnh hưởng đến cơ hội mở rộng kinh doanh khi cần nâng số lao động làm việc với khách hàng nước ngoài.

Ông Hải cho biết công ty Vietsoftware International thường phải đào tạo bổ sung ngoại ngữ liên tục trong hai năm đầu tiên cho các nhân viên có trình độ ngoại ngữ yếu với chi phí ước tính khoảng 10 triệu đồng/năm/nhân viên. Với công ty Tinh Vân, ông Minh tính toán chi phí tuyển dụng nhân lực của công ty tăng gấp đôi do khó khăn trong việc tìm kiếm ứng dụng đáp ứng được yêu cầu ngoại ngữ và phải đào tạo bổ sung tại chỗ khoảng 6 tháng. Còn FPT Software cho biết họ mất trung bình 3 đến 12 tháng để đào tạo bổ sung kiến thức ngoại ngữ cho nhân viên.

Ngoài các chương trình đào tạo tại chỗ, các doanh nghiệp CNTT có nhiều hình thức khác để cải thiện vấn đề ngoại ngữ như quy định sử dụng giao tiếp nội bộ, báo cáo công việc, tài liệu công ty bằng tiếng Anh; thưởng tiền, tăng lương cho người giỏi ngoại ngữ; mở các câu lạc bộ học và trao đổi tiếng Anh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thừa nhận việc đào tạo ngoại ngữ dễ thất bại do kết quả cần nhiều thời gian và phụ thuộc chủ yếu vào tính chủ động học hỏi của nhân viên. Chính vì vậy, theo các doanh nghiệp, giải pháp tổng thể cho vấn đề ngoại ngữ của người làm CNTT phải đến từ các cơ sở đào tạo.

Nhanh chóng đào tạo CNTT bằng ngoại ngữ

Để giải quyết rốt ráo vấn đề yếu kém ngoại ngữ của người làm CNTT, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT cho rằng, ngành giáo dục cần ra quy định bắt buộc các trường đào tạo CNTT bằng tiếng Anh.

Một số trường hiện nay đã đào tạo các chuyên ngành CNTT bằng ngoại ngữ. Ví dụ tại đại học FPT, các sinh viên chuyên ngành CNTT được tập trung học ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Nhật) trong cả năm học đầu tiên. Sau năm học đầu tiên, những sinh viên của trường này không đạt yêu cầu ngoại ngữ sẽ không được tham gia học kiến thức chuyên môn. Theo ông Nguyễn Thành Nam, khoảng 15% sinh viên đại học FPT không vượt qua yêu cầu ngoại ngữ sau năm học đầu tiên.

Ngoài đại học FPT, một số trường như Đại học Công nghệ (thuộc ĐHQG Hà Nội) đã bắt đầu áp dụng mô hình đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên trong năm đầu tiên nhưng số lượng này còn nhỏ, chỉ chiếm một tỷ lệ rất hạn chế trong tổng chỉ tiêu đào tạo của các trường. Nói chung, các trường vẫn đào tạo CNTT bằng tiếng Việt, chỉ coi tiếng Anh như là một môn học chứ chưa phải là công cụ trong học tập CNTT.

“Phải đưa tiếng Anh trở thành một công cụ sử dụng được trong đời sống thì mới có thể cải thiện được vấn đề ngoại ngữ”, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT nói.

Ngành giáo dục hiện chưa có quy định về đào tạo ngoại ngữ trong các trường đào tạo CNTT. Nhưng theo ông Tùng, n ếu có sức ép rất lớn từ các doanh nghiệp tuyển dụng thì có thể nhanh chóng thúc đẩy các cơ sở đào tạo nhân lực CNTT chuyển biến về vấn đề ngoại ngữ. Ví dụ, các các hiệp hội hoặc các công ty lớn trong lĩnh vực CNTT có thể ra thông điệp không tuyển dụng nhân lực từ các trường không giải quyết được vấn đề ngoại ngữ. “Nếu có những thông điệp mạnh mẽ như vậy, chắc chắn các trường đào tạo về CNTT sẽ phải thay đổi để bảo tương lai việc làm cho các sinh viên của họ”, ông Tùng nói.

Ngoài việc đào tạo bằng tiếng Anh, theo các doanh nghiệp, việc thi tuyển sinh viên đầu vào của các trường đào tạo CNTT cũng nên có yêu cầu về tiếng Anh. Một số ý kiến góp ý nên thay đổi các môn đầu vào ngành CNTT từ toán, lý hoá hiện nay thành toán, lý và ngoại ngữ.

Theo Nhóm PV (ICTnews)

Đọc thêm