“Đua nhau” ra Luật rác thải điện tử

Theo các nhà chức trách bang, họ buộc phải ban hành đạo luật riêng nhằm nhanh chóng hạn chế làm sóng thiết bị điện tử cũ hỏng đang ngày càng lớn và có nguy cơ hủy hoại môi trường.

Điểm chung của luật rác thải điện tử mà 19 bang đã thông qua là tất cả các hộ gia đình không được phép “chất đống” các thiết bị điện tử cũ, hỏng có chứa kim loại quý, nhựa hay các loại chất độc khác trong nhà hay tìm cách tiêu thụ ở các thị trường nước ngoài mà phải mang đến các cơ sở tái chế và thu gom của bang.

Khoảng 13 bang khác cho biết họ cũng đang xem xét và có thể thông qua một đạo luật tương tự trong thời gian tới.

Theo tính toán của Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), riêng trong năm 2007, người Mỹ đã thải ra khoảng 2,25 triệu tấn thiết bị điện tử (TV, máy tính, điện thoại di động, máy in…) cao hơn 2 lần so với tổng số rác điện tử mà họ đã thải ra trong năm 1999. Trong khi đó, chỉ có chưa đến 20% số thiết bị này được tái chế, chủ yếu là để lấy lại một số kim loại quý như đồng, vàng, bạc… còn các kim loại độc và có hại cho môi trường cũng như sức khỏe của con người như chì, kẽm, thủy ngân… vẫn bị thải trở lại các bãi chứa.

Cũng theo EPA, mỗi năm hàng trăm tấn thiết bị cũ này được “tẩu tán” sang các quốc gia đang phát triển và tại đó, những người công nhân không có thiết bị bảo hộ chuyên dụng đang ngày đêm hủy hoại sức khỏe của mình và môi trường của đất nước họ bằng các lò tái chế thủ công.

Tuy vậy, từ nhiều năm qua đã có một vài dự luật về xử lý rác thải điện tử đã được đệ trình lên Quốc hội Mỹ nhưng không một đạo luật nào được thông qua.

Theo luật của hầu hết các tiểu bang, nhà sản xuất sẽ phải có trách nhiệm thu gom và tái chế các thiết bị điện tử cũ hỏng còn người dùng sẽ không phải chịu bất kỳ một chi phí nào khác.

Theo ICTnews (SFGate)

Đọc thêm