iPad vừa ra đã có nguy cơ "mất tên"

iPad vừa ra đã có nguy cơ "mất tên" ảnh 1
Thiết bị điện toán cầm tay có tên iPad của Fujitsu. Nguồn: PCW
Fujitsu cho biết họ đã chế tạo một thiết bị điện toán cầm tay ngay từ năm 2002 với đầy đủ Wi-Fi, Bluetooth, màn hình màu cảm ứng 3,5 inch, dùng chip Intel và hỗ trợ VoIP. Tên gọi của thiết bị này dĩ nhiên là iPad. Giá bán của Fujitsu iPad rất cao nếu xét đến thời điểm phát hành của nó: 2.000 USD so với mức khởi điểm 499 USD của Apple iPad. Song thiết bị này lại rất được các quản kho ưa chuộng để theo dõi hàng tồn và doanh số bán lẻ mỗi ngày.

Theo tờ New York Times, Fujitsu đã muốn sở hữu cái tên iPad ngay từ năm 2003. Sự "thèm khát" này vẫn kéo dài cho tới tận hôm nay, mặc dù đơn xin bảo hộ nhãn hiệu iPad của hãng gặp nhiều trục trặc bởi một công ty khác là Mag-Tek đã sử dụng cái tên này cho một thiết bị mã hoá số cầm tay từ trước.

Quả đúng là đang có nhiều hơn một thiết bị mang tên iPad trôi nổi ngoài thị trường. Rõ ràng, iPad là một cái tên không hề độc và sáng tạo chút nào, nhưng Apple vẫn quyết định chọn. Theo giới phân tích, hành vi này khá phổ biến trong lịch sử của Apple. Rất nhiều lần Quả táo đã cướp tay trên nhãn hiệu đã đăng ký bản quyền của các hãng khác.

Đầu năm 2009, đơn xin sở hữu nhãn hiệu iPad của Fujitsu đã chính thức bị Cơ quan Nhãn hiệu và Bằng sáng chế (PTO) của Mỹ từ chối. Tuy nhiên đến tháng 6, Fujitsu lại kiên trì nộp hồ sơ mới. Để đối phó lại, Apple đã trình tới 3 đơn kiến nghị để kéo dài thời gian trước khi PTO ra quyết định cuối cùng. Như vậy là từ nay đến hết ngày 28/2, Apple vẫn có thể phản đối tuyên bố của Fujitsu.

Còn Wall Street Journal thì cho biết Fujitsu đã nhờ luật sư tư vấn các bước đi tiếp theo, quyết giành lấy cái tên iPad bằng được. Trong khi Apple và Fujitsu thượng đài quyết đấu, vẫn có khá nhiều sản phẩm sử dụng cái tên "iPad" mà bạn có thể bắt gặp trên phố. Trong số này có một mẫu máy tính bảng của ST Microelectronics, động cơ và motor của hãng công nghệ Đức Siemens và thậm chí là cả áo ngực của hãng nội y Canada Coconut Intimates nữa.

Theo Trọng Cầm (VNN / PCWorld)

Đọc thêm