Đừng cố kéo dài thời gian sử dụng IPv4

Đừng cố kéo dài thời gian sử dụng IPv4 ảnh 1

Châu Á sẽ hết địa chỉ IPv4 trong 3-6 tháng tới

Ngày 3/2, Tổ chức quản lý địa chỉ IP toàn cầu (IANA) đã cấp phát 5 khối địa chỉ IPv4 “/8” cuối cùng cho 5 cơ quan cấp phát địa chỉ Internet khu vực (RIR). Như vậy, nguồn dữ trữ IPv4 của thế giới đã hết và hiện chỉ còn lượng địa chỉ IPv4 đang nằm tại RIR. Các cơ quan này sẽ phải tự xoay xở trong lượng địa chỉ đang nắm giữ bao gồm nguồn địa chỉ đã xin từ IANA trước đây nhưng chưa cấp phát hết và các khối địa chỉ “/8” cuối cùng vừa được IANA cấp.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, chính sách đối với lượng địa chỉ còn lại của từng khu vực sẽ được phân ra thành 2 loại. Đối với lượng địa chỉ không nằm trong các khối “/8” cuối cùng, RIR vẫn sẽ triển khai theo chính sách cấp phát thông thường, tức là cấp cho đến khi hết thì thôi. Với vùng địa chỉ “/8” cuối cùng, các tổ chức quản lý khu vực sẽ dùng cho mục đích hỗ trợ, duy trì, cung cấp công cụ giúp các thành viên trong quá trình chuyển đổi sang IPv6. Chính vì thế, vùng địa chỉ này thay vì cấp theo nhu cầu như thông thường thì sẽ cấp đồng loạt cho các thành viên tối đa “/22” (khoảng 1024 địa chỉ) và trong một lần duy nhất.

Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) còn khoảng gần 3 khối “/8” được cấp phát theo hình thức thông thường. “Dù APNIC có lượng địa chỉ IPv4 còn lại nhiều nhất so với cơ quan quản lý các khu vực khác nhưng với tốc độ sử dụng nhiều như hiện nay thì có thể chỉ đủ đáp ứng trong khoảng từ 3-6 tháng nữa”, ông Tân cho biết thêm.

Theo ông Tân, vì lượng địa chỉ IPv4 còn lại rất ít nên APNIC sẽ quản lý chặt chẽ, nghiêm túc hơn để đảm bảo các địa chỉ còn lại được sử dụng hiệu quả, tránh các nhu cầu ảo khiến cho tình trạng cạn kiệt nhanh chóng hơn... Vì thế, việc xin cấp phát địa chỉ IPv4 của các ISP sẽ ngày càng khó khăn.

Cụ thể, APNIC sẽ kiểm tra tình hình sử dụng thực của các ISP xin cấp phát như đã sử dụng hết mức giới hạn cho phép khoảng 80% lượng địa chỉ IPv4 chưa. Bên cạnh đó, các ISP cũng sẽ phải khai báo hệ thống mạng lưới và kế hoạch sản xuất, kinh doanh, sử dụng IPv4 trong thời gian tới như thế nào để APNIC thẩm định. “Lượng địa chỉ IPv4 được cấp phát sẽ dựa trên kết quả thẩm định của APNIC chứ không phải theo lượng địa chỉ ISP xin”, ông Tân khẳng định.

Đừng cố kéo dài thời gian sử dụng IPv4 ảnh 2

Đừng để nước đến chân mới nhảy

Trong thời gian qua, VNNIC đã cấp phát vùng địa chỉ IPv4 “/10” (tương đương hơn 4 triệu địa chỉ) cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) (vào tháng 9/2010). Hai nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) lớn còn lại ở Việt Nam là FPT cũng đang xin cấp phát vùng địa chỉ IPv4 “/13” (tương đương 512 nghìn địa chỉ) và Viettel xin cấp phát vùng “/11” với số lượng 2 triệu địa chỉ IPv4. Các ISP khác như EVN Telecom… chưa thấy có nhu cầu xin thêm địa chỉ IPv4.

Do thời điểm cạn kiệt IPv4 chưa xác định chính xác nên ông Tân cho rằng, các doanh nghiệp phải xác định, xây dựng nhu cầu xin của mình và thực hiện sớm để tránh xảy ra tình trạng đang gửi hồ sơ nhưng APNIC không còn địa chỉ IPv4 hoặc lượng còn lại không đủ để cấp phát. Tuy nhiên, khoảng 3-6 tháng tới trước khi cạn kiệt, APNIC sẽ thường xuyên có các kênh giao tiếp để cung cấp các thông tin lượng địa chỉ thực còn lại.

Các ISP không nên tìm cách kéo dài thời gian sử dụng IPv4 thêm nữa vì lượng địa chỉ còn lại rất ít mà cần phải bắt buộc tiến hành càng sớm càng tốt giai đoạn chuyển đổi sang IPv6. “Đừng để đến khi chỉ còn được cấp 1024 địa chỉ IPv4 “/22” thì mới bắt đầu chuyển sang IPv6”, ông Tân cảnh báo.

Tiếp theo, các ISP sẽ phải quy hoạch lại số lượng địa chỉ IPv4 của doanh nghiệp mình, có kế hoạch bổ sung thêm lượng địa chỉ đối với mạng thực sự cần thiết, cấp bách trong thời gian 6 tháng đầu năm 2011 và chuẩn bị đủ hồ sơ, sở cứ pháp lý để xin thành công APNIC trong thời điểm vẫn có thể xin được.

Theo Thế Phương (ICTnews)

Đọc thêm