Game và chat: Cùng là những “tội đồ”?

Chat - một phương tiện giao tiếp
Bối cảnh khi ấy là Internet mới dần được phổ biến và tất nhiên người trẻ cũng là những người “nhạy” nhất trong việc tìm kiếm và tiếp thu các tính năng mới của các công nghệ hiện đại. Còn nhớ khi ấy chat đã bị lên án và nhìn với con mắt ngờ sợ của khá nhiều phụ huynh nói riêng và người lớn tuổi nói chung. Những câu chuyện về bỏ học hành để đến phòng chat, những tội ác chực chờ nấp sau các nickname đáng ngờ đang sáng đèn, những thác loạn có khả năng xảy ra sau những câu chuyện vu vơ của những người trẻ vừa quen nhau trên không gian ảo, “nghiện chat” có khả năng ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống từ học tập đến gia đình, sự nghiệp… những viễn cảnh có vẻ u ám vẽ ra cho một công nghệ, một không gian mà phần lớn người ít thích các công nghệ mới chưa tiếp cận được đã càng làm dày hơn mối e ngại với chat. Có nhiều người vì thế đã lên án hay từ khước công nghệ giao tiếp mới này.
Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh trong bài “Nói với những người lên án chat” viết vào tháng 3/2003 in trong tập Dâu bể mười năm có chỉ rõ “không gian kỹ thuật được mở rộng ở chat chỉ mở ra cho người ta một không gian xã hội ảo với những quan hệ phi vật chất. Cho nên vấn đề là phải mở rộng không gian xã hội chứ không phải là thu hẹp không gian kỹ thuật, phải đưa chat trở vào quỹ đạo của một phương tiện giao tiếp đúng nghĩa chứ không phải là lên án nó”. Quả nhiên cho đến hôm nay, khi các trình chat như Yahoo Messenger, MSN, Zing chat… đã trở nên quen thuộc và hầu như không thể thiếu trên bất cứ máy tính nào, việc một người sở hữu vài ba nick chat khác nhau dùng cho những giao tiếp khác nhau cũng không phải là chuyện hiếm.
Đúng như nhà nghiên cứu nói, chat đã về với chính nó - một phương tiện giao tiếp. Chỉ sau vài năm khi Internet trở nên phổ cập, khi máy tính không còn là món hàng quá xa xỉ… chat đã trở thành một phương tiện giao tiếp không ai băn khoăn hay thắc mắc gì với sự tồn tại của mình cả. Tất nhiên những biến tướng như chat sex vẫn cần phải được ngăn chặn nhưng nhìn chung với sự sàng lọc và độ lùi cần thiết của thời gian, chat đã khẳng định được mình không đáng bị lên án thậm chí còn đáng được tung hô khi kết nối bao con người với giá cả gần như bằng 0.
Game online - Cần thời gian để sàng lọc
Game và chat: Cùng là những “tội đồ”? ảnh 1
Những người chơi game đừng biến các trò chơi giải trí thành những "tội đồ".

Với game online, thời gian 4 năm xuất hiện tại Việt Nam có phải là còn quá ngắn để sự sàng lọc và độ lùi cần thiết để ổn định (cho chính game và cách nhìn về game) nên cách nhìn của các bên có khi còn “lệch pha” nhau. Nhìn trong những ý kiến gần đây về đề tài này sẽ thấy những ý kiến đứng về phía game online vẫn nằm ở phía những người trẻ.

Việc chơi game quá độ của một số cá nhân đã khiến game online trở nên “đen tối” trong mắt những người làm cha làm mẹ.

Trong chữ dịch tiếng Việt “trò chơi trực tuyến” đã bao hàm ý nghĩa của phương tiện này, đó là trò chơi, phục vụ cho nhu cầu giải trí. Giống như cách đây 15, 20 năm thanh thiếu niên thời đó chọn đánh cù, đánh đáo, tạt lon… là trò chơi và trước đó nữa, thời các ông cha ta, đợi đêm trăng để chọn đình làng làm nơi nghe người già kể chuyện xưa và chơi kiệu. Mỗi thời đại chọn một cách thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh để làm trò chơi, không thể bắt các bạn nhỏ tại TPHCM ra đường phố soi lỗ bê tông để… đánh cù chẳng hạn, kiểu chơi đó quá nguy hiểm.

Đúng là trẻ con 4 tuổi thì không thể chơi trận giả cũng như bây giờ không thể chơi trong game bắn súng trực tuyến, nhưng để quản lý được người chơi đều ở mức 18 tuổi trở lên thì chỉ riêng nhà phát hành game không thể thực hiện được. Vì vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng cũng như trách nhiệm từ phía phụ huynh để kiểm soát những đối tượng không được phép chơi game online.
Việc mở rộng không gian xã hội cho game online, tăng cường các hoạt động ngoại khóa để làm nền cho các giao tiếp thực, tăng kỹ năng sống… như cách các nhà phát hành game Singapore đang làm cũng là cách để game nhanh chóng thành… một trò chơi đúng nghĩa.

Theo Phan Thành (Dân Trí)

Đọc thêm