ĐTDĐ "xịn" đua giảm giá

ĐTDĐ "xịn" đua giảm giá ảnh 1
Mức giảm giá của nhóm hàng giá thấp không thu hút mạnh như hàng giá cao.

Trong tháng 3/2010, theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), đầu vào của nhiều mẫu điện thoại giảm giá nhập khẩu, từ 10 - 31% so với giá nhập hồi cuối năm 2009.

Mức giảm cao nhất thuộc về BlackBerry Bold 9000. Một số mẫu của Nokia như E63, 1680, N97 mini, 5230 có mức giảm dao động từ 10,7 - 13,1%. Trong nhóm giảm giá ở mức hai chữ số, còn có Sony Ericsson U100i và Malata K200, với mức giảm lần lượt là 13% và 11,7%. Khá nhiều mẫu điện thoại có tỷ lệ giảm thấp hơn, từ 5 - 8%.

Giới kinh doanh nhận định, chuyển động trên có thể dẫn tới đợt giảm giá mạnh trong ba tháng tới, giai đoạn được xem là mùa thấp điểm của điện thoại di động.

Hãng lớn giảm

Theo giới bán lẻ, từ đầu năm tới nay, Nokia, Samsung và LG là những nhãn hiệu điện thoại đã giảm giá khá mạnh trên thị trường.

Cuối năm 2009, Nokia N97 mini có giá bán trên thị trường 11,5 triệu đồng nhưng nay còn 9,5 triệu đồng. Nokia E63 trước có giá 4,5 triệu đồng, nay giá niêm yết trên thị trường chỉ còn 3,9 triệu đồng. Nokia 5530 trước có giá 4,9 triệu đồng nay còn 4,3 triệu đồng… Kể từ đầu năm cho tới nay, hãng đang chiếm thị phần lớn nhất ở Việt Nam này là hãng có nhiều mẫu giảm giá nhất, với gần 20 mẫu.

Dù tỷ lệ giảm không mạnh như Nokia nhưng Samsung thực hiện chính sách giảm giá “đều đều”, với mức dao động từ 100.000 - 200.000 đồng cho mỗi mẫu như i8910 Omnia HD, Star S5233W... Đây cũng là hãng sản xuất đang giữ vị trí quán quân về việc liên tục tung ra các mẫu mới trên thị trường kể từ khi nhà máy sản xuất của họ tại Bắc Ninh hoạt động.

Từ giữa năm 2009, LG đã chen chân vào nhóm hàng có thị phần lớn tại thị trường điện thoại di động Việt Nam. Để gia tăng hơn nữa, LG cũng có chính sách giảm giá nhiều mẫu, thường ở nhóm người tiêu dùng trẻ. LG GW525 trước đây có giá 3,5 triệu đồng nay giảm còn 3,28 triệu đồng; LG KF350 có giá cũ 2,8 triệu đồng nay còn 2,48 triệu đồng…

Giới kinh doanh cho hay, việc các hãng lớn giảm giá bán ở tỷ lệ hai con số là do nhiều nguyên nhân. Trước hết, những mẫu giảm giá thường có giá trị từ tầm giá 3 triệu đồng cho đến 10 triệu đồng và đã xuất hiện lâu trên thị trường.

Có nhà bán lẻ cho rằng, với những mẫu như Nokia 6300, E63… bán giá vài triệu đồng cũng có lãi vì các mẫu này có mặt trên thị trường một năm qua. Quan trọng hơn cả là lượng hàng tồn lớn cũng như yếu tố cạnh tranh để giành thị phần đã buộc họ phải giảm giá mạnh để bán nhiều hàng, hết hàng.

“Dù mới xuất hiện trên thị trường nhưng Nokia buộc phải giảm giá N97 mini vì đây là sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với iPhone. Khi nghe thông tin iPhone chuẩn bị bán tại thị trường Việt Nam, hãng đã thông báo sẽ giảm giá mạnh model này”, ông Đinh Anh Huân, giám đốc kinh doanh của Thế Giới Di Động cho biết.

Hãng nhỏ bình chân

Ông Đỗ Quang Kha, giám đốc ngành hàng của Viễn Thông A nhận xét: “Nói không giảm giá chưa hẳn đúng do giá bán thấp nên mức giảm của những chiếc điện thoại nhãn hiệu Việt Nam như Q-Mobile, MobiStar hoặc những nhãn hiệu Trung Quốc như Cayon, Ktouch, Mobell, Malata… không tạo nên cảm nhận giảm mạnh cho người mua như chính sách của các hãng điện thoại di động lớn”.

Ông Kha cho biết thêm, thuộc nhóm hàng giá thấp, dưới 2 triệu đồng, nên vài tuần, các nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu giảm từ vài chục ngàn cho đến năm chục ngàn đồng.

“Vì các nhãn hiệu nội địa chốt giá sản xuất thấp nhất nên khi giảm giá, xét về giá trị tuyệt đối không thể bằng các hãng lớn nhưng tính theo tỷ lệ giảm, cũng có những model giảm từ 5 - 8%, tương đương 100.000 đồng/máy”, ông Ngô Nguyên Kha, phó giám đốc P&T Mobile, chủ nhãn hiệu MobiStar chia sẻ thêm.

Cũng theo một nhà bán lẻ, việc các nhãn hiệu nội địa hoặc nhãn hiệu Trung Quốc trong thời gian qua không có những đợt giảm giá rầm rộ như trước đây còn có yếu tố thiếu hàng do nhà sản xuất bên Trung Quốc thiếu nhân công. Cũng nguồn tin này cho biết, từ giữa tháng 4 này, hàng sẽ dồi dào trở lại.

(Theo SGTT)

Đọc thêm