Google theo dõi người sử dụng iPhone

Google theo dõi người sử dụng iPhone ảnh 1

Người sử dụng trình duyệt Safari trên các sản phẩm Apple như iPad dễ bị Google theo dõi - Ảnh: Reuters

Phần mềm Safari của Apple là trình duyệt web được sử dụng nhiều nhất trên các thiết bị di động. Nó được thiết kế để tự động chặn mọi hoạt động theo dõi, đảm bảo quyền riêng tư của người sử dụng. Tuy nhiên, theo điều tra của báo Wall Street Journal, Google đã sử dụng một loại mã vi tính đặc biệt, có khả năng đánh lừa phần mềm Safari, cho phép Google theo dõi hoạt động của những người duyệt web bằng Safari.

Qua kiểm tra bằng máy vi tính, nhà nghiên cứu Đại học Stanford Jonathan Mayer đã phát hiện các mẩu quảng cáo trong 22 trên tổng số 100 trang web hàng đầu tại Mỹ chứa mã dò tìm của Google. Một khi mã dò tìm này được kích hoạt, Google sẽ có khả năng theo dõi hoạt động của người sử dụng Safari không chỉ trên các trang web này mà còn ở vô số trang web khác, qua đó thu thập thông tin cá nhân của họ.

Đánh lừa Safari

Ngoài Google, các công ty quảng cáo trên mạng lớn như Vibrant Media, Media Innovation, PointRoll... cũng áp dụng chiêu thức này. Theo chuyên gia kỹ thuật WSJ Ashkan Soltani, dù Safari có chức năng chặn theo dõi nhưng Google đã tìm ra được lỗ hổng của phần mềm này. Trên thực tế Safari không ngăn chặn hoạt động theo dõi ở các trang web mà người truy cập có sự tương tác, ví dụ như điền thông tin vào một mẫu đơn.

Mã vi tính của Google khiến Safari nghĩ rằng một người đã điền thông tin vào một mẫu đơn của Google và cho phép Google cài một tập tin về người dùng trên iPhone hoặc iPad. Tập tin này sẽ ngừng hoạt động sau 12-24 giờ. Tuy nhiên, một khi đã cài được tập tin này vào máy của người sử dụng, Google sẽ dễ dàng cài thêm nhiều tập tin khác, qua đó theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của người truy cập web bằng Safari.

Theo WSJ, phản ứng lại với thông tin trên, Google tuyên bố mã vi tính của hãng không thu thập thông tin cá nhân của người sử dụng. Hãng Apple cho biết đang tìm cách chặn hình thức theo dõi lén này qua phần mềm Safari của hãng. Vibrant Media cho biết chỉ muốn “xác định người sử dụng” chứ không lấy thông tin cá nhân như tên tuổi hay số tài khoản. PointRoll khẳng định đây chỉ là “cuộc thử nghiệm hạn chế” nhằm kiểm tra xem người sử dụng Safari có vào các trang web quảng cáo sau khi đọc quảng cáo chứa mã theo dõi hay không.

Trên thực tế, Google từng bị điều tiếng liên quan đến việc đảm bảo quyền riêng tư của người sử dụng Internet. Mới đây, Google còn khẳng định với người dùng

Safari rằng họ có thể tin tưởng vào chức năng riêng tư của Safari. Năm ngoái, trong thỏa thuận với Hội đồng Thương mại liên bang Mỹ (FTC), Google từng cam kết “không xuyên tạc” các hoạt động liên quan đến quyền riêng tư với khách hàng. Mức phạt nếu vi phạm quy định là 16.000 USD/ngày.

Phải đảm bảo quyền riêng tư

Theo Hãng tin UPI, mới đây ba nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu FTC điều tra xem Google có vi phạm quyền riêng tư hay không. “Hành vi của Google có thể gây ra những tác động sâu rộng, bởi Safari là trình duyệt web mà hàng triệu người Mỹ sử dụng” - nghị sĩ Edward Markey và Joe Barton nhấn mạnh. Thượng nghị sĩ Jay Rockefeller cũng tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra. Nguồn tin Bloomberg cho biết một người sử dụng phần mềm Safari ở bang Illinois (Mỹ) đã đâm đơn kiện Google vì tội “cố tình vi phạm luật pháp liên bang về hành vi nghe lén”.

Tháng trước, Google với nhiều sản phẩm như tìm kiếm, YouTube, Gmail... tuyên bố sẽ điều chỉnh lại chính sách riêng tư để tổng hợp toàn bộ thông tin đang có về khách hàng Google. Vụ việc đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nước. Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Google phải đảm bảo quyền riêng tư của công dân EU.

Những tháng qua, rất nhiều công ty, tổ chức tại Mỹ bị cáo buộc sử dụng sai mục đích thông tin cá nhân của khách hàng. Các nghị sĩ Mỹ đã đưa ra một số luật đảm bảo quyền riêng tư trình lên quốc hội. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi đưa ra luật quyền riêng tư để buộc các công ty đảm bảo quyền riêng tư của khách hàng.

Buôn bán thông tin cá nhân là một trong những hoạt động kinh doanh có lãi lớn trên mạng Internet. Rất nhiều công ty công nghệ cung cấp sản phẩm miễn phí, lấy doanh thu từ quảng cáo trên mạng dựa trên thông tin cá nhân về khách hàng. Các công ty này cạnh tranh lấy quảng cáo dựa trên chất lượng các thông tin họ thu thập được từ khách hàng.

Hồi tháng 12-2011, trang WikiLeaks đã tung ra tập “hồ sơ gián điệp”, cho thấy hàng trăm công ty trên thế giới sử dụng các loại công nghệ hiện đại để theo dõi những tương tác của người truy cập mạng Internet. Do đó, sự riêng tư trên mạng Internet gần như không tồn tại và không có ai là an toàn.

Theo Sơn Hà (Tuổi Trẻ)

Đọc thêm