Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tìm lối thoát

Một trong những vấn đề nổi cộm được bàn luận tới trong buổi hội thảo “Thách thức và triển vọng 2009 đối với ngành phần mềm Việt Nam” được Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) tổ chức sáng 23/4 tại Hà Nội chính là sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đối với ngành gia công và sản xuất phần mềm trong nước.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Suy thoái kinh tế là bối cảnh chung của toàn cầu nhưng nó cũng ảnh hưởng trực tiếp tới “miếng cơm manh áo” của các doanh nghiệp phần mềm trong nước. Nếu như trước đây các đơn hàng từ Mỹ, Nhật Bản, Anh vẫn coi là nguồn cầu chính của ngành phần mềm Việt Nam thì nay thị trường này đã bị co hẹp đáng kể.

Trong những năm trở lại đây, ngành phần mềm Việt Nam luôn tăng trưởng với tốc độ trên 30%, và có tỷ trọng xuất khẩu chiếm tới 40% doanh thu toàn ngành. Tuy nhiên, cuộc chơi đã dần đi vào quy luật, và khó có thể nói những biến động trên thị trường phần mềm thế giới lại không tác động, hoặc tác động ít tới ngành phần mềm Việt Nam.

Từng được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia nhưng chỉ qua một cuộc khủng hoảng kinh tế, ngành phần mềm Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức mà có thể nói là lớn nhất từ trước tới nay. Chưa kịp ghi dấu ấn gì với khách hàng thế giới thì ngành phần mềm Việt Nam đã bị thu hẹp một cách chóng mặt. Khách hàng giảm đi đáng kể, doanh thu thì bèo bọt, trong khi nhiều hợp đồng xuất khẩu bị cắt giảm nghiêm trọng, nhiều đơn hàng sắp ký bị dừng lại vô thời hạn, nhiều hợp đồng dang dở bị hoãn hoặc bị hủy bỏ… khiến cho các doanh nghiệp phần mềm trong nước như ngồi trên đống lửa.

Khách hàng giảm nghiêm trọng

Không những mất dần khách hàng mà ngành phần mềm Việt Nam còn phải đối mặt với sự canh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp phần mềm Trung Quốc. Nếu như trước đây giá thành hạ được coi là một trong những thế mạnh ít ỏi nếu không muốn nói duy nhất của doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam thì nay chiến lược này đang được các doanh nghiệp Trung Quốc áp dụng. Khách hàng ít đi trong khi phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ phía doanh nghiệp Trung Quốc (để tranh giành khách hàng) khiến cho doanh nghiệp phần mềm Việt Nam bối rối và bế tắc.

Không những khách hàng nước ngoài giảm mạnh mà tình trạng khách hàng trong nước cũng chẳng sáng sủa là bao. Kinh tế khó khăn khiến cách doanh nghiệp phải “thắt lưng buộc bụng”. Việc chi tiêu mua sắm cho CNTT được các doanh nghiệp đưa vào danh sách cắt giảm đầu tiên mặc dù vẫn ý thức được việc tận dụng tối đa tính năng của các hệ thống phần mềm và CNTT trong quản lý sẽ giúp tăng hiệu suất lao động và hiệu quả kinh doanh, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dám nghĩ, dám làm, và mạo hiểm đi theo hướng đi đó.

Khó đạt được mục tiêu phát triển

Những thách thức to lớn trên đây đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mục tiêu phát triển ngành phần mềm Việt Nam đến năm 2010 mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua. Trong buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ngày 13/3/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng “Việt Nam phải trở thành cường quốc về Công nghệ thông tin”.

Theo thống kê của Vinasa, tốc độ tăng trưởng của ngành phần mềm Việt Nam trong năm 2008 chỉ đạt 20% (doanh số: 600 triệu USD) mặc dù những năm trước luôn đạt trên 30%. Cùng chung quan điểm với Vinasa, các doanh nghiệp phần mềm nhận định rằng bức tranh phần mềm trong nước năm 2009 thậm chí còn ảm đạm hơn, nếu không muốn nói là không tăng trưởng, hoặc lạc quan nhất cũng chỉ đạt mức 10% so với năm 2008.

Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn thì các doanh nghiệp nước ngoài lại vẫn tiếp tục làm ăn phát đạt. Năm 2008, ngành phần mềm Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 29,8%, đạt doanh thu 110,8 tỉ USD; còn Ấn Độ đạt 52 tỉ USD – tăng 24,4% so với năm 2007.

Cơ hội trong suy thoái

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa, không chỉ có doanh nghiệp phần mềm Việt Nam mới gặp khó khăn, mà đây là khó khăn chung đối với cả các công ty phần mềm nước ngoài, không loại trừ Trung Quốc và Ấn Độ. Các công ty nước ngoài đang có xu thế chuyển trung tâm về châu Á để cắt giảm chi phí nhờ nguồn nhân công và các chi phí liên quan rẻ hơn. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam bởi chi phí của chúng ta có lợi thế rẻ hơn 30% so với các doanh nghiệp phần mềm Trung Quốc.

Theo VnMedia

Đọc thêm