Hoài niệm thời xếp hàng chờ... gọi điện

Qua trang Facebook của một đồng nghiệp cũ (hiện đang làm cho một nhà mạng lớn trong nước) vừa sang tận Cộng hòa Mozambique (Đông Nam Phi) để tham gia triển khai mạng di động, thật bất ngờ khi nhìn thấy cảnh người dân vẫn lũ lượt đứng xếp hàng để chờ gọi hoặc nghe điện thoại để liên lạc với người thân. Hồi ức về một thuở xếp hàng chờ gọi điện ở Bưu điện Bờ Hồ bỗng chốc hiện ra như từ một thời xa lắm, nhưng nhẩm lại thì cũng chỉ mới khoảng 20 năm mà thôi.

Hoài niệm thời xếp hàng chờ... gọi điện ảnh 1

Người dân làng Matutune, huyện Mampai, tỉnh Gaza, Cộng hòa Mozambique lũ lượt xếp hàng chờ liên lạc qua điện thoại với người thân đi làm thợ mỏ ở Nam Phi. Ảnh: Hưng Hải (chụp ngày 20/04/2012).
Thuở xếp hàng chờ điện thoại ở Bờ Hồ

Với những người thuộc thế hệ 7x, khái niệm đầu tiên về chiếc điện thoại thường gắn liền với một phương tiện đắt tiền, xa xỉ giống như siêu xe thời bây giờ. Không phải ai cũng có cơ hội được tiếp xúc và sử dụng điện thoại vào thời điểm giữa những năm 80.

Khu tập thể xóm tôi may mắn hơn khi có nhiều gia đình là cán bộ của Bộ Lương thực (nay là Bộ NN&PTNT) nên được lắp một chiếc tiện việc liên lạc với cơ quan. Chiếc điện thoại màu đen to bằng 4 viên gạch, sử dụng cách gọi “quay số” theo đúng nghĩa đen bằng cách chọc tay vào số và quay sang phải, vì thế trở thành một điểm tham quan để lũ bạn cùng lớp tôi thỉnh thoảng kéo đến xem. Mỗi khi thấy có chuông, lũ trẻ khu tập thể lại tranh nhau nghe, rồi tranh nhau đi gọi hàng xóm ra nghe điện thoại, nháo nhác cả khu.

Lớn hơn một chút, vào giai đoạn cuối những năm 80, tôi được biết thêm một cách gọi điện khác. Đó là khi bác bưu tá chuyển một phong bì của Bưu điện thông báo ngày giờ để ra nghe điện thoại của người thân gọi về. Đó có thể là cuộc gọi của người cậu ruột đang công tác nước ngoài, hoặc của người thân trong miền trung gọi ra, và cần phải đăng ký ngày giờ gọi để có thể liên lạc với nhau.

Mỗi khi nhận được điện báo đi nghe điện như thế, mẹ và tôi đều háo hức, ăn cơm chiều sớm để ra Bưu Điện Bờ Hồ đứng xếp hàng chờ. Vì thường giờ hẹn nhận điện thoại vào tầm 7-8h tối, không cụ thể nên nhà tôi thường phải ra sớm hơn để tránh bị lỡ cuộc gọi của người thân, đứng “chầu hẫu” cạnh 4 ca-bin điện thoại chờ đến lượt.

Ấn tượng về cảnh xếp hàng chờ điện thoại đó đã trở thành một kỷ niệm tưởng như đã rất xa xưa, bỗng dưng quay trở lại khi tôi nhìn thấy hình ảnh người dân Mozambique năm 2012 vẫn còn đang phải xếp hàng gọi điện. Nhưng nhẩm tính ra, cái quá khứ tưởng như xa xưa đó cũng chỉ mới khoảng chừng 20 năm mà thôi.

Nhìn lại 20 năm trước

Cho tới đầu những năm 90, chiếc điện thoại lắp tại nhà riêng vẫn như một sự khẳng định “gia đình có điều kiện” của gia chủ. Lũ trẻ học cấp 2 cùng lớp tôi ở trường Trưng Vương cũng tách riêng một nhóm thượng lưu “nhà có điện thoại” để liên lạc hỏi bài nhau, chứ không phải đi bộ sang tận nhà để hỏi như chúng tôi.

Sau này, khi theo dõi lĩnh vực viễn thông, tôi mới biết đó là giai đoạn cuối của thời kỳ viễn thông analog, trước giai đoạn đổi mới sang công nghệ số (digital) đầu những năm 90, với sự khác biệt khi quay số là chỉ có một âm phím, chứ không phải chờ tín hiệu quay số (pulse) tạch tạch.

