Google phản đối cáo buộc "xào" kết quả tìm kiếm

Google phản đối cáo buộc "xào" kết quả tìm kiếm ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trả lời trước Tiểu ban chống độc quyền, chính sách cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng thuộc Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Schmidt khẳng định thuật toán tìm kiếm của Google được thiết kế để trả về những kết quả tốt nhất cho người sử dụng chứ không hề thao túng để đưa ra các kết quả có lợi cho sản phẩm hay dịch vụ của chính hãng.

Sau khi nghe lời giải thích từ Chủ tịch Google, Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Mike Lee đến từ bang Utah vẫn chưa cảm thấy thuyết phục.

Theo ông, có thể Google không phải là tập đoàn độc quyền trên thị trường tìm kiếm, song công ty này nắm giữ vị thế quan trọng tới mức có thể quyết định ai sẽ thành công hay thất bại trên thị trường Internet.

Trong khi đó, các thượng nghị sỹ khác cho biết họ vẫn chưa quyết định rõ liệu Google có đang lạm dụng sức mạnh của mình hay không.

Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Al Franken từ bang Minnesota cho biết: "Tôi yêu Google. Tập đoàn này đã làm thay đổi đáng kể cách chúng ta tiếp cận và sử dụng thông tin."

Dưới góc nhìn của Jeremy Stoppelman, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành trang tư vấn lựa chọn nhà hàng trực tuyến Yelp, người cũng xuất hiện trong buổi điều trần của Tiểu ban chống độc quyền, chính sách cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng, thì Google không còn là công cụ tìm kiếm đưa người dùng tới các lựa chọn thông tin tốt nhất trên mạng nữa.

Theo Stoppelman, các kết quả tìm kiếm của Google luôn ưu tiên cho các sản phẩm dịch vụ có tính cạnh tranh của chính hãng.

Đáp lại ý kiến của Stoppelman, Chủ tịch của Google khẳng định hãng có cách xếp hạng các kết quả tìm kiếm riêng. Điều này đồng nghĩa với việc không phải trang web nào cũng có thể xuất hiện trên vị trí hàng đầu trong kết quả tìm kiếm như họ mong muốn, mà thứ hạng được căn cứ vào đó sẽ là kết quả tốt và phù hợp nhất với người sử dụng.

Chủ tịch Schmidt cũng thẳng thắn tuyên bố sử dụng Google là một lựa chọn của người sử dụng và họ hoàn toàn có thể chuyển sang công cụ tìm kiếm khác nếu không hài lòng.

Trên thực tế, quyền lực của Google trên thị trường Internet trong những năm qua đã khiến các nhà quản lý thị trường Mỹ và châu Âu "để mắt" tới tập đoàn Internet này. Theo thời gian, Google từng bước mở rộng hoạt động và lấn sân sang các lĩnh vực kinh doanh đa dạng từ dịch vụ bản đồ trực tuyến, mua sắm và du lịch, cho tới cung cấp hệ điều hành cho điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Cơ quan chống độc quyền Liên minh châu Âu (EU) đã mở cuộc điều tra nhằm vào Google hồi tháng 11/2010, trong khi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cũng tiến hành điều tra bộ phận kinh doanh quảng cáo và tìm kiếm trực tuyến của Google hồi tháng 6/2011.

Theo công ty nghiên cứu thị trường công nghệ comScore, Google nắm 64,8% thị phần thị trường tìm kiếm tại Mỹ trong tháng 8 vừa qua, theo sau là Yahoo! với 16,3% và Microsoft với 14,7%./.
Theo Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm