Hành trình lưu lạc của một bức ảnh trên Internet

Hành trình lưu lạc của một bức ảnh trên Internet ảnh 1

Bức ảnh chụp Stephen lúc 5 tháng tuổi và đăng lên mạng từ năm 2000.

Năm 2000, Allen S. Rout – một kỹ sư lập trình hệ thống ở Gainesville, bang Florida (Hoa Kỳ) đăng lên website cá nhân của mình một số bức ảnh chụp cậu con trai Stephen mới 5 tháng tuổi của mình. Đó chỉ là những bức ảnh rất bình thường giống như hầu hết các bậc cha mẹ trẻ thường làm nhưng trong số đó, tấm ảnh chụp Stephen đeo tấm yếm đỏ cười toe toét với lời chú thích “Cậu bé vui vẻ” đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng trên mạng Internet toàn cầu theo cách mà Allen không bao giờ ngờ đến.

Tháng 7/2009, đột nhiên Allen S. Rout cảm thấy tò mò về cái người ta gọi là “uy tín mạng” của mình nên đã làm một phép thử: Gõ tên mình vào công cụ tìm kiếm Google và đã thực sự cảm thấy choáng váng với bảng kết quả mà anh nhận được. Hình ảnh cậu con trai 5 tháng tuổi Stephen cười toe toét ngày nào giờ đây đã được biến hình và xuất hiện khắp mọi nơi. Ở chỗ này là ảnh Stephen với mái tóc hất ngược ra phía sau, nơi khác là hình Stephen đội đầy rắn trên đầu. Khuôn mặt của cậu bé cũng được “dán” vào đầu của chàng ca sĩ Kurt Cobain, tạc vào đỉnh núi Rushmore (nơi tạc tượng của các cựu tổng thống Mỹ), biến thành hình xăm trên người của chàng cầu thủ điển trai David Beckham, trở thành một nhân vật trong trò chơi điện tử dạng 8 bit hay thậm chí còn được các cư dân mạng tạc thành tượng 3D…

Nhưng điều bất ngờ nhất là hình ảnh của Stephen xuất hiện với một mật độ khá dày đặc và gần như đã trở thành một phần của văn hóa Nhật Bản hiện đại. Hình ảnh cậu bé quàng yếm đỏ cười sảng khoái xuất hiện trên các show truyền hình hay thậm chí là trở thành tấm bình phong để lách luật trên những sản phẩm của ngành công nghiệp khiêu dâm bằng cách lấy khuôn mặt cậu để che đi những điểm nhạy cảm trên thân thể người phụ nữ… Sự biến hình này “phong phú” đến mức khi tìm kiếm trên Google bằng từ khóa “happy baby” (cậu bé vui vẻ), bức hình gốc của Stephen còn không được đứng đầu bảng kết quả.

Hành trình lưu lạc của một bức ảnh trên Internet ảnh 2

... Và đã được "phóng tác" trên núi Rushmore.

Hành trình lưu lạc của một bức ảnh trên Internet ảnh 3

Hay trở thành một hiện tượng trong văn hóa Nhật

Khi cơn choáng váng qua đi, Allen S. Rout quyết định làm một cuộc điều tra ngược để trả lời câu hỏi làm thế nào mà bức ảnh của một cậu bé lại trở thành một hiện tượng của người Nhật? Bằng sự giúp đỡ của website KnowYourMeme.com của hàng ngàn người dùng trên khắp thế giới và đặc biệt là công cụ Google Insights (công cụ theo dõi các hoạt động tìm kiếm web theo thời gian và địa điểm), Rout phát hiện ra rằng từ hồi năm 2004, trang chia sẻ hình ảnh 2chan.net của Nhật Bản đã đăng bức ảnh này trong một cuộc thi sáng tạo hình minh họa theo phong cách truyện tranh Nhật Bản. Và có lẽ hiện tượng Stephen bắt đầu từ đó.

Là một người làm việc trong lĩnh vực công nghệ web và đã có kinh nghiệm lướt web lâu năm nên Rout không quá lo lắng cho sự an toàn của cậu con trai nhưng anh vẫn cảm thấy rất bực bội dù biết mình cũng như các bậc cha mẹ khác đều không thể làm được gì để ngăn chặn tình trạng sử dụng hình ảnh của người khác một cách vô tội vạ như thế này một khi họ đã đưa nó lên Internet. Rout biết rằng, đến tận bây giờ, thế giới Internet vẫn ngầm hiểu với nhau một điều rằng những bức ảnh được phát tán trên Internet là một nguồn “tư liệu mở”.