Sau đó, vào giai đoạn giữa những năm 90, giá cước điện thoại bắt đầu rẻ hơn, đăng ký điện thoại cố định cũng chỉ chưa tới 1 triệu, chứ không mất tới vài triệu đồng như trước, mọi nhà đều có thể lắp được để tiện liên lạc. Từ việc phải nói thật nhanh để đỡ tốn tiền cước, nhất là khi gọi ngoại tỉnh, giá cước ngày một giảm hơn, đến mức một sinh viên “nhà không có điều kiện” như tôi cũng có thể thoải mái gọi điện “buôn dưa lê” tới 3-4 tiếng với bạn gái hàng ngày vào thời điểm năm 1996.

Biểu tượng của sành điệu

Cũng trong thời kỳ giữa những năm 90, chiếc điện thoại ở Việt Nam có một cuộc cách mạng mới mang tên “di động”. Khái niệm di động đầu tiên tôi được chứng kiến là chiếc điện thoại cố định nối dài (kiểu máy cái – máy con) hiệu Phillips của bác hàng xóm nhà đứa bạn, được đặt mua từ nước ngoài về với khoảng cách liên lạc cả chục km quanh nhà. Do phải liên lạc nhiều, việc mang theo xe ô tô một chiếc điện thoại cố định nối dài sẽ giúp tiết kiệm hơn rất nhiều, và dần trở thành mốt của giới kinh doanh buôn bán tại Hà Nội lúc bấy giờ.

Nhưng cũng chỉ trong giai đoạn 1995-1996, chiếc điện thoại đã liên tục “tiến hóa” và trở nên di động thực sự với sự ra đời của mạng MobiFone. Hình ảnh chiếc điện thoại di động Ericsson màu đen to bằng nửa viên gạch, với chiếc antena to hơn cả của máy bộ đàm, đã trở thành biểu tượng của sự sành điệu khi được gài sau túi quần bò của các em chân dài ngồi xe đẹp lượn quanh Hồ Tây. Khi đánh giá các chàng trai có sành điệu hay không, ngoài các tiêu chuẩn như có xe máy đẹp, ăn mặc hàng hiệu… các cô gái Hà Thành cũng xem xét thêm tiêu chí mới: Có điện thoại di động!

Thời “biểu tượng sành điệu” của ĐTDĐ tại Việt Nam kéo dài được sang đầu những năm 2000, một phần bởi giá cước di động và máy điện thoại còn khá đắt so với mặt bằng chi tiêu phổ thông. Thời kỳ trước năm 2000 tại Việt Nam, chiếc điện thoại Motorolla StarTAC với chiếc antena rút lên đã trở thành biểu tượng của một doanh nhân thành đạt với khung giá 12-14 triệu đồng. Kèm theo đó là sự xuất hiện của các dòng điện thoại đắt tiền của Nokia.

Đến thời bình dân

ĐTDĐ trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam trong giai đoạn 2004-2005 nhờ vào giá cước giảm mạnh do VNPT không còn độc quyền trên thị trường. Giá máy điện thoại cũng giảm xuống chỉ còn ở mức 1-2 triệu đồng, phù hợp với đa phần người đã đi làm và có thu nhập ổn định. Tiếp sau là đến sinh viên, học sinh, rồi những người làm công việc lao động như xe ôm, bán hàng rong, đồng nát… cũng có thể tự “nuôi” một chiếc di động để phục vụ công việc.

Đến thời điểm hiện tại, chiếc điện thoại di động đã phổ biến tới mức người nông dân nghèo ở vùng sâu vùng xa cũng có thể sử dụng, trở thành phương tiện hiệu quả giúp người dân làm ăn buôn bán được thuận lợi hơn. Ngay cả các cháu học sinh tiểu học cũng được bố mẹ mua điện thoại để tiện liên lạc khi con được tan học sớm.

Nếu so sự phát triển viễn thông của nước nhà từ thời “xếp hàng chờ nghe” với các quốc gia có hạ tầng tương tự vào thời điểm 20 năm trước, thì Việt Nam đã có sự phát triển nhảy vọt, vượt qua nhiều nước để trở thành quốc gia có mức cước viễn thông rẻ hàng đầu tại châu Á. Thông tin liên lạc qua điện thoại ở Việt Nam giờ đã trở thành một trong những nhu cầu cơ bản đối với người dân như ăn mặc, chứ không còn khó khăn, đắt đỏ như những gì đang diễn ra ở đất nước Mozambique xa xôi.
Theo Huy Phong (VNN)

Đọc thêm