EVN Telecom nhảy vào“chảo lửa” 3G

EVN Telecom nhảy vào“chảo lửa” 3G ảnh 1

Thiếu thiết bị đầu cuối khiến EVN Telecom “lận đận” trong một thời gian dài vừa qua. Ảnh: Thanh Hải

Như vậy, thị trường di động sắp có 4 nhà khai thác chính thức cung cấp dịch vụ 3G.

EVN Telecom và cuộc “tái sinh” lần 2

Theo cam kết, liên danh EVN và Hanoi Telecom sẽ cung cấp dịch vụ 3G sau 9 tháng kể từ ngày nhận được giấy phép. Trong 3 năm đầu tiên, liên danh EVN Telecom và Hanoi Telecom sẽ đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng cho triển khai 3G, đảm bảo phủ sóng tới 50% dân cư khi cung cấp dịch vụ. Hồi tháng 4/2010, EVN Telecom bắt đầu thử nghiệm dịch vụ 3G trong nội mạng. Theo đúng cam kết với Bộ TT&TT ngày 9/6 tới, EVN Telecom sẽ khai trương dịch vụ 3G.

Ông Võ Quang Lâm, Phó giám đốc EVN Telecom cho biết, EVN Telecom sẽ cung cấp dịch vụ 3G trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, vùng phủ sóng 3G mạnh nhất của mạng này sẽ chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. “Khác với các mạng 3G đã cung cấp trước đó, khách hàng của EVN Telecom muốn sử dụng dịch vụ 3G sẽ phải đổi máy vì máy đầu cuối công nghệ CDMA không thể dùng cho mạng 3G được. Hiện tại, EVN Telecom đang tính toán đến khả năng hỗ trợ khách hàng khi chuyển đổi thiết bị đầu cuối, nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng”, ông Võ Quang Lâm nói.

Theo phân tích của giới chuyên môn, sự kiện EVN Telecom cung cấp dịch vụ 3G được coi là lần tái sinh của mạng di động này để bước chân vào thị trường di động. Trước đó, mạng này đã có thời gian dài “đau khổ” vì băng tần 450 Mhz bị can nhiễu nặng. Thêm vào đó sự khan hiếm thiết bị đầu cuối khiến nhà mạng này không thể xã hội hoá được máy đầu cuối mà vẫn phải nhập máy bán cho khách hàng. Sự khó khăn chồng chất về băng tần, cộng thêm với cách kinh doanh của ngành Điện đã khiến cho mạng di động này có thời điểm “gần như mất tích” trên thị trường di động Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, giới phóng viên theo dõi CNTT đã không còn nhận được các cuộc điện thoại từ đầu số 096. Những khó khăn đã buộc EVN Telecom chuyển sang thành người mở đường khai thác dịch vụ cố định không dây và mở ra trào lưu mới về cung cấp dịch vụ cố định dựa trên mạng di động.

Phía EVN Telecom cũng thừa nhận sự kiện cung cấp dịch vụ 3G đánh dấu cuộc “cách mạng” đối với mạng di động này để bước chân vào thị trường di động lần 2. Vì vậy, giấy phép này như là việc đặt cược của EVN Telecom để phát triển dịch vụ di động. “Cho dù cung cấp dịch vụ 3G, nhưng chúng tôi xác định doanh thu chính vẫn là thoại và SMS. Các dịch vụ 3G cũng chỉ là giá trị gia tăng chứ không phải là doanh thu chính. Trong số các dịch vụ giá trị gia tăng mà chúng tôi sẽ cung cấp cho khách hàng, Mobile TV sẽ là dịch vụ quan trọng tạo nên sự khác biệt của EVN Telecom so với các nhà cung cấp dịch vụ 3G trước đó”, ông Võ Quang Lâm nói.

Thế nhưng, việc EVN Telecom bước chân vào thị trường 3G được đánh giá là con đường đầy chông gai. Những nhà cung cấp dịch vụ 3G trước đó là VinaPhone, MobiFone và Viettel vẫn có số lượng khách hàng ở mức “khiêm tốn”. Việc đầu tư cho 3G của các mạng di động có phải là “cái bẫy” hay không thì chưa thể khẳng định được. Phía Viettel lại chuyển hướng chiến lược sang sử dụng 3G để cung cấp băng rộng không dây cho laptop và PC là chính và chưa kỳ vọng nhiều vào lớp khách hàng dùng di động.

Trong buổi họp hôm đầu tuần với lãnh đạo Bộ TT&TT, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, việc phát triển 3G của Việt Nam đến giờ vẫn còn rất khiêm tốn, người dùng chủ yếu sử dụng để truy cập Internet, vẫn chưa thực sự mặn mà với dịch vụ giá trị gia tăng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp chưa tận dụng hiệu quả tài nguyên băng tần 3G. Giới phân tích cho rằng, với số lượng thuê bao ở mức “khiêm tốn”, EVN Telecom sẽ phải vất vả hơn nhiều trên con đường tìm kiếm khách hàng sử dụng mạng 3G bởi 3G là sự tiếp nối của 2G và nó còn phụ thuộc vào lợi thế quy mô.

Hanoi Telecom là ẩn số?  

Đến ngày 9/6/2010, Việt Nam sẽ có 4 mạng di động chính thức cung cấp dịch vụ 3G. Thế nhưng, một nửa giấy phép của liên danh EVN Telecom – Hanoi Telecom vẫn “án binh bất động”. Không có bất cứ thông tin gì được tiết lộ xung quanh việc Hanoi Telecom triển khai 3G cho dù theo cam kết là tháng 6 này cả hai phải cung cấp dịch vụ 3G. Rất có thể Hanoi Telecom sẽ có tuyên bố bất ngờ giống như mạng này đã bất ngờ nộp hồ sơ thi tuyển 3G theo dạng liên danh với EVN Telecom. Không chỉ có Hanoi Telecom “im hơi lặng tiếng” mà mạng ảo Đông Dương Telecom cũng không có tuyên bố gì về việc cung cấp dịch vụ di động sử dụng hạ tầng trên mạng 3G của Viettel, cho dù trước đó họ cho biết chậm nhất đến quý I/2010 sẽ cung cấp dịch vụ.

Trong khi các mạng di động được cấp phép 3G rầm rộ triển khai, thì người “trượt vỏ chuối” trong kỳ thi tuyển này lại rừng rực tuyên bố đã phủ sóng dịch vụ 3G đến 37 tỉnh, thành theo công nghệ CDMA 2000 1X EVDO. S-Fone cho biết từ nay đến cuối năm 2010, mạng này sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp dịch vụ 3G-EVDO từ Rev0 lên RevA/B để đảm bảo phát triển tốt các dịch vụ 3G và định hướng phát triển hội tụ 4G trong tương lai.

Việc chặt chẽ trong các điều khoản cam kết trong hồ sơ thi tuyển 3G đi kèm theo số tiền đặt cọc đã khiến cho các mạng di động bước vào sân chơi lớn 3G đều tuân thủ cam kết một cách nghiêm túc. Cam kết hồ sơ thi tuyển 3G và cơ chế đặt cọc đã là liều thuốc thử thành công ban đầu cho căn bệnh “nhờn cơ quan quản lý” bấy lâu của các “đại gia” di động Việt Nam.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm