Google xin lỗi sau sự cố "đột tử"

Sự cố "chết mạng" kéo dài cả tiếng đồng hồ, ảnh hưởng đến nhiều dịch vụ khác nữa như Google Reader, Google Maps, Google Analytics và thậm chí là website chia sẻ video YouTube.

Suốt cả buổi sáng, dịch vụ blog mini Twitter tràn ngập lời phàn nàn, kêu ca, bình phẩm về vụ việc. Một số người chỉ đơn giản thông báo là họ không thể sử dụng các trang web của Google, trong khi số khác rên rỉ là site chạy như rùa bò.

Không lâu sau, Google thừa nhận trên trang blog chính thức của hãng rằng" một lỗi trong hệ thống của chúng tôi đã điều dẫn dòng truy cập sang... châu Á, gây ra tình trạng nghẽn mạng cục bộ". Hệ quả là khoảng 14% người dùng đã phải nếm cảnh dịch vụ ì ạch hoặc thậm chí là đứt hẳn.

"Chúng tôi đã rất nỗ lực để tăng tốc cho các dịch vụ của mình, đồng thời đảm bảo cho chúng luôn "available", sẵn sàng phục vụ người dùng ở mức cao nhất. Vì thế, thật là đáng hổ thẹn khi sự cố kiểu này xảy ra", hãng tìm kiếm đang kiểm soát tới 60% thị phần cho biết.

"Chúng tôi rất xin lỗi vì vụ việc và bạn có thể yên tâm rằng chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa trong thời gian tới để ngăn chặn sự cố tái diễn", Google cam kết. Cũng theo lời hãng thì tình trạng rớt mạng bắt đầu từ lúc 7h48 phút (14:48 phút GMT) và kéo dài khoảng 60 phút.

Ảnh hưởng đến uy tín?

Trong khi đó, chuyên gia Ezra Gottheil của Technology Business Research lại mô tả vụ việc là một "sự cố đột tử trên quy mô rộng - rộng một cách đáng ngạc nhiên".

Với người dùng Web bình thường, những lần trục trặc kiểu này chỉ gây bực và phiền phức đôi chút, nhưng nó có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu Google.

Đồng thời, nỗ lực quảng bá các ứng dụng trên nền Web tới khách hàng doanh nghiệp/tập đoàn (một đối tượng nổi tiếng là khắt khe/hà khắc) chắc chắn sẽ bị tác động. "Nó sẽ gây ra ấn tượng là các dịch vụ của Google không đáng tin cậy cho lắm. Google sẽ rất khó lôi được doanh nghiệp ra khỏi những phần mềm/ứng dụng truyền thống".

Không đồng tình với phán đoán trên, biên tập viên cao cấp Sam Diaz của ZDNET tin rằng sự cố sẽ không thể khiến doanh nghiệp hoảng sợ và xa lánh điện toán đám mây được. Tuy nhiên, "doanh nghiệp nên nhân cơ hội này để cân nhắc kỹ hơn về các kế hoạch phòng ngừa sự cố bất ngờ".

"Nếu bạn đang có ý định ứng dụng Google Apps, hãy nghĩ ngay đến việc sao lưu dự phòng dữ liệu", ông Diaz khuyến cáo. Hồi tháng 2 vừa qua, dịch vụ mail miễn phí Gmail của Google cũng gặp phải sự cố "đột tử" tương tự, khiến cho hàng triệu người dùng toàn cầu không thể truy cập vào tài khoản của mình trong nhiều giờ.

Theo AFP/ VNN

Đọc thêm