Du xuân "méo mặt" với GPS

Du xuân "méo mặt" với GPS ảnh 1

“Xui” rẽ trái từ phố Nguyễn Lương Bằng lên La Thành - “của nợ hoa tiêu” này đã khiến người bạn anh Hải bị cảnh sát phạt tiền đầu năm.

Mất tiền vì lên... Hà Nội chúc Tết

Sáng mồng 3 Tết Nhâm Thìn, anh Hải (nhân viên Công ty Vinaconex, nhà ở phố Giảng Võ, Hà Nội) nhận được điện thoại của vợ chồng người bạn thân ở Hưng Yên thông báo: “Đầu giờ chiều nay tôi sẽ tự lái ô tô đi Hà Nội chúc Tết”. Nghe anh bạn người ngoại tỉnh vừa mua ô tô và mới có… bằng lái nói giọng đầy tự tin: “Sẽ tự tìm đến đúng địa chỉ”, anh Hải ngạc nhiên hỏi lại thì được biết anh bạn đã "ngâm cứu" đường đi nhờ cài đặt phần mềm định vị dẫn đường Google Map, cho phép “đi tới đâu sẽ chỉ dẫn tới đó” rất hiện đại.

Nhưng mãi đến gần 17 giờ 30, quá giờ hẹn đến 30 phút, mâm cỗ thịnh soạn đã dọn ra được một lúc thì vợ chồng người bạn mới tới nơi. Thì ra, do đặt trọn niềm tin vào phần mềm dẫn đường trên chiếc điện thoại di động HTC, khi xe chạy từ đường Kim Liên mới rẽ ra đường La Thành, thiết bị GPS sử dụng phần mềm Google cứ khẳng định chắc nịch nhắc anh “rẽ trái”. Tin tưởng, anh bạn quay vô lăng cho chiếc Toyota Altis quẹo trái. Vừa rẽ vào chưa đầy 100 mét thì lập tức bị CSGT tuýt còi xử phạt vì lỗi không tuân thủ biển báo cấm rẽ trái (theo đúng quy định thì từ đường Kim Liên mới ra phố Nguyễn Lương Bằng không được rẽ trái sang đường La Thành ngay, phải chạy vòng lên phố Tôn Đức Thắng một đoạn, sau đó quay xe lại mới được rẽ).

Anh bạn than thở: “Nghĩ đường phố Hà Nội ngày Tết vắng vẻ, không tắc đường như ngày thường nên tớ mới tự lái xe, ai dè lại bị ngay “của nợ” GPS miễn phí không cập nhật kịp tình hình đường sá… phức tạp của Hà Nội tặng ngay vố phạt đầu năm”.

Tương tự trường hợp người bạn anh Hải, có không ít người đã bị thiết bị GPS “hành” trong dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua. Thành viên diễn đàn otofun.net, anh Quang (trú tại khu đô thị Định Công, Hà Nội) kể: “Chiều 29 Tết, vợ chồng tôi trở về Hà Nội để kịp đón giao thừa sau chuyến đi chúc Tết sớm họ hàng tại Yên Bái. Ngay tại khu vực ga Yên Bái, tôi thiết lập hướng về Hà Nội theo Quốc lộ 32C, thế nhưng cái giọng nam trong chiếc máy GPS cứ chỉ lòng vòng, hết “xui” mình rẽ trái rồi lại ngoặt phải, đi qua vài tuyến phố mất hơn 15 phút vẫn thấy ở gần khu vực ga tàu, chưa tìm được lối rẽ đến đường dẫn sang cầu Văn Phú - cây cầu bắc qua sông Hồng, nối Quốc lộ 32C với thành phố Yên Bái. Cuối cùng, quá sốt ruột, tôi phải hỏi người dân bên đường. Hơn nữa, thiết bị bắt sóng chậm chạp nên xe cứ chạy qua khoảng 100 mét máy GPS mới báo sắp đến vị trí… vừa đi qua”, anh Quang ngán ngẩm kể về cái thiết bị GPS được mua với giá 1,4 triệu đồng tại Lạng Sơn đang gắn trong chiếc xe Huyndai Getz.

Du xuân "méo mặt" với GPS ảnh 2

Chóng mặt với đủ loại “hoa tiêu”

Khi các thiết bị công nghệ như máy GPS, điện thoại di động có tính năng GPS giá thành ngày càng rẻ thì không chỉ những người đi ô tô mà rất nhiều người sử dụng xe máy cũng dùng để tìm đường, nhất là vào những dịp đi chơi Tết, du xuân tới những vùng đất “lạ nước lạ cái”. Thế mạnh của các thiết bị GPS là được tích hợp bản đồ số đầy đủ 63 tỉnh thành trên cả nước, với số nhà, đường sá chi tiết, thông tin phong phú các nhà hàng, khách sạn, máy ATM, trạm xăng, tụ điểm ăn uống, trung tâm giải trí…; cho phép tìm lộ trình nhanh nhất hoặc ngắn nhất từ vị trí đang đứng.

Về chủng loại, hiện trong nước cũng có đến hơn chục thương hiệu khác nhau đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam… như Vigo, Papago, NaviS, Naviinfo, Looknet, PND, OpenEyes, Mio… hoặc hàng loạt thiết bị “noname” khác (không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được gắn bất kỳ thương hiệu nào được bán với giá chỉ hơn 1 triệu đồng) với phần mềm định vị được cài sẵn trong thẻ nhớ hoặc phải mua riêng.

Chính vì phần mềm định vị, thiết bị đến từ nhiều hãng có chất lượng "thượng vàng hạ cám" khác nhau như vậy nên không ít người phải "khóc dở, mếu dở" khi đến những nơi xa lạ, phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị nên bị chỉ dẫn đi lòng vòng, lạc đường hoặc mất tiền oan.

Theo nhận định của những người am hiểu thiết bị GPS, sử dụng phần mềm, thiết bị đồng bộ của thương hiệu có tiếng thì người dùng sẽ yên tâm hơn do được cập nhật tình hình đường sá thường xuyên, chi tiết hơn. Tuy nhiên, “tiền nào của nấy”, các thiết bị như vậy thường đắt đỏ hơn với giá bán từ 4 - 7 triệu đồng cho cả thiết bị và phần mềm (riêng phần mềm đã có giá hàng triệu đồng). Và hơn hết, dù “cao giá” như vậy nhưng người dùng vẫn phải lưu ý là không nên đặt niềm tin hoàn toàn vào sự chỉ dẫn bởi các lỗi chỉ đường lòng vòng, “dụ” bạn lái xe vào đường cấm vẫn có thể xảy ra… như thường.

Theo Phan Minh (ICTnews)

Đọc thêm