Giật mình chuyện "công khai rao bán số ĐT khách hàng"

Giật mình chuyện "công khai rao bán số ĐT khách hàng" ảnh 1
Không những thế, đã có một số website "chuyên" cung cấp danh sách này với số lượng lớn tới 20 triệu địa chỉ email, 100 ngàn số thuê bao di động trả sau...
Giữa ban ngày ban mặt

Một người có địa chỉ email: minh_bao1110... "đang cần bán danh sách số điện thoại khách hàng thuộc mạng Mobifone trên 100 ngàn số điện thoại thuê bao trả sau, có đầy đủ thông tin của khách hàng, địa chỉ nơi cư trú". Mức giá để đổi lấy những thông tin trên lên tới 80 triệu đồng.

Một người tên Dung, số điện thoại 09726xxxxx thì rao bán "danh sách khách hàng tiềm năng Phú Mỹ Hưng bao gồm số cũ + số mới số điện thoại chính chủ trong Phú Mỹ Hưng" với giá 2 triệu đồng.

Chủ thuê bao 0988.2xxxxx loan tin "đang có trong tay danh sách 1.700 khách hàng từ cấp... trưởng phòng trở lên. Có đầy đủ số điện thoại bàn, số di động, địa chỉ email". Ai có "nhu cầu" thì... xin liên hệ!

"Cầu kỳ hơn", một số nick còn tận tình trình bày, giải thích lợi ích của những thông tin cá nhân mà họ đang rao bán. Thí dụ như nick hanphong.jp@ sau khi quảng cáo đang sở hữu 100.000 số điện thoại di động ở Sài Gòn, 100.000 số ở Hà Nội đã thuyết trình rất rõ: "Chủ nhân của các thuê bao này đều là nam giới, trong độ tuổi lao động và được phân theo khu vực. Danh sách này có thể giúp bạn triển khai các chiến dịch marketing trên điện thoại di động, nhắn tin quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới, thông báo các chương trình khuyến mãi,... Danh sách này phù hợp với các nhà sản xuất, bán lẻ các sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng chủ yếu là nam giới mua hoặc quyết định mua".
Thậm chí phương cách để gửi thư rác di động hàng loạt cũng được... rao bán công khai, với mức giá là 1 triệu đồng cho mỗi 15.000 tin nhắn. Để "chốt hạ", nick này khẳng định như đinh đóng cột là "chắc chắn 100% người nhận tin đều đọc với hiệu quả là cao nhất và chi phí thấp nhất".

Điều đáng lo ngại hơn là không chỉ có cá nhân đăng tin trên các website rao vặt mà nhiều website "chuyên" cung cấp danh bạ cũng đã ra đời như "10.000 giám đốc doanh nghiệp trong nước; Danh sách 20 triệu địa chỉ email; Danh sách 4.200 sinh viên trường Đại học Kinh tế Tp.HCM có đầy đủ số điện thoại; Danh sách giám đốc marketing, giám đốc thương hiệu các công ty lớn tại VN; Danh sách thành viên CLB bất động sản thành phố Hồ Chí Minh...

Hợp pháp hay không?

Bản thân một người điều hành website cung cấp danh bạ này (có thu phí và hưởng hoa hồng từ người cung cấp danh sách) thừa nhận biết việc này là "không hợp pháp" nhưng ... vẫn làm. Lý do được đem ra bao biện khó lòng thuyết phục được ai: "chúng tôi cung cấp dịch vụ thiết kế web là chính, thấy khách hàng có nhu cầu mua và có những người muốn "ký gửi" để bán thì ...chúng tôi làm".

Theo các chuyên gia về viễn thông, nếu chủ thuê bao đồng ý cung cấp thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại di động, email... thì việc thu thập và "phát tán" nói trên là hợp pháp.

Tuy nhiên, khó có thể xác định nguồn gốc những thông tin trên có được sự đồng ý của chủ nhân hay không. Chỉ trừ khi "nạn nhân" trong số đó khiếu nại thì mọi việc mới ngã ngũ và cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Nhưng một điều chắc chắn rằng đây là một trong những "nguồn" để một số người lợi dụng phát tán  tin nhắn rác, thư rác. Hậu quả là người sử dụng điện thoại di động vẫn phải nhận tin nhắn rác một cách bất đắc dĩ.

Một đại diện của VNCERT cho biết: Đối tượng mua danh sách các số điện thoại thường sử dụng danh sách đó để gửi tin nhắn hoặc gọi điện quảng cáo các sản phẩm dịch vụ khi chưa được phép gây phiền hà, khó chịu cho chủ thuê bao di động. Thậm chí trong một số trường hợp xuất hiện hành vi lừa đảo.

Rõ ràng, việc quản lý của cơ quan chức năng đối với các website rao vặt còn lỏng lẻo. Mặt khác, bản thân chủ các website rao vặt còn lơ là việc kiểm soát thông tin được đăng tải trên chính các website này. Vì thế đã có tình trạng bác sĩ T. làm việc ở một bệnh viện trung ương bị "tung" số điện thoại di động lên mạng với lời rao là một người bán sim số đẹp giá rẻ. Bỗng dưng, bác sĩ T trở thành "kẻ" bán sim bất đắc dĩ, có ngày anh phải trả lời hàng chục  cuộc điện thoại hỏi mua sim. Sau đó, anh T. phải liên lạc nhiều lần với quản trị website đề nghị gỡ bỏ tin rao vặt đó mới được thực hiện.

Điều 6, Luật Viễn thông có hiệu lực từ ngày 1/7 sắp tới về Bảo đảm bí mật thông tin quy định:

1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân khi gửi, truyền hoặc lưu giữ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước trên mạng viễn thông có trách nhiệm mã hóa thông tin theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

3. Thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng của mọi tổ chức, cá nhân được bảo đảm bí mật. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin;

b) Các doanh nghiệp viễn thông có thoả thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ cho việc tính giá cước, lập hoá đơn và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng;

c) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Theo Hà Phương (VNN)

Đọc thêm