Gia công phần mềm VN tăng trưởng âm

Gia công phần mềm VN tăng trưởng âm ảnh 1
Năm 2009, nhiều doanh nghiệp phần mềm gặp khó trong việc tìm khách hàng mới. Ảnh: THANH HẢI

Lao đao vì suy thoái

Bà Bùi Thị Hồng Liên, Tổng giám đốc công ty phần mềm lớn nhất nước FPT Software cho biết doanh thu của công ty năm nay chỉ tăng khoảng 1%, dự kiến đạt 42,2 triệu USD, tăng rất ít so với doanh thu 41,9 triệu USD công ty này đã đạt được trong năm 2008.

Thị trường Mỹ năm nay tăng trưởng khá tốt, đạt khoảng 40% sau một năm FPT Software mở chi nhánh ở thị trường này. Nhưng thị trường Nhật, nơi chiếm 60% doanh thu của công ty năm ngoái, đã suy giảm khoảng 10%. “Năm nay là lần đầu tiên chúng tôi tăng trưởng âm ở thị trường mà thời kỳ tăng trưởng thấp nhất là năm 2008 cũng đạt trên 50%”, bà Liên nói.

Trao đổi với phóng viên, một loạt công ty GCPM từ lớn như TMA Solutions, Tinh Vân, Vietsoftware đến những công ty nhỏ hơn như Run Systems đều nhận định 2009 là năm ảm đạm. Các doanh nghiệp không những gặp khó khăn lớn trong việc tìm khách hàng mới, ngay cả với các khách hàng truyền thống cũng bị giảm khối lượng công việc, do vậy doanh số tụt giảm so với năm trước.

Suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến tất cả các thị trường GCPM của Việt Nam. “Một số công ty chuyên làm cho một hoặc hai thị trường thì tưởng chỉ có thị trường này hoặc thị trường kia mới bị tác động nghiêm trọng nhưng thực chất là ảnh hưởng toàn cầu”, ông Lê Xuân Hải, Giám đốc công ty Vietsoftware International (bộ phận xuất khẩu phần mềm của Vietsoftware) nhận định.

Chính vì vậy, doanh thu không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm vài chục phần trăm là thực trạng phổ biến trong lĩnh vực GCPM năm nay.

Vietsoftware chưa tổng kết năm nhưng theo ông Hải dự kiến đạt khoảng 1 triệu USD, tăng trưởng âm khoảng 20% so với năm ngoái. Tinh Vân, theo ông Nguyễn Ích Vinh, Phó Giám đốc bộ phận gia công phần mềm (Tinh Vân Outsourcing), cũng chỉ đạt 50% doanh số so với mục tiêu đặt ra hồi đầu năm. Với Run System, ông Ngô Quang Tẩu, Giám đốc công ty kết luận: “2009 là năm không tăng trưởng đầu tiên”.

Ông Trần Phúc Hồng, phụ trách kinh doanh TMA Solutions cho biết: “Đầu năm nay, TMA cũng gặp nhiều khó khăn như các công ty khác trong ngành nên số lượng hợp đồng mới bị giảm đáng kể. Tuy nhiên từ tháng 9 đến nay thì tình hình rất khả quan. Không chỉ các khách hàng cũ tăng đơn đặt hàng, TMA còn thu hút được nhiều khách hàng mới nên mấy tháng nay đang tăng cường tuyển dụng. Nhưng nhìn chung công ty chỉ đạt mục tiêu của năm nay là giữ được quy mô nhân sự”.

2010: Nhật vẫn bi đát, Mỹ sáng sủa hơn

Nhìn tới năm 2010, các doanh nghiệp dự báo thị trường Mỹ, Úc có thể lạc quan hơn chút ít nhưng các thị trường còn lại, đặc biệt là Nhật, vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng khá cao trong năm tới.

Bà Bùi Thị Hồng Liên cho biết FPT Software đặt mục tiêu tăng trưởng 20% trong năm 2010, trong đó thị trường Mỹ tăng 100%, châu Âu tăng 30-40%, và thị trường Nhật là 10%. Tuy nhiên, đó chỉ “là kế hoạch để vươn tới và để sẵn sàng khi thị trường phục hồi”, bà Liên nói và dự báo thị trường Nhật vào năm 2010 sẽ vẫn khó khăn như năm nay, sớm nhất cũng chỉ có thể phục hồi vào giữa năm 2010.

Ông Trần Phúc Hồng cho rằng thị trường GCPM đang từng bước phục hồi theo tình hình phục hồi kinh tế, trong đó Bắc Mỹ và Úc sẽ phục hồi sớm hơn. “TMA chưa đặt mục tiêu cụ thể cho năm 2010 nhưng có lẽ sẽ tương đương với tốc độ tăng trưởng những năm trước (2006 – 2008)”, ông Hồng nói.

Mặc dù dự báo thị trường GCPM sẽ tiếp tục đìu hiu trong đầu năm 2010 nhưng VietSoftware lại đặt ra mục tiêu tăng trưởng rất cao, từ 200% đến 250%. Lý do theo ông Hải là vì “cả năm 2009 công ty chủ yếu dồn sức xây dựng lực lượng và quản lý để chuẩn bị cho thời kỳ sau khủng hoảng”. Tinh Vân cũng kỳ vọng sẽ tăng trưởng 50% nhân sự trong năm tới sau khi đã dành hẳn cả năm 2009 để đào tạo nhân sự, lấy các chứng chỉ quốc tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đưa ra một số thách thức đang đón chờ GCPM Việt Nam. Đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá và chất lượng từ những thị trường như Trung Quốc, Philippines và Bangladesh. Đặc biệt, theo bà Bùi Thị Hồng Liên, nhiều công ty Trung Quốc đang sẵn sàng làm không công để chiếm thị trường Nhật.

Theo Duy An (ICTnews )

Đọc thêm