Hệ lụy từ web “chui”, web “vượt rào”

Hữu sinh… khó dưỡng

Xin bắt đầu từ những vi phạm của trang web “timnhanh…”. Đầu tháng 12-2008, trinh sát Đội An ninh văn hóa cho biết, các anh đang “theo” một trang web có nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng; đưa tin bài, hình ảnh đồi trụy, cả những bài viết lệch lạc đường lối.

Ngót nghét 2 tháng sau đó, thông tin cụ thể về trang web trên chúng tôi mới được tiếp cận. Giấy phép cơ quan chức năng cấp chỉ cho phép doanh nghiệp được khai thác 2 địa chỉ. Song khi kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp trên, cơ quan chức năng nhận thấy họ đang vận hành tới 13 trang web với địa chỉ, giao diện khác nhau nhưng đa số đều có thể kết nối bằng biện pháp kỹ thuật.

Đặc biệt, trang “timnhanh…” đã biến tướng giống hệt một tờ báo điện tử với chuyên mục rõ ràng. Khảo sát phần kỹ thuật của trang web này, lực lượng chức năng ghi nhận lượng thông tin của nó lên tới hàng triệu “user” (người sử dụng) cho mỗi chuyên mục trong mỗi ngày. Song, từng ấy thông tin lại chỉ có một nhân viên kiểm duyệt về mặt nội dung cho mỗi chuyên mục, nên đã dẫn đến hiệu ứng ngược là bị thông tin “tấn công” lại, không kiểm soát được nội dung trên trang web.

Tương tự như “timnhanh…”, những người sáng lập và điều hành công cụ tìm kiếm thông tin “X…com.vn” từng ấp ủ tham vọng muốn được cạnh tranh với “gã khổng lồ” Google vốn đang được thịnh hành trên toàn thế giới, bằng một sản phẩm thuần Việt. Số tiền đầu tư cho hệ thống này được biết lên đến hàng trăm ngàn USD. Quá trình khai thác, thông qua các tiện ích tìm kiếm thông tin bằng blog, hình ảnh, diễn đàn, web, tin tức…”X…com.vn” đã thu hút được lượng lớn độc giả truy cập.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh này, “X...com.vn” đã bộc lộ những khiếm khuyết trong quy trình kỹ thuật. Qua hình thức tìm kiếm thông tin blog, người đọc dễ dàng tìm thấy nhiều bài viết có nội dung xấu. Tường trình với cơ quan chức năng, đại diện doanh nghiệp sở hữu trang web trên cho rằng họ đã có ý thức bằng việc lập một “danh sách đen” ngăn chặn trên 800 trang web có nội dung xấu, nhưng vẫn chưa đủ người, phương tiện cũng như kỹ thuật để xử lý các nội dung độc hại khác.

“Việc chứng minh ý thức những người sáng lập các trang web trên là cố tình hay vô tình không hề đơn giản. Nhưng có thể thấy rằng, quá trình điều hành, ngay cả khi biết sản phẩm của mình có vấn đề, đơn vị - cá nhân lập trang web vẫn không có giải pháp ngăn chặn, dẫn đến tác động xấu đối với xã hội. Và dù vô ý hay cố tình, họ vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm của mình” - chỉ huy Đội An ninh văn hóa nhấn mạnh.

Mầm độc vô hình

Có trang web “vượt rào” do nhận thức của người điều hành chưa cao. Nhưng có những trang web được lập ra với ý đồ xấu ngay từ đầu. “In….com” là một ví dụ. Trang web này do một đối tượng người nước ngoài điều hành. Trong nhiều năm, nó hoạt động không có giấy phép và đưa nhiều bài viết xuyên tạc, có nội dung xấu về chính trị. Để truy ra trụ sở điều hành trang web này nằm tại quận Ba Đình, lực lượng chức năng đã mất nhiều tháng trời “lang thang” trên Internet.

Vỏ bọc của nó là một công ty TNHH. 14 nhân viên của công ty đều có trình độ đại học, đặc biệt trình độ ngoại ngữ rất giỏi. Họ được chỉ đạo chuyên “sưu tầm” những tin bài về kinh tế trên báo chí trong nước và nước ngoài, sau đó chuyển ngữ để bán với giá cao cho khách hàng. Đích thân người điều hành trang web đảm nhiệm việc tìm những bài viết có nội dung chống phá chế độ Việt Nam của báo chí nước ngoài do số người xấu viết, rồi đưa lên “In...com”.

Hoạt động quy mô hơn “In…com” là một doanh nghiệp tư nhân trụ sở tại đường Kim Liên mới mở, quận Đống Đa. Doanh nghiệp này bị cơ quan chức năng “sờ” đến do điều hành một trang web dành cho tuổi “teen” nhưng nhiều nội dung rất phản cảm.

Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện doanh nghiệp ấy đang quản lý tới 29 trang web không phép. Ngoài một số trang web được lập nhằm mục đích kinh doanh tên miền, doanh nghiệp này có cả trang web chuyên dịch vụ điều tra thị trường cho một tập đoàn của nước ngoài.

Cách nhìn, cách hiểu sai lệch về Việt Nam của bạn bè thế giới qua những trang web này là điều khó tránh khỏi. Lợi nhuận mà những người lập, điều hành trang web thu được là rất lớn. Tuy nhiên khi xử lý, nặng nhất các doanh nghiệp cũng chỉ bị “áp” chế tài xử phạt hành chính vài chục triệu đồng.

Việc “đóng cửa” trang web vi phạm là không dễ dàng. Bằng chứng là nhiều tuần, nhiều tháng sau khi doanh nghiệp sai phạm bị xử lý, độc giả vẫn truy cập được vào các địa chỉ trên. Một nghịch lý lớn nữa là, cơ quan chức năng hiện đang rất thiếu và yếu chuyên môn, sự nhiệt tình trong phát hiện, xử lý các trang web “chui”.

Ai cũng biết rõ về sự tồn tại của nhiều trang web không phép. Nhưng số vụ bị xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phát hiện, xử lý các trang web chưa có giấy phép hoạt động; nắm bắt trang web hoạt động với tên miền nước ngoài nhưng chưa thông báo với Trung tâm Internet của Bộ Thông tin và Truyền thông; quy trách nhiệm với doanh nghiệp khi để những thông tin độc hại xuất hiện trên sản phẩm của mình… đó là tính chất các vụ việc mà lực lượng chức năng đã phát hiện, nhưng xem ra, vi phạm chưa có chiều hướng giảm.

Theo Tin tức Online

Đọc thêm