Game giáo dục có “hút” nổi học sinh?

Mới đây, báo chí đưa tin một hợp tác phát triển game giáo dục trực tuyến giữa 2 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc được kỳ vọng đem lại một sân chơi mới đầy bổ ích cho giới học sinh, sinh viên - nhóm khách hàng tiềm năng của game online và cũng là nhóm đã nảy sinh nhiều tác động tiêu cực nhất từ game online.

Lành mạnh thì ít, tệ nạn thì nhiều!

Rất nhiều phụ huynh nhận định “sân chơi” game online hiện nay lành mạnh thì ít, cám dỗ tệ nạn thì nhiều. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè, nhiều phụ huynh phải chấp nhận nhốt con trong nhà và “làm bạn” với chiếc máy tính nối mạng vì các nhà văn hóa thì quá tải, khu vui chơi ở thành phố không có nhiều với những trò chơi quá đơn điệu. Các game online như Half-life, Biệt đội thần tốc, Đột kích, Võ lâm truyền kỳ… có nhiều cảnh chém giết, cướp bóc không nương tay. Ngoài ra, những trò game sex cho phép người chơi đóng vai một nhân vật nam gặp cô gái nào đó (ảo) là chộp lấy hãm hiếp cho đến chết và phim, ảnh sex, truyện sex tràn lan, người chơi thỏa sức truy cập và mê mẩn lúc nào không hay. Còn nhớ đã có rất nhiều câu chuyện đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ việc mê game online. Nhẹ nhất là những sinh viên bỏ học, nợ tiền chơi đến mức cha mẹ ở quê phải bán trâu, bán đất trả nợ. Rồi chuyện một game thủ 17 tuổi ở TP.HCM chơi game liền 57 tiếng trong tình trạng không ăn, không ngủ, khi được chủ quán Internet nhắc nhở, ngăn cản không cho chơi tiếp thì dùng ghế phang vỡ máy tính rồi… ngất xỉu. Nguy hiểm nhất là em Nguyễn Viết Thành ở Hải Dương mới chỉ ở lứa tuổi học sinh nhưng đã giết cha lấy tiền chơi game. Không những vậy, Thành còn tìm cách phi tang tội lỗi bằng cách chặt xác cha thành nhiều mảnh vứt xuống sông rồi vẫn ung dung tiếp tục mua thẻ game để chơi. Những hành động như vậy phải chăng là do các em được “tôi luyện” trong môi trường game online đầy bạo lực đang phát hành một cách khá thoải mái ở Việt Nam.

Trong một cuộc trả lời trực tuyến mới đây về quản lý game online do Bộ TT&TT tổ chức, các nhà quản lý lĩnh vực này đã khẳng định những game online khi phát hành tại VN phải được thẩm định về nội dung trước khi phát hành để đảm bảo không có nội dung độc hại. Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng thừa nhận có thể những game không phát hành tại Việt Nam mà phát hành trực tiếp trên mạng không qua kiểm duyệt sẽ có nội dung độc hại.

Game giáo dục có hấp dẫn?

Chưa nói tới việc nhà quản lý sẽ quản lý các doanh nghiệp phát hành game, cửa hàng kinh doanh Internet như thế nào cho hiệu quả song về mặt nội dung game, việc cho ra mắt một loại hình game mới gắn với giáo dục có thể coi là một tin vui đối với các bậc phụ huynh có con trót mê game.

Theo giới thiệu của 2 doanh nghiệp sẽ phát triển loại hình game này thì game giáo dục là trò chơi trực tuyến được xây dựng một cách có hệ thống về nhân vật và kiến thức bổ trợ, không dừng lại ở mục đích giải trí đơn thuần, không có nhiều hình tượng chiến binh, hiệp khách mà là các hình ảnh mang sắc thái vui nhộn, hài hước chứa đựng thông tin phong phú, giúp người chơi tiếp thu được nhiều kiến thức phục vụ học tập và cuộc sống. Nội dung game có thể là những ngân hàng câu hỏi luyện thi đại học, người chơi có thể lựa chọn môn học mình yêu thích.

Thực tế, đây không phải là loại hình game hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Ở lứa tuổi mẫu giáo, các bậc phụ huynh mang phong cách hiện đại đã sớm tìm cho con mình những game giáo dục theo hình thức “chơi mà học” nhằm phát triển tư duy trẻ rất hiệu quả. Hiện nay, có rất nhiều chương trình PC game dành cho trẻ nhỏ nhưng một trong những chương trình được coi là chính thống và được Vụ Giáo dục mầm non khuyến khích áp dụng trong các trường mầm non là Kidsmart của Hãng Edmark (Mỹ). Ngoài ra, trên thị trường và ngay cả trên mạng Internet cũng có rất nhiều những game khác dành cho trẻ. Có thể kể đến các bộ trò chơi như Jump.Start (Knowledge Adventure - Mỹ), Learning Center Series (Davidson & Association - Mỹ), Reader Rabbit’s (The Learning Company - Anh), Fisher-Price (Knowledge Adventure - Mỹ), Disney’s Series (Walt Disney - Mỹ)... Các game được phân cấp bậc cụ thể tùy theo lứa tuổi hoặc phân theo chủ đề như học chữ, học toán, học về thú vật... Tuy nhiên, đáng chú ý là hầu hết những game giáo dục được quan tâm khai thác thời gian qua chưa có chương trình nào dành cho lứa tuổi học sinh, sinh viên - nhóm tuổi rất nhạy cảm trong việc hình thành tính cách tuổi trưởng thành.

Một điểm nữa là rất nhiều ý kiến băn khoăn, liệu game giáo dục sẽ làm gì để “kéo” những game thủ vốn chỉ mê hành động bạo lực bắn nhau, chém, giết… tham gia vào những câu hỏi mà có lẽ họ đã chán ngắt trong các giờ học tại trường. Rõ ràng, việc tìm đến game là để các em giải trí sau giờ học căng thẳng, tức là thuần túy giải trí. Nay game có lồng nội dung kiến thức, sẽ làm thế nào để các em cũng “say” như đã từng thức trắng đêm với game bạo lực.

Theo ICTNews

Đọc thêm