Đội mật vụ của Apple

Đội mật vụ của Apple ảnh 1


Họ chỉ nhận lệnh và báo cáo kết quả trực tiếp cho 2 người duy nhất là Steve Jobs – Tổng giám đốc và Oppenheimer.

Với những nhân viên làm việc cho Apple, “bí mật riêng tư cá nhân” là cụm từ gần như không bao giờ tồn tại ngay khi họ bước chân vào cánh cửa của hãng. Tất cả mọi thông tin lưu trong máy tính, điện thoại di động đều được kiểm tra bất kỳ lúc nào và nhiệm vụ của họ là phải để ngỏ tất cả những thiết bị đó cho cấp trên kiểm tra.

“Ngay khi họ nghi ngờ có một vụ rò rỉ thông tin, một nhóm nhân viên đặc biệt sẽ được cử đến và bước vào văn phòng bất kỳ lúc nào. Họ có quyền triệu tập bất kỳ một quản lý cao cấp nào của văn phòng và yêu cầu phải tuân thủ những chỉ thị tiếp theo phục vụ cho quá trình điều tra”, Tom – cựu nhân viên của Apple kể.

Theo lời kể của những người đã từng chứng kiến cuộc điều tra của “Đội Trung thành toàn cầu”, đầu tiên vị quản lý văn phòng sẽ yêu cầu tất cả nhân viên phải ngồi yên tại vị trí của mình và làm theo chỉ thị. Các mật vụ của Apple không bao giờ ra lệnh hay giao tiếp với ai, họ chỉ hiện diện để giám sát những người đang thi hành nhiệm vụ để đảm bảo quá trình điều tra diễn ra theo đúng kế hoạch.

Điện thoại di động sẽ bị tịch thu. Thông thường, họ sẽ thu toàn bộ điện thoại cùng một lúc và nếu có nhân viên nào cần phải gọi điện thoại ra ngoài trong thời gian đó cần phải được phép của đội điều tra và cuộc gọi đó sẽ bị giám sát chặt chẽ.

Đội mật vụ sẽ không tịch thu máy ảnh vì nội quy của Apple đã nghiêm cấm mang máy ảnh vào công sở. Nếu điện thoại là một chiếc iPhone, toàn bộ những thông tin trong đó sẽ được sao lưu ra một chiếc laptop. Còn nếu không phải iPhone, các nhân viên sẽ nhận được yêu cầu mở khóa và vô hiệu hóa tính năng khóa của tất cả các ứng dụng trong đó phục vụ cho đội điều tra có thể kiểm tra bất kỳ lúc nào.

Sau khi đã thu hoặc sao chép toàn bộ điện thoại di động của các nhân viên, đội điều tra sẽ tiến hành xem xét một cách kỹ lưỡng toàn bộ tin nhắn, hình ảnh có trong máy với phương châm: Bạn đã làm cho Apple, tất cả những gì của bạn là của Apple và không hề có cái gọi là quyền riêng tư cá nhân hay bất cứ một sự hạn chế trong đó.

“Trong quá trình điều tra, các nhân viên được yêu cầu kích hoạt trình bảo vệ màn hình để ngăn chặn bất kỳ một sự trao đổi nào giữa các nhân viên với nhau hoặc với bên ngoài. Nếu bạn không hợp tác, tất nhiên họ sẽ để bạn ra ngoài nhưng có điều bạn sẽ không bao giờ được phép trở lại”, Tom – cựu nhân viên của Apple kể, “Không chỉ bị sa thải ngay lập tức, nhân viên bất hợp tác sẽ tiếp tục bị điều tra và có thể sẽ có một vụ kiện tại tòa án nếu họ phát hiện có điều gì đó mờ ám”.

Nếu đội điều tra phát hiện ra thủ phạm, người đó sẽ được yêu cầu ngồi lại làm việc đến cuối ngày và rời văn phòng một cách lặng lẽ, tất nhiên với một đội bảo vệ đông đảo đi hộ tống. Chuyện gì xảy ra tiếp theo đó thì không một ai được biết bởi khi đó nguyên tắc bí mật còn trở nên nghiêm ngặt gấp nhiều lần.

Trong trường hợp không phát hiện được gì, khi các nhân viên đã về hết họ sẽ tiến hành kiểm tra lịch sử làm việc trên máy tính của tất cả mọi người, đọc toàn bộ những email đi và đến hay tung ra những thông tin giả để nhanh chóng xác định nguồn gốc của mối rò rỉ.

Theo Lương Hương (ICTnews)

Theo Gizmodo

Đọc thêm