Giai đoạn khốc liệt của thị trường công nghệ mạng: Cisco bị Juniper gia tăng sức ép

Tuy nhiên, trong giai đoạn đó, “ông lớn” Cisco đã để mất khá nhiều vào tay đối thủ “sinh sau đẻ muộn” hơn là Juniper.

Ngành công nghệ mạng cũng trải qua những sóng gió không kém gì những ngành khác khi một đại gia là Nortel đã phá sản hồi đầu năm nay, điều khó ai có thể tưởng tượng không lâu trước đó. Những đại gia còn lại cũng như đang ngồi trên đống lửa.

“Kể từ quý IV/2008 tới nay, Juniper lần đầu tiên đã vượt Cisco để chiếm vị trí số 1 trên thị trường định tuyến lõi tại Châu Á Thái Bình Dương”, Adam Judd, Phó Chủ tịch Cấp cao Juniper khu vực CATBD cho phóng viên Dân trí biết tại một cuộc hội thảo ở Kota Kinabalu, Malaysia. Đây được coi là một trong những phân khúc quan trọng nhất của thị trường công nghệ mạng, bởi các bộ định tuyến lõi là loại định tuyến lớn nhất, đóng vai trò xương sống trong các mạng cỡ lớn.

Theo Judd, khủng hoảng là thách thức với người này, nhưng là cơ hội với người khác, và Juniper đã tận dụng đợt khủng hoảng này để gia tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, thâu tóm thêm thị phần. Tại CATBD, tập đoàn này còn chiếm cả vị trí số 1 trong phân khúc công nghệ mạng riêng ảo an toàn (SSL VPN) và tường lửa đơn lẻ. Tại Việt Nam, Juniper hiện đứng đầu cả về định tuyến lõi, SSL VPN cũng như định tuyến BRAS và định tuyến vùng biên.

Doanh thu của hầu hết các hãng công nghệ mạng, giống như nhiều hãng công nghệ khác, từ lâu vẫn do các đối tác, các nhà phân phối mang lại. Các hãng thường tập trung vào phát triển công nghệ và hỗ trợ các đối tác về kỹ thuật, đào tạo và tiếp thị để họ có thể bán hàng và tích hợp hệ thống. Tuy nhiên, trong cơn khủng hoảng, Cisco đã thay đổi chiến lược và công khai cạnh tranh cả với các đối tác của mình. Điều này đã được chính Giám đốc điều hành của Cisco, John Chambers, lên tiếng thừa nhận cách đây không lâu.

Trong khi đó thì Juniper khẳng định tiếp tục “đồng cam cộng khổ” với các đối tác, đẩy mạnh mạng lưới của mình. Ngoài việc tăng cường những hỗ trợ truyền thống, Juniper còn kết hợp với đối tác IBM để cung cấp hỗ trợ về tài chính thông qua chương trình Tài chính Toàn cầu của IBM (IBM Global Finance) cho các đối tác gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tài chính. Trong năm 2008, Juniper đã tăng thêm 50% ngân sách dành cho việc đào tạo hơn 6.000 chuyên viên công nghệ mạng cho các đối tác, đồng thời dành tới 22% doanh thu để tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Năm 2009, Juniper lên kế hoạch tăng tiếp 25% tổng số đầu tư dành cho R&D.

Judd nói: “Sáng tạo và công nghệ là nguồn huyết mạch của Juniper, là thứ chúng tôi làm tốt nhất, vì vậy khi kinh tế khó khăn thì chúng tôi lại càng đẩy mạnh đầu tư. Chúng tôi có thể làm như vậy vì trong giai đoạn này khi nhiều hãng cạn kiệt nguồn tài chính thì chúng tôi vẫn còn tới 2,5 tỉ USD tiền mặt trong ngân hàng”.

Gary Kinsley, Phó Chủ tịch phụ trách kênh doanh nghiệp của Juniper CATBD, cho biết thêm: “2008 và 2009 là giai đoạn thị trường tồi tệ nhất từ trước tới nay cho ngành công nghệ mạng. Các khách hàng không thể chắc chắn được về ngân sách cũng như thời hạn triển khai, do vậy đã huỷ rất nhiều dự án và hoãn nhiều khoản đầu tư. Tuy nhiên, hiện Juniper nhận thấy vẫn có những mảng thị trường rất lớn có thể đoạt được từ Cisco. Doanh thu toàn cầu năm 2008 của chúng tôi vẫn tăng 26% và năm nay thị trường CATBD được coi là trọng điểm khi có tổng giá trị lên tới hơn 12 tỉ USD”.

Theo hãng nghiên cứu Forrester, trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì tính hiệu quả càng được khách hàng đặt lên hàng đầu. Vì vậy, Juniper có lợi thế lớn khi sử dụng một hệ điều hành chung là JUNOS cho hầu hết các sản phẩm của mình, từ đó nâng cao hiệu suất mạng và giảm đáng kể chi phí cũng như thời gian cho việc quản lý, vận hành. Trong khi đó, những hệ thống dùng thiết bị Cisco phải quản lý nhiều hệ điều hành khác nhau cho những thiết bị khác nhau.

Theo Uyên Minh từ Malaysia (Dân Trí)

Đọc thêm