Game online nguy hiểm với ai?

LTS: Lá thư này của một bạn đọc - người anh có em trai nghiện game online và đang vất vả cai game cho em. Từng căm giận, xót xa và bất lực, đã mất hơn nửa năm trời, em trai vẫn chưa cai khỏi game. Nhưng đã đủ để người anh này tin rằng: Cai game online không phải là không thể.

Hãy là bạn, đừng chỉ là phụ huynh!

Tôi tốt nghiệp đại học thì em trai vào cấp ba. Ba mẹ cho nó lên Sài Gòn ở cùng để hai anh em trai sẽ gần gũi và cho tôi có cơ hội thể hiện trách nhiệm của người anh cả.

Em tôi hiền, thông minh nhưng sống hướng nội nên ít bạn bè. Trong môi trường mới, nó càng lặng lẽ hơn. Ngoài đi học, nó chỉ quanh quẩn trong nhà. Tôi mới nhận việc, còn mải lo thể hiện bản thân hơn là dành thời gian để chia sẻ với em mình. Cho đến khi nó làm quen với game online, tôi đã không còn kiểm soát được. Thời gian nó ở tiệm Internet nhiều hơn thời gian học, rồi tới mức trốn học dài hạn để đi chơi game. Hết năm học đầu tiên, tôi mới ngã ngửa vì em mình ở lại lớp.

Tôi hoảng sợ nhưng không dám nói sự thật với ba mẹ. Cũng không dám nặng lời vì nghĩ nó cũng đã trưởng thành và chuyện này cũng có lỗi của tôi. Và chỉ còn một cách là bắt đầu tìm cách níu kéo nó ra khỏi cuộc sống ảo. Nơi nó thể hiện được mình xuất sắc hơn trong sổ liên lạc.

Kiểm soát thời gian gắt gao hơn. Tiền cho hàng ngày ít hơn, chỉ để phục vụ nhu cầu tối thiểu. Nhưng em tôi phản kháng bằng cách chấp nhận nhịn cả ăn để lấy tiền chơi game.

Bị bắt ở nhà, nó trở nên cáu gắt và cộc cằn. Còn kéo nó vào những cuộc vui cùng bạn bè tôi, nó lại trở thành thằng con trai cô độc vì khó hòa nhập.

Bí thế, tôi chấp nhận cho nó chơi game bằng cách nối Internet về nhà, để tiện kiểm soát thì như “đưa hổ về rừng” - em tôi xanh xao hơn, còn tôi nai lưng ra trả tiền điện gấp ba lần tháng bình thường. Khi tôi ngủ, nó lại lao vào những cuộc chiến không khoan nhượng và hàn huyên với bạn bè trong thế giới ảo, nơi nó được tôn vinh và sẻ chia.

Khi tưởng đã vô phương, tôi bèn tìm cách lân la vào thế giới mà em tôi đang sống. Và hiểu ra sự hà khắc hay mệnh lệnh của mình càng buộc nó tìm chỗ dựa trong thế giới ảo. Từ bỏ những cáu kỉnh, mệnh lệnh, tôi nói chuyện với em bình đẳng như bạn bè trong game của nó và được sẻ chia rằng: Bản thân nó và bạn bè nhiều lần muốn dứt ra khỏi game. Nhưng không có sự sẻ chia từ người thân đã đưa chúng dựa dẫm và níu nhau “chết chùm” trong thế giới ảo.

Tôi đã làm “bạn” với em tôi được nửa năm rồi, em tôi vẫn chưa đi học lại và chưa dứt hẳn cơn nghiện game. Nhưng tháng trước, về nhà mẹ tôi đã khấp khởi bảo rằng nó gọi điện thoại về cho mẹ: “Đầu năm học mới, con đi học nghề, mẹ ạ!”.

H.L (Phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức)

Gốc rễ của chuyện nghiện game online? Có chữa trị dứt chứng nghiện game online không?... Những câu hỏi làm đau đầu các phụ huynh có con em nghiện game online đã được các nhà tâm lý, bác sĩ, nghiên cứu xã hội ngồi tìm đáp án tại hội thảo “Nghiện Internet - game online: Thực trạng và giải pháp”, được Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai và báo Đồng Nai tổ chức ngày 6-8.

Nghiện game vì được sống theo bản năng

TS tâm lý học Nguyễn Hồi Loan (ĐH KHXH&NV Hà Nội) cho rằng: Áp lực bài vở ở trường hiện ngày càng nặng khiến các em học sinh giải tỏa căng thẳng bằng cách tìm đến game online. Các nhà làm game đưa vào những tình huống đời thực đã kích thích bản năng của con người là tranh đấu và gây hấn. Ai cũng muốn chiến thắng nên toàn tâm, toàn ý và chìm đắm với nhân vật.

TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thì cho rằng: Game online đặc biệt nguy hiểm đối với những người nghị lực kém và nhân cách chưa định hình. Ở trò chơi này, người chơi trải qua những cung bậc tình cảm mạnh mẽ như hồi hộp, phấn khích, hãnh diện, tức giận... Game thủ rất nhập tâm vào nhân vật của mình, nghiện lúc nào không hay.

