Hết thời của bình luận nặc danh?

Hết thời của bình luận nặc danh? ảnh 1

Ảnh minh họa

Từ thuở sơ khai của kỷ nguyên @, nặc danh là một trong những quyền cơ bản nhất của người dùng Internet nhưng ở thế giới Internet hiện đại, sự nặc danh trở thành một “căn bệnh” mà tất cả đang đi tìm thuốc chữa. Kể từ khi kỷ nguyên web 2.0 bắt đầu và những website tin tức cho phép độc giả được gửi ý kiến bình luận vào cuối mỗi bài viết, sự nặc danh bắt đầu phát tác những hiệu ứng xấu.

Tờ The Washington Post (Bưu điện Washington) cho biết, trong vòng vài tháng tới họ sẽ tiến hành xem xét lại chính sách bình luận để hạn chế những bình luận nặc danh hoặc tên giả và trao thêm “đặc quyền” cho những người bình luận bằng tên thật của mình. Còn các tờ New York Times, The Post hay một loạt những tờ báo điện tử khác cũng tuyên bố sẽ tiến tới yêu cầu độc giả đăng ký và cung cấp một số thông tin thực về bản thân trước khi gửi bình luận (tất nhiên những thông tin này sẽ không được hiển thị).

Không chỉ có báo chí, các blog cũng đang đi theo con đường này. The Huffington Post – blog tin tức nổi tiếng nhất thế giới cũng tuyên bố thay đổi cơ chế gửi bình luận trong đó có thêm việc “xếp hạng” người bình luận dựa vào việc họ hiểu biết đến đâu về lĩnh vực đó cũng như họ được những độc giả khác tin tưởng đến đâu.

“Nặc danh đã từng là một phần của Internet nhưng đã đến lúc không thể để những kẻ chuyên nói xấu, đưa bình luận theo kiểu khiêu khích… núp sau cái mác ẩn danh. Khi giao thông phát triển, luật giao thông cũng cần phải được thay đổi và thế giới Internet cũng vậy”, Arianna Huffington, người sáng lập blog The Huffington Post nói.

Tờ The Plain Dealer ở Cleveland (Mỹ) thấm thía tác hại của những bình luận nặc danh hơn ai hết khi mới đây phát hiện ra rằng những bình luận đăng trên website của họ đã được thực hiện bởi một kẻ cố ý nhằm hạ uy tín của một vị luật sư địa phương. Người gửi những bình luận này đã sử dụng email của một vị thẩm phán đã từng chủ trì một số phiên tòa mà vị luật sư kia tham gia.

Vị thẩm phán, Shirley Strickland Saffold sau đó đã phủ nhận việc mình gửi bình luận (cô con gái của ông ta mạo danh) và hồi tuần trước còn đệ đơn kiện The Plain Dealer với tội danh vi phạm quyền riêng tư.

Hết thời của bình luận nặc danh? ảnh 2
Nhiều báo điện tử đang xem xét lại chính sách bình luận để hạn chế bình luận nặc danh.

Các nhà báo nổi tiếng của nước Mỹ cũng đang bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với cơ chế gửi bình luận nặc danh hiện nay của các website tin tức. Leonard Pitts Jr., nhà báo của tờ Miami Herald mới đây đã thẳng thừng tuyên bố: sự nặc danh chỉ mang lại “vô số những sự thô lỗ, mù quáng, sự bần tiện và bẩn thỉu”. Nhưng ngược lại, William Grueskin, một trưởng khoa của trường đại học báo chí Columbia lại cho rằng mọi người có quyền được pháp luật công nhận trong việc bày tỏ ý kiến mà ý kiến đó có thể mang lại những tác dụng không tốt đến công việc hay cuộc sống cá nhân của họ mà không cần phải tiết lộ danh tính. “Nhưng đáng tiếc là nhiều bình luận lại đang biến các diễn đàn, website báo chí thành những quán rượu hổ lốn và đầy những vụ cãi cọ của sự quá chén”, William Grueskin nói.

Các website tin tức cũng muốn thu hẹp phần bình luận của độc giả bởi đó là khoảng không gian mang lại rất ít thu nhập cho họ. Thậm chí các nhà quảng cáo cũng không thích mua chỗ cạnh những mục bình luận, đặc biệt là những mục dễ gây xích mích.

Giải pháp được cho là dung hòa tốt nhất hiện nay là cơ chế “xếp hạng” người gửi bình luận. Đây cũng chính là cách mà Wikipedia hay Amazon.com đã làm bấy lâu nay. Người bình luận nào được những độc giả khác ủng hộ nhiều nhất, thông tin đưa ra có giá trị nhất sẽ dần dần được “mở cửa” hơn so với những người bình thường. Kinh nghiệm của Wikipedia và Amazon cho thấy, gần như tất cả những người bình luận “nghiêm túc và có giá trị xây dựng” thường dùng tên thật của mình.

Tuy vậy, cơ chế này cũng bộc lộ sự hạn chế rất lớn là sẽ nảy sinh trường hợp một nhóm nhỏ độc giả sẽ “vote” theo kiểu một chiều và đánh mất sự đa chiều của truyền thông.

Theo Lương Hương (ICTnews / NYTimes)

Đọc thêm