Đua nhau bán tháo tài khoản game

Đua nhau bán tháo tài khoản game ảnh 1

Hiện nhiều game thủ đã quyết định dừng đầu tư vào game.

"Đại gia" cũng bán

Trong những ngày gần đây, game thủ Kiếm Thế đã phải “rúng động” khi đại gia BeoKaKa quyết định rao bán tài khoản Vô Song Kiếm Thế của mình với giá 550 triệu đồng, chấp nhận lỗ 1,5 tỉ so với số tiền anh đã bỏ ra từ trước đến nay đầu tư vào game.

BeoKaKa được xem là cao thủ “đốt tiền” kinh hoàng nhất trong game Kiếm Thế. Vào tháng 3/2010, BeoKaKa đã bỏ 1,5 tỉ đồng để lên chức Vô song vương giả (sở hữu Phi phong cấp 10) đầu tiên trong game. Sau đó, đại gia này tiếp tục đầu tư 400 triệu để sở hữu vũ khí Tần Lăng cấp 3, đầu tháng 7/2010 anh tiếp tục chơi “ngông” khi bỏ ra 35 triệu đồng trong 5 phút để cường hoá một món đồ trong game từ đẳng cấp 12+ lên 16+. Gần đây nhất, đại gia này tiếp tục chi thêm 100 triệu đồng để mua một tài khoản nữ cho người yêu để làm đám cưới ảo trong game.

Ăn chơi là thế, nhưng có vẻ như trong thời điểm game online còn chưa biết đi về đâu, đặc biệt là vấn đề tài sản ảo, tiêu chí bạo lực (Sở TT&TT TPHCM vừa đưa ra các tiêu chí về phân loại bạo lực trong game, đồng thời yêu cầu VNG không được bán thẻ để kinh doanh vật phẩm ảo có giá trị trong game), BeoKaKa đã quyết định dừng cuộc chơi của mình.

Tuy nhiên, BeoKaKa không phải là trường hợp duy nhất bán tài khoản của mình trong game ở thời điểm hiện tại. Có rất nhiều game thủ được xem là “đại gia” trong các game như Võ Lâm Truyền Kỳ, Thiên Long Bát Bộ, Chinh Đồ… cũng thi nhau bán tài khoản game của mình, trong bối cảnh đầy lo lắng trước các quy định về quản lý game online của các cơ quan chức năng địa phương. Mặc dù họ biết, bán tài khoản game lúc này sẽ chịu tổn thất rất lớn, nhưng chẳng còn cách lựa chọn nào khác. Game thủ Phạm Văn Hoàn, một đại gia trong Võ Lâm Truyền Kỳ, tại TPHCM, cho biết: “Phải bán thôi, không dám đầu tư và giữ lại nữa, lỗ cũng phải bán, còn hơn là lỡ cơ quan chức năng cấm luôn thể loại MMORPG vì bạo lực như game bắn súng vừa rồi thì game thủ chúng mình mất trắng”.

Bên cạnh các game thủ “đại gia” bán tài khoản game, số lượng game thủ quyết định dừng đầu tư vào game, cũng như từ bỏ game cũng đang ngày càng nhiều. Trớ trêu thay, có nhiều game thủ bỏ cả tiền triệu đầu tư vào game, thế nhưng kết thúc cuộc chơi chỉ bằng một chầu “nhậu” khi chuyển tài khoản game của mình cho người khác.

Game thủ có phải là người bơ vơ?

Trong thông tư 60 về quản lý trò chơi trực tuyến, quyền lợi của game thủ dường như bỏ trống, ngoại trừ một yêu cầu nhà phát hành đóng cửa game phải đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ. Nhưng việc bảo đảm này cũng khó làm hài lòng game thủ bởi nhà phát hành áp dụng bằng cách chuyển số tiền người chơi đầu tư vào mua vật phẩm trong game đóng cửa còn dư, sang một trò chơi khác của mình. Nếu người chơi không chơi game kia thì xem như mất trắng.

Chính vì không có quyền lợi cho mình, trong bối cảnh game online bị lên án như hiện nay, hàng loạt quy định “cấm”, “ngăn chặn” game online được các cơ quan chức năng đưa ra, game thủ hoàn toàn không được bảo vệ, trái lại họ còn trở thành nạn nhân của những quy định đó. Điển hình nhất việc game “Đột Kích” bị chặn tại TP.HCM, nhiều game thủ đang chơi game này đã bỏ ra cả hàng triệu vào game từ trước đến nay đã bị mất trắng.

Chính vì thế, câu hỏi về quyền lợi cho người chơi game ở Việt Nam vẫn chưa biết khi nào sẽ có câu trả lời.

Nhiều game thủ được xem là “đại gia” trong làng game thi nhau bán tài khoản game của mình. Mặc dù họ biết, bán tài khoản game lúc này sẽ chịu tổn thất rất lớn, nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác.

Theo Lê Mỹ (ICTnews)

Đọc thêm