Intel dính án phạt kỷ lục 1,45 tỷ USD

Trái ngọt cho AMD

Đáng lo hơn cho Intel, là bản án của EU rất có thể sẽ gây sức ép buộc giới Tư pháp Mỹ cũng phải tích cực điều tra hơn. Mãn nguyện nhất lúc này chính là AMD, hãng sản xuất chip lớn thứ hai thế giới kiêm đối thủ chính của Intel. Cuối cùng thì bao nỗ lực chiến đấu chống lại Intel của AMD cũng đơm thành trái ngọt.

Cụ thể, AMD đã khởi kiện Intel suốt 5 năm qua, cáo buộc Intel sẽ âm thầm trừng phạt các hãng sản xuất máy tính tại Mỹ (cũng như quốc tế) nếu như họ "trót" hợp tác với AMD.

Mặc dù Ủy ban Thương mại Mỹ vẫn đang điều tra đơn kiện, song có vẻ như AMD đã tìm thấy được đôi tai đồng cảm tại châu Âu, nơi nổi tiếng khắt khe với các hành vi phản cạnh tranh.

Rất cứng rắn và đanh thép, Ủy viên EU phụ trách lĩnh vực Cạnh tranh - bà Neelie Kroes tuyên bố Intel đã "làm hại hàng triệu người dùng châu Âu khi cố tình đẩy các đối thủ ra khỏi thị trường".

"Intel đã không cạnh tranh một cách công bằng, làm thui chột đà sáng tạo và không cho phép người dùng có quyền lựa chọn".

Ủy ban châu Âu yêu cầu Intel phải chấm dứt ngay lập tức một số cơ chế kinh doanh, dù họ không tiết lộ cụ thể đó là những cơ chế nào. Về phần mình, Intel cho biết họ hoàn toàn không có đầu mối gì về "những khía cạnh cần phải thay đổi", nhưng chắc chắn sẽ kháng án.

Gã khổng lồ chip cũng lớn tiếng bảo vệ cơ chế kinh doanh của mình, bao gồm cả việc chiết khấu cho các khách hàng lớn. Intel khẳng định những gì họ đang làm là hoàn toàn hợp pháp.

Án phạt kỷ lục

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Dirk Meyer của AMD lại ca ngợi quyết định của EU là một "bước đi quan trọng tiến tới xây dựng một thị trường thực sự cạnh tranh".

"Tất cả chúng ta đều ngóng đợi phán quyết này. Thế giới sẽ chuyển từ bị Intel thống trị sang được người dùng thống trị", ông Meyer bay bổng trong chiến thắng.

Trước đây, án phạt nặng nhất mà Ủy ban châu Âu từng thông qua đối với hành vi phản cạnh tranh là 1,3 tỷ USD. Hãng "chịu trận", không ai khác, chính là gã khổng lồ phần mềm Microsoft.

Tất nhiên, việc Intel có phải đối mặt với một hình phạt tương tự tại Mỹ không thì vẫn còn là ẩn số. Song chắc chắn, phán quyết của EU sẽ buộc chính quyền ông Obama phải đưa vấn đề này lên nhóm ưu tiên hàng đầu.

Đầu tuần này, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ từng đánh tiếng rằng lực lượng chống độc quyền mới sẽ bám đuổi quyết liệt và xông xáo hơn nhiều so với dưới thời ông Bush. Suốt 8 năm điều hành nước Mỹ của cựu Tổng thống Bush, Bộ Tư pháp Mỹ chỉ phạt vẻn vẹn 3 vụ chống độc quyền, tất cả đều liên quan đến các cuộc sáp nhập quy mô lớn.

Mặc dù vậy, cho tới lúc này, Bộ Tư pháp vẫn rất im hơi lặng tiếng về chuyện có điều tra Intel hay không.

Theo ông Stephen Kinsella, luật sư chuyên về luật chống độc quyền của châu Âu thì cựu lục địa "khét tiếng" là hà khắc với các hành vi chèn ép đối thủ. Rất có thể, cùng một vụ việc nhưng nếu được xét xử tại Mỹ hay các khu vực khác thì sẽ đạt kết quả "ôn hòa" hơn.

Cuộc chiến giữa Intel với AMD đã hé lộ góc khuất đen tối nhất trong việc kinh doanh vi xử lý, "bộ não" của máy tính cá nhân. Nếu như các thị trường linh kiện khác luôn quy tụ nhiều đối thủ cạnh tranh, thì vi chip PC chỉ xuất phát từ hai nguồn: hoặc Intel, hoặc AMD.

Intel hiện đang kiểm soát tới hơn 80% thị phần, còn AMD nắm giữ số còn lại. Do đó, thắng lợi của hãng này chắc chắn đồng nghĩa với thất bại của hãng kia.

Góc tối của thị trường chip

Quy trình đưa một con chip vào trong máy tính và đưa con chip lên các kệ hàng luôn có 2 bước chính. AMD đã la lối om sòm về cách hành xử của Intel ở cả hai giai đoạn này.

Thứ nhất, các hãng máy tính bắt buộc phải đồng ý mua chip. AMD cáo buộc Intel đã lợi dụng vị thế ông lớn của mình một cách trái phép khi tặng các khoản chiết khấu phần trăm khổng lồ cho giới sản xuất PC, nếu như họ hứa sẽ mua thật nhiều chip Intel.

Theo lập luận của AMD, những khoản giảm trừ kiểu này có thể khiến cho nhiều đơn hàng biến thành ... miễn phí. Do có quy mô nhỏ hơn, AMD không thể bắt chước đối thủ, bởi bắt chước đồng nghĩa với mất tiền và thua lỗ. (Trong đơn kiện lên EU, AMD cáo buộc Intel đã cô lập mình trước những thương hiệu PC lớn như Acer, Dell, HP, Lenovo và NEC).

Còn trong đơn kiện của AMD tại Mỹ (dự kiến bước vào phiên sơ thẩm đầu năm tới), các quan chức của Gateway tố cáo đã bị Intel đe dọa trả đũa, sau khi Gateway "trót" hợp tác với AMD. Đơn kiện cũng dẫn lời một quan chức của Toshiba, ví von những động lực tài chính béo bở (mức chiết khấu khổng lồ) mà Intel ban tặng cho các đối tác với "cocaine".

Giai đoạn hai, các hãng chip góp sức thuyết phục các cửa hàng bày bán PC sử dụng vi xử lý của mình. Họ cũng có quyền trả tiền cho giới bán lẻ để quảng bá cho PC. EU cáo buộc Intel đã trả tiền cho chuỗi bán lẻ điện tử lớn nhất nước Đức (MediaMarkt) để họ chỉ bày bán duy nhất máy tính cài chip Intel mà thôi.

Ông Kinsella giải thích rằng chương trình "giảm giá cho khách hàng thân thiết" là một chiêu thức kinh doanh phổ biến, nhưng sẽ là vấn đề lớn khi các công ty khổng lồ sử dụng chiêu thức này. Và nếu như lời cáo buộc rằng Intel đã trả tiền cho các đối tác để họ không sử dụng sản phẩm của AMD đúng sự thật, thì mọi chuyện đã vượt quá xa khỏi giới hạn.

Trên thị trường chứng khoán, dường như giới đầu tư đã lường trước được bản án dành cho Intel nên không có bất cứ sự hoảng loạn hay chấn động nào. Cổ phiếu Intel chỉ mất 8 cent và đóng cửa ở mức 15,13 USD, trong khi AMD tăng được 3 cent lên 4,38 USD.

Theo Vietnamnet

Đọc thêm