Internet – Sân chơi mới của giới kinh doanh thời trang

Internet – Sân chơi mới của giới kinh doanh thời trang ảnh 1

Ở thành phố Milan (Italia) – kinh đô thời trang của thế giới, nếu bạn muốn ghé thăm của hàng của 2 ông trùm thời trang nổi tiếng nhất thế giới là cửa hàng của thương hiệu Prada và Giorgio Armani, bạn sẽ phải “chạy” đến 2 đầu của thành phố. Nhưng nếu muốn mua sản phẩm của họ, giờ đây bạn chỉ cần chiếc máy tính có truy cập Internet.

Có một thực tế khá lạ lùng là trong khi Internet đã trở thành bạn của hầu hết tất cả các lĩnh vực, các ngành kinh tế thì nó vẫn là một thứ gì đó rất xa lạ và “khó gần” đối với các thương hiệu thời trang nổi tiếng kiểu như Louis Vuitton, Prada, Giorgio Armani

Cũng bởi việc “không làm bạn với Internet” đã khiến rất nhiều khách hàng không biết rằng bên cạnh những bộ sưu tập thời trang đắt tiền và chỉ phù hợp cho những sàn catwalk, Giorgio Armani còn kinh doanh cả quần áo trẻ em, sách, hoa hay thậm chí là nhà hàng, khách sạn. Đó là chuyện của những năm trước, còn giờ đây tất cả những gì mà Giorgio Armani đang kinh doanh, khách hàng có thể dễ dàng tìm hiểu và đặt mua thông qua website chính thức armani.com của hãng.

“Armani là một trong những người tiên phong trong làng thời trang cao cấp bước chân lên mạng Internet”, Federico Marchetti, giám đốc Yoox, hãng công nghệ chuyên cung cấp các chiến lược và giải pháp kinh doanh trực tuyến dành cho những nhà bán lẻ sản phẩm xa xỉ toàn cầu, cho biết. Theo lý giải của các hãng cung cấp giải pháp thương mại điện tử, sở dĩ giới thời trang “online muộn” là do sự cản trở của hạ tầng mạng Internet trên thế giới. Thông thường, website kinh doanh về thời trang tập trung một lượng khá lớn các đoạn phim flash, đồ họa tích hợp, hình ảnh, video… khiến chúng trở nên rất nặng nề và thời gian tải trang trở nên khá dài. Trước kia, khi tốc độ đường truyền Internet toàn cầu còn hạn chế, việc truy cập vào các trang web về thời trang thường là nỗi “kinh hoàng” của nhiều người dùng web. Nhưng ngày nay, khi những đường truyền có tốc độ vài Mbps đã trở nên thông dụng, các hãng thời trang hiểu rằng họ đã có thể tham gia vào sân chơi này một cách thoải mái.

Theo tiết lộ của ông giám đốc Yoox, hiện công ty của ông đang chịu trách nhiệm quản trị website cho 23 thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới bao gồm những cái tên rất quen thuộc như Armani, Ermenegildo Zegna hay Marni và hiện tại vẫn còn tới 33 nhãn hiệu khác đang xếp hàng để chờ được hợp tác với Yoox.

Internet – Sân chơi mới của giới kinh doanh thời trang ảnh 2

Burberry đã đưa những cuộc trình diễn thời trang của mình lên mạng Internet và cho phép khách hàng đặt mua trực tiếp trong khi các cuộc trình diễn vẫn đang diễn ra

Nhưng trong lĩnh vực “kết thân với Internet” có lẽ nhiều hãng thời trang sẽ phải ngả mũ trước sự sáng tạo và mạnh tay của Burberry – hãng thời trang Anh. Không chỉ đơn thuần là đưa sản phẩm của mình lên các trang web, Burberry còn tổ chức các cuộc trình diễn thời trang trực tuyến, cho phép khách hàng trên toàn thế giới xem tận mắt sản phẩm với những người mẫu thực và nếu muốn họ có thể chọn ngay một sản phẩm vừa mắt nhất, đặt mua trong khi cuộc trình diễn đang diễn ra. Sản phẩm sau đó sẽ được chuyển đến tận nhà khách hàng trong vòng tối đa là 7 tuần. Sỡ dĩ Burberry có thể làm được việc này là do họ đã ký hợp đồng sử dụng công nghệ mới nhất của tập đoàn Createthe do James Gardner thành lập. Ông Gardner là một trong số những chuyên gia hàng đầu về thuật toán giao dịch thương mại điện tử từ thời còn làm việc ở phố Wall – trung tâm tài chính – chứng khoán lớn nhất nước Mỹ. Burberry còn có riêng một mạng xã hội nho nhỏ có tên là Art of the Trench nhằm tiếp xúc gần gũi hơn nữa với khách hàng và lắng nghe những ý kiến của họ. Còn theo hãng chuyên theo dõi môi trường Internet Experian Hitwise, đến nay, 30% lượng truy cập vào website của Burberry đến từ mạng xã hội Twitter. Việc đẩy mạnh khai thác các mạng xã hội để tiếp cận với khách hàng toàn cầu cũng đang được một loạt các hãng thời trang lớn trên thế giới ứng dụng như Gucci, LVMH.

Nhãn hiệu thời trang Pháp Louis Vuitton lại lựa chọn việc sử dụng dịch vụ FourSquare còn Ralph Lauren lại thuê người phát triển hẳn một ứng dụng chạy trên iPhone để giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc cập nhật những thông tin mới nhất về sản phẩm như các mẫu mới sắp ra mắt, mới ra mắt, giá bán… chia sẻ với bạn bè trên Facebook và có thể đặt hàng trực tiếp.

Ông Marchetti cho biết, kể từ khi “lên mạng” các hãng thời trang đều có lượng khách hàng đông đảo hơn hẳn do các shop “mở cửa 24/7”.

“Hiện nay, có khoảng 1/3 số khách hàng của chúng tôi mua hàng sau 7h tối”, Marchetti tiết lộ.

Theo Lê Trí (ICTnews / BBC, e-commerce.com)

Đọc thêm