“Gậy thần” của ngành CNTT

“Gậy thần” của ngành CNTT ảnh 1

Từ ứng dụng trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn

Ông Trọng kể từ năm 1993 trở về trước, chúng ta vẫn chưa có thuật ngữ CNTT mà gọi là ngành toán và máy tính. Thời đó Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề sử dụng công cụ toán và máy tính trong một số hoạt động xã hội, kinh tế và quốc phòng. Tuy nhiên do nguồn lực còn hạn chế nên ngành này vẫn chưa phát triển mạnh. Đến năm 1993, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 49CP được xem như là văn bản toàn diện đầu tiên về phát triển CNTT của nước ta trong những năm 90. Nghị quyết 49 đã đề xuất rất nhiều vấn đề quan trọng mà cho đến khi có Chỉ thị 58 vẫn còn nguyên giá trị.

Sau khi có Nghị quyết 49CP, Chính phủ đưa ra Chương trình quốc gia về CNTT được coi là một kế hoạch toàn diện để phát triển CNTT nước ta từ năm 1995 – 2000. Nghị quyết 49CP là phương hướng, còn Chương trình quốc gia là kế hoạch hành động để hiện thực hoá chủ trương phát triển CNTT của nhà nước. Nhưng thời đó chúng ta vẫn xem CNTT là một ngành khoa học kỹ thuật ứng dụng, chưa coi nó là một ngành kinh tế và công nghiệp riêng nên vẫn giao cho Bộ KHCN&MT quản lý chương trình này.

Sau khi nhận thấy khả năng của một Bộ mà quản lý chương trình này không đủ sức, Chính phủ đã lập ra Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện chương trình CNTT. Ban chỉ đạo này hoạt động thực sự trong khoảng 3 năm từ 1995 – 1998 sau đó giải thể không hoạt động nữa. Trước tình hình đó, Bộ KHCN&MT vẫn nỗ lực làm một số việc để tiếp tục duy trì đà phát triển CNTT, một trong những việc nổi bật ở thời kỳ ấy là đề xuất Chính phủ ra Nghị quyết về sự phát triển công nghiệp phần mềm ở nước ta từ năm 2000 - 2005. Quyết định này đã mở đường cho sự ra đời của khu công nghiệp phần mềm Quang Trung ở TP.HCM và hàng loạt doanh nghiệp phần mềm khác, tạo ra sức bật với nhiều doanh nghiệp phần mềm phát triển.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể sự phát triển của CNTT vẫn thiếu một đường lối chung. Lúc này ngành CNTT trong nước đứng trước một tình trạng gần như là khủng hoảng. Trong tình hình đó, Bộ KHCN&MT đã báo cáo với Chính phủ và Bộ Chính trị cần có một văn bản chỉ đạo tổng thể về CNTT một cách bao quát, nâng cao hơn nữa so với Quyết định 49CP bởi quyết định này ra từ thời chưa có Internet. Đó là lý do Chỉ thị 58 của Bộ chính trị ra đời.

Chỉ thị này đã đặt ra 5 vấn đề lớn: 1) phải phát triển cao độ ứng dụng CNTT để đưa đất nước hội nhập quốc tế, coi CNTT quan trọng ở mức độ không có nó thì không hội nhập được; 2) phát triển ngành công nghiệp CNTT, đặc biệt là đưa công nghiệp phần mềm trở thành ngành kinh tế quan trọng; 3) phát triển cao độ mạng lưới truyền thông của đất nước; 4) phát triển nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu ứng dụng và phát triển CNTT; 5 nâng cấp quản lý nhà nước về CNTT.

Theo ông Trọng, việc Chỉ thị 58 ra đời đã chấm dứt thời kỳ phát triển xem CNTT như một ngành khoa học ứng dụng để mở ra một thời kỳ phát triển mới, đưa CNTT trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn và là động lực thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác phát triển.

Sự ra đời Bộ BCVT là thành quả quan trọng

Sau khi Chỉ thị 58 ra đời, đất nước bước vào chu kỳ đại hội, tổ chức Chính phủ thay đổi và đến năm 2002 thì ra đời Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT). Và gần 2 năm sau khi có Chỉ thị 58, Chính phủ đã lập ra cơ quan chuyên trách là Ban chỉ đạo 58 (sau được đổi tên thành Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT) để lo chỉ đạo thực hiện chỉ thị này.

Ông Trọng kể lúc đầu triển khai nếu nói Chỉ thị 58 là “gậy thần” có thể nhiều người chưa đồng tình nhưng nó là một chỉ thị tạo ra rất nhiều thuận lợi cho việc thực hiện phát triển CNTT đất nước. Một trong thành tựu nổi bật của Chỉ thị 58 là sự ra đời một bộ máy nhà nước mạnh để phát triển CNTT, đó là Bộ Bưu chính Viễn thông. Từ khi ra đời đến nay, Bộ Bưu chính Viễn thông nay là Bộ TT&TT đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy ngành CNTT phát triển. Tuy nhiên, sau 10 thực hiện chỉ thị này, có nhiều việc chúng ta vẫn chưa thực hiện được theo mục tiêu mà Chỉ thị 58 đặt ra. Trong đó, một mục tiêu quan trọng nhất là đưa ngành CNTT Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới có vị trí quốc tế và đưa nước ta đến năm 2010 trở thành nước tiên tiến về CNTT so với khu vực vẫn chưa làm được.

Trong thời gian tới, ông Trọng cho rằng việc phát triển CNTT đã có Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Theo ông, đề án này đã nêu rõ những công việc phải làm trong đó trong thời gian tới. Tuy nhiên về định hướng phát triển ngành này, ông cho rằng thời gian tới Việt Nam không nên ôm đồm mà hãy tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp dịch vụ CNTT để tận dụng lợi thế so sánh lớn nhất của đất nước là nguồn nhân lực. Đây là ngành, theo ông, có thị trường lớn đủ chỗ cho nhiều quốc gia có nguồn nhân lực được đào tạo tốt.

Theo các thống kê, doanh thu ngành công nghiệp dịch vụ CNTT của Việt Nam năm ngoái chỉ khoảng 400 triệu USD, tức là mới chỉ bằng khoảng 0,05% doanh thu toàn ngành công nghiệp dịch vụ CNTT toàn cầu (ngành công nghiệp CNTT toàn cầu đạt 1408 tỷ USD năm 2009, trong đó công nghiệp dịch vụ chiếm gần 60%).

Để tăng tốc phát triển công nghiệp dịch vụ, ông Trọng cho rằng Chính phủ cần nhanh chóng có chính sách khuyến khích đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo nhân lực đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đối với thị trường dịch vụ CNTT quốc tế.

Theo Lê Mỹ (ICTnews)

Đọc thêm