Câu chuyện về sự lưu lạc của bức ảnh Stephen trên mạng Internet và bất ngờ trở nên nổi tiếng toàn thế giới không phải là cá biệt. Ghyslain Raza – một cậu bé 15 tuổi người Canada có thân hình mũm mĩm là một ví dụ khác. Năm 2003, một cậu bạn học cùng lớp đã bí mật tung lên mạng đoạn video Ghyslain Raza “nghịch” với chiếc gậy đánh golf giả làm thanh gươm ánh sáng (bắt chước theo những cảnh trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao – Star Wars). Ngay sau đó, Ghyslain Raza được ghép thành một đoạn video chiến đấu với đặc vụ Smith trong bộ phim “Ma trận”, Ghyslain Raza  chèo thuyền độc mộc qua thác nước hay biến thành một nhân vật châm biếm trong bộ phim hoạt hình “American Dad”.

Theo Viral Factory – hãng tiếp thị trực tuyến ở London (Anh), đoạn video “Star Wars Kid” đã được xem tới 900 triệu lần kể từ năm 2006 đến nay. Không được “may mắn” như Stephen, Ghyslain Raza sau đó đã trở nên rất căng thẳng, sợ hãi đám đông và mắc bệnh trầm cảm khi liên tục bị bạn bè trong trường học trêu chọc đến nỗi sau đó đã phải bỏ học, chuyển trường. Cha mẹ Ghyslain Raza sau đó đã đệ đơn kiện cậu bạn học cùng lớp (vụ kiện đã được giải quyết xong) nhưng giờ đây Ghyslain Raza - chàng sinh viên trường luật McGill University ở Montreal vẫn chưa hết giật mình mỗi khi ai đó đụng chạm đến chủ đề Star Wars.

Sức mạnh của Internet là điều không ai có thể bàn cãi vào thời điểm này và những câu chuyện trên cho thấy nếu không có sự quản lý sát sao, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nó nhưng nếu biết cách khai thác, bạn vẫn có thể kiếm bộn tiền. Câu chuyện về cậu bé “David sau khi đi nhổ răng” (David after Dentist) có lẽ là một trong những “điểm sáng” minh chứng cho điểu này.

Hình ảnh cậu bé có tên là David con trai gia đình nhà David DeVore, rên rỉ và than thở theo kiểu rất trẻ con về nỗi đau của mình sau khi vừa đi nhổ răng về đã từng có thời là hiện tượng đặc biệt của mạng Internet với số lượt xem đứng đầu trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới YouTube. Những câu hỏi “Đây có phải là đời thực?”(Is this real life?) hay “Chuyện gì đang xảy ra với con đây?” (Why is this happening to me?) cùng với đoạn video mà ông DeVore, cha của David tung lên mạng đã mang về tới 67 triệu lượt xem.

Trong vòng vài tuần, “David sau khi đi nhổ răng” đã có tới hàng chục phiên bản nhái trong đó có cả bản “David sau khi ly dị” với hơn 4 triệu lượt xem. YouTube cho biết, sau khi “David đi nhổ răng” trở nên “hot”, gia đình nhà DeVore đã kiếm được tới hơn 150.000 USD từ việc nhận hoa hồng quảng cáo trên chính đoạn video này và đến nay nó đã thực sự trở thành một “cỗ máy in tiền”. Cậu bé David sau đó còn trở thành đại diện quảng cáo độc quyền cho hãng sản xuất kem đánh răng FireFly.

Trở lại với câu chuyện của Routs và cậu con trai Stephen. Họ đã không có bất cứ một phiên tòa hay khoản tiền nào dù nhiều người vẫn cho rằng chắc chắn nhà Allen S. Rout phải “kiếm được khối”. “Tôi không muốn nhân cơ hội này để kiếm tiền của ai đó hay vì một mục đích nào đó. Nó đơn giản chỉ là một trò đùa”, Rout nói.

Cậu bé Stephen giờ đây đã 10 tuổi, cũng có quan điểm giống cha mình, không quá bận tâm xem người ta “chế biến” mình thế nào trên mạng  và thay vào đó là những buổi đi học karate hay chúi mũi vào loạt tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Honor Harrington.

Theo Lương Hương (ICTnews / New York Times)

Đọc thêm