Một dạng bệnh lý tâm thần?

Bác sĩ Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng (Bệnh viện Tâm thần trung ương 2), nhìn nhận: Người nghiện game, lớn thì bỏ bê công việc, không quan tâm gia đình; học sinh thì bỏ học, không có tiền chơi game thì trộm cắp, giết người cướp của... “Bệnh nhân” này dễ rơi vào các rối loạn tâm thần như suy nhược, trầm cảm, lo âu, thậm chí là tự tử.

Bác sĩ Công dẫn chứng: Học sinh THN ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai học lớp 7 nhưng nghiện game online từ năm lớp 6 và bỏ học, trốn vào tiệm Internet. Em trộm tiền ba mẹ để thỏa mãn việc chơi. Bị đánh, em bỏ nhà đi bụi theo bang hội, cùng ra đường ăn xin và trộm cắp để thỏa mãn thú chơi game. N. được chẩn đoán là rối loạn hành vi cảm xúc ở lứa tuổi thanh thiếu niên, biểu hiện hung tính, thờ ơ, mất cảm xúc, rối loạn giấc ngủ...

Hay như em HA, học sinh lớp 10 tại TP.HCM, có bố là giảng viên đại học, được chẩn đoán là rối loạn hành vi thể chống đối xã hội. A. luôn có cảm giác thua thiệt vì anh, chị thì học trường chuyên, đậu ĐH tiếng tăm, còn A. thì học trường dân lập, cảm giác thua kém khiến em chán nản. Bố mẹ ít có thời gian quan tâm nên em cảm thấy cô độc và nghiện game Audition.

Theo bác sĩ Công và các nhà tâm lý học, nghiện game online có phải là một bệnh lý tâm thần hay không vẫn còn manh nha, chưa có cơ sở lý luận. Triệu chứng lâm sàng về nghiện game online chưa rõ ràng nhưng những tác động không khéo của gia đình, xã hội... đã khiến giới trẻ ngày càng tìm đến game online hơn.

Chữa trị bằng liệu pháp tâm lý

Bà Hồ Thị Luấn (chuyên viên của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) đưa ra con số khảo sát thái độ của phụ huynh về việc con họ chơi game online: 38,35% để con em họ chơi thoải mái và không quan tâm chiếm 22,58%.

“Gần như phụ huynh chỉ quan tâm khi con em họ nghiện. Khi phát hiện con nghiện game, phụ huynh không nên gay gắt, quát mắng, cấm đoán. Bởi khi say mê, trẻ sẽ có biểu hiện chống đối, phản ứng dữ dội. Tốt nhất nên khuyên bảo nhẹ nhàng, dần dần rút bớt thời gian chơi game, hướng các em đến những hoạt động vui chơi, giải trí khác. Nếu không có kết quả, nên đưa con em đến các chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc phòng khám tâm thần” - bà Luấn khuyên.

TS-BS Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, cho rằng: Những người nghiện game, lệ thuộc Internet nhận thấy họ có khả năng bộc lộ những xung đột bị kìm nén của bản thân. Trong không gian game, người e thẹn trở nên cởi mở, người không quyết đoán trở nên mạnh mẽ, người sống cách biệt muốn kết bạn, giao du. Bác sĩ Thọ cho biết một game thủ là bệnh nhân của ông tự nhận mình là người hiền lành ban ngày nhưng tối đến, lên mạng chơi game là anh ta trở thành một người hung hãn, độc ác.

Để chữa trị chứng nghiện game cho các game thủ, TS-BS Nguyễn Đắc Thọ đưa ra lời khuyên: Gia đình nên hướng người nghiện vào các hoạt động đời thường để người nghiện nhận thức được giá trị của cuộc sống thật, từng bước “lãng quên Internet”. Gia đình cũng nên giảm những lời quở trách, cải thiện việc giao tiếp, là nguyên nhân dẫn người nghiện tìm đến thế giới ảo trên game online.

Vì sao khó dừng cuộc chơi?

Ông Nguyễn Minh Tiến, giảng viên tâm lý ĐH Văn Hiến TP.HCM, nhìn nhận: Game online còn có tính năng giúp tự tạo nên những nhân vật rồi hóa thân trở thành nhân vật ấy, thậm chí hình thành nên sự gắn bó tình cảm giữa người chơi và nhân vật rồi hóa thân vào.

Một tính chất nữa của game online (và nói chung là của Internet) là sự hình thành những mối quan hệ trong một cộng đồng cư dân trên mạng có cùng mối quan tâm và luôn sẵn lòng chia sẻ. Riêng trong game online, đó chính là tập hợp của những bạn chơi, nhất là trong các trò chơi sắm vai trực tuyến có đông người chơi.

Những tính chất này khiến người nghiện game khó có thể dừng cuộc chơi và bị thôi thúc quay trở lại cuộc chơi.

QUỐC VIỆT

Đọc thêm