Internet Việt Nam đứng trong top 3 khu vực Đông Nam Á

Internet Việt Nam đứng trong top 3 khu vực Đông Nam Á ảnh 1

Không có nhiều quốc gia mà việc sử dụng Internet dễ dàng và thuận lợi, chất lượng ở mọi nơi từ trong nhà, cơ quan cho đến các điểm công cộng như ở Việt Nam.

Internet Việt Nam không thua các nước tiên tiến

Tại buổi "Giao lưu và Tọa đàm về Internet với hội viên Hiệp hội Internet Việt Nam" ngày mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, về cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ trên nền Internet, trong khu vực Đông Nam Á, hiện Việt Nam chỉ kém Singapore và Malaysia, còn tương đương (thậm chí nhiều mặt còn hơn) Thái Lan và Indonesia. "Đặc biệt, trong năm qua, khi tôi đến một số nước ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Á, việc sử dụng Internet không dễ dàng và thuận lợi, chất lượng ở mọi nơi từ trong nhà, cơ quan cho đến các điểm công cộng như ở Việt Nam", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

Đối với nội dung và dịch vụ trên nền Internet, Việt Nam cũng có sự phát triển nhanh chóng, thể hiện qua việc chúng ta đã có các mạng xã hội "made in Việt Nam" với số thành viên lên đến hàng triệu người như Zing Me hay Go.vn, đấy là chưa kể đến các mạng xã hội nước ngoài như Facebook...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, Internet ở Việt Nam cũng có nhiều tồn tại, từ vấn đề an toàn, an ninh thông tin đến chất lượng, dịch vụ trên Internet, thái độ phục vụ... hay ứng dụng nội dung chưa phong phú đủ để đáp ứng nhu cầu người sử dụng.

Cùng quan điểm, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) cho rằng Viễn thông- Internet Việt Nam hầu như không thua các nước tiên tiến trên thế giới. Trước hết, về mặt công nghệ, công nghệ của họ như thế nào thì Việt Nam cũng như vậy, từ mạng 3G, 4G cho đến cáp quang, vệ tinh...

Về mặt phổ cập dịch vụ, mật độ sử dụng, chúng ta hoàn toàn tương đương các nước khác. Còn giá cước dịch vụ viễn thông, Internet của Việt Nam thuộc dạng thấp so với các nước khác. Khi đi nước ngoài, bất kì ai cũng thấy được không có nước nào điểm truy cập Internet, WiFi rẻ và thuận lợi như ở Việt Nam.

"Chính vì thế, chúng ta có thể thua các nước khác ở nhiều lĩnh vực nhưng riêng Viễn thông-Internet không dưới top 3 trong các nước Đông Nam Á", ông Trực nhấn mạnh.

Sẽ tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp

Cũng theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Việt Nam đã sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông, đặc biệt là tần số, địa chỉ Internet, tên miền..., điển hình là việc cấp phép băng tần 3G năm 2009 đã làm bùng nổ dịch vụ Internet ở Việt Nam. Như hiện nay, chúng ta đang có khoảng 20 triệu thuê bao Internet, trong đó có khoảng 15 triệu thuê bao 3G. "Nếu chúng ta chỉ phát triển Internet cố định thì tốc độ tăng trưởng thuê bao Internet sẽ thể không nhanh như hiện nay", Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định.

Và trong bối cảnh Internet tiếp tục phát triển theo hướng mở cửa cạnh tranh và hội nhập quốc tế, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng. Trong đó, Nghị định mới và Luật Viễn thông sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng Internet, đặc biệt là hạ tầng băng rộng thông qua các chính sách về xã hội hóa, cho phép mọi thành phần từ các công ty tư nhân, doanh nghiệp nhà nước hay bất kì công ty nào thuộc Luật Doanh nghiệp đều được tham gia phát triển Internet, được xây dựng cơ sở hạ tầng, được kéo cáp, được đầu tư, được kết nối trực tiếp đi quốc tế...

Ngoài ra, Nghị định mới cũng sẽ coi thiết bị ứng dụng địa chỉ IPv6 là dạng công nghệ cao và các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị trên nền IPv6 sẽ được hưởng chế độ ưu đãi về thuế. Từ đó sẽ tạo điều kiện có thêm tài nguyên mới, thúc đẩy Internet Việt Nam.

Đi đôi với việc phát triển hạ tầng, việc phát triển nội dung cũng được coi trọng, thể hiện qua việc Nghị định mới đã có những quy định thúc đẩy các dịch vụ nội dung thông qua mạng viễn thông cố định, di động như việc phân bổ kho số, phân chia kết nối giữa doanh nghiệp nội dung với doanh nghiệp di động hay Bộ TT&TT đứng ra tổ chức cấp trực tiếp hoặc đấu giá, thi tuyển các đầu số... tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội dung phát triển. Vì vậy, Thứ trưởng Lê Nam Thắng tin rằng những chính sách này sẽ giúp Internet Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Do trên Internet ranh giới giữa các quốc gia bị xóa nhòa nhưng mỗi nước đều có một quy định, một chuẩn riêng, văn hóa riêng. Vì thế, điểm mới cuối cùng của Dự thảo Nghị định là các quy định đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp của chúng ta cung cấp dịch vụ xuyên biên giới qua nước ngoài cũng như các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài có thể cung cấp dịch vụ ở Việt Nam nhưng bảo đảm được các chuẩn mực đạo đức, văn hóa, an ninh quốc gia, đúng quy định pháp luật. "Đây là nội dung mới, ít được đề cập trong các văn bản quản lý trước. Nó sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của doanh nghiệp nước ngoài để đảm bảo lợi ích cho cộng đồng người dùng Việt Nam", Thứ trưởng Lê Nam Thắng kết luận.

Theo Nguyễn Khiêm (ICTnews)

Đọc thêm