“Giang hồ” bấn loạn vì siết giờ chơi game online

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến. Các quy định mới tạo nhiều dư luận phản ứng trong cộng đồng doanh nghiệp lẫn game thủ.

Trói giờ chơi, không công nhận tài sản ảo

Một số điểm nổi bật trong dự thảo mới là quy định siết giờ chơi đối với các trò chơi trực tuyến. Theo đó, trò chơi trực tuyến đơn giản có sự giới hạn số lượng người tham gia đồng thời một trò chơi, có nội dung kịch bản và theo các quy tắc đơn giản, không gây tác động tâm lý căng thẳng tới người chơi. Với những trò chơi này, doanh nghiệp được cung cấp 24/24 giờ. Riêng đối với các trò chơi trực tuyến còn lại, doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ cho người chơi từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm.

Ông Lưu Vũ Hải, trưởng ban soạn thảo, cho biết ngoài ra còn có quy định đại lý dịch vụ trò chơi trực tuyến phải đóng cửa sau 22 giờ, nhằm hạn chế người chơi thâu đêm suốt sáng tại đại lý Internet.

“Giang hồ” bấn loạn vì siết giờ chơi game online ảnh 1

Cộng đồng game có trẻ có già nhưng phần lớn là người trưởng thành. Ảnh: Bá Huy

Ngắt giờ chơi, doanh nghiệp thiệt hại

Trước các quy định này, doanh nghiệp và game thủ đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện. Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG, cho rằng quy định giới hạn chỉ kinh doanh từ 8 giờ đến 22 giờ mong muốn quản lý tập trung đối tượng trẻ vị thành niên. Tuy nhiên thực tế, 10 giờ đêm có thể nói hầu hết trẻ em đều quay về gia đình, rất ít trẻ em còn ở ngoài. Trong khi đó, sau 10 giờ tối vẫn còn rất nhiều đối tượng khác có nhu cầu giải trí.

Ông Trần Phương Huy, Phó Giám đốc VTC Intecom, cho rằng: “Chưa có quốc gia nào áp dụng quy định bắt buộc dịch vụ game online phải tắt máy chủ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau cả. Vì bản chất hoạt động của các dịch vụ trực tuyến nói chung và game online nói riêng là hoạt động 24/24 giờ. Nếu áp dụng quy định tắt máy chủ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong vận hành dịch vụ. Hiện tại, với chín game được VTC cung cấp cho người dùng Việt Nam, chúng tôi đang sử dụng hàng ngàn máy chủ đặt tại nhiều địa điểm khác nhau tại Hà Nội, TP.HCM. Việc phải tắt-bật hằng ngày số lượng lớn thiết bị đó sẽ khiến công việc của chúng tôi trở nên rất nặng nề, chưa kể việc đó sẽ rất dễ dẫn đến lỗi cơ sở dữ liệu. Nếu không tắt máy chủ mà chỉ ngắt đường kết nối Internet thì lại là sự lãng phí vô ích năng lượng trong suốt 10 giờ đồng hồ mỗi ngày”.

Các doanh nghiệp cho rằng việc này ảnh hưởng lớn đến tâm lý khách hàng khi họ biết rằng các trò chơi yêu thích không phải lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ bất cứ khi nào họ muốn. “Theo khảo sát của chúng tôi thì phần lớn khách hàng của dịch vụ khi đó là những người trưởng thành, có giờ hoạt động vào lúc đêm khuya, hoặc là những người Việt Nam ở nước ngoài, sinh hoạt ở các múi giờ khác nhau” - ông Trần Phương Huy, Phó Giám đốc VTC Intecom, khẳng định.

Game thủ chỉ rảnh ban đêm

Giới game thủ còn bức xúc nhiều hơn với việc siết giờ chơi game. Anh Bùi Xuân Long, game thủ Võ Lâm Truyền Kỳ, trần tình: “Đến thời điểm này tôi đã chơi được khoảng năm năm và tương đối nhiều game của nhiều nhà phát hành như Vinagame, VTC… Cộng đồng chơi game lứa tuổi thanh niên chiếm số lượng đông, đối tượng học sinh, sinh viên không lớn. Tôi thấy quy định giới hạn 5 giờ đồng hồ chơi và cấm thời gian ban đêm là bất hợp lý. Như tôi, hằng ngày tôi đi làm, 5 giờ chiều về đến nhà, tắm rửa, cơm nước, đến 22 giờ tôi mới có thể ngồi chơi game được mà lúc đó lại cấm thì chúng tôi không biết chơi cái gì nữa”.

Anh Nguyễn Đức Thịnh, nick ThanhKhon, quân sư cầm quạt cho server Phong Sương Toái Ảnh của game Võ Lâm miễn phí, cho biết: “Ban của mình đa phần tuổi từ 25 trở lên, phần lớn đều làm việc suốt ngày và đa phần chỉ rảnh chơi game vào giờ tối. Thế nhưng việc cấm chơi game sau 22 giờ quả là bất hợp lý, có thể ngừng sau 1-2 giờ là hợp lý hơn”.

Theo chị Hà Thu, nickname Bánh Chưng, một game thủ nữ rất có uy tín trong thế giới Võ Lâm online, thì: “Việc quy định chơi 3-4 tiếng/ngày là quá ít. Thực tế các game thủ không thể online cùng một lúc, cho nên việc tụ hợp giao lưu rất khó khăn. Theo mình thấy ở nước ngoài, việc quản lý game theo độ tuổi thì hợp lý hơn, những người hơn 18 tuổi là có thể chơi game thoải mái vì họ lớn, đã có thể tự quyết định được hành vi của mình”.

Game nội khóc, game ngoại lên hương

Trong thế giới phẳng, đa số người chơi đều kết nối Internet tại nhà, chuyện chơi game nội hay game ngoại cũng chỉ là cái bấm chuột, bàn phím nên chuyện siết giờ chơi game nội chỉ có tác dụng dồn khách cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Anh Bùi Xuân Long nói: “Nếu cấm các nhà phát hành trong nước, cộng đồng game thủ sẽ chạy sang chơi các game của nhà phát hành nước ngoài”. Nick Banhchung cũng đồng tình: “Việc cấm game thủ tham gia sau 22 giờ chắc chắn sẽ kéo lượng người chơi sang server nước ngoài, làm đảo lộn bang phái, ảnh hưởng đến cả người chơi lẫn doanh nghiệp”.

Mục đích là quản lý tốt việc chơi game

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết quy chế của Thủ tướng về quản lý game online sẽ phải đảm bảo cho ngành game phát triển cũng như đảm bảo được các vấn đề về mặt xã hội. Chẳng hạn như Trung Quốc, một quốc gia có lễ giáo phong kiến khắt khe và các luật lệ chặt chẽ nhưng lĩnh vực game online ở quốc gia này phát triển rất mạnh. Vì vậy, việc tạo ra một quy chế đúng đắn không những thúc đẩy ngành game phát triển, đóng góp nhiều vào GDP của nước nhà mà còn hạn chế được mặt trái của game online mang lại.

BÁ HUY

Đọc thêm