Doanh nghiệp nước ngoài lăm le chia "bánh" thương mại điện tử VN

Với đặc trưng 1/4 trong số hơn 80 triệu dân sử dụng Internet, trong số đó, tỷ lệ người tiêu dùng trẻ khá cao, VN đang trở thành tiêu điểm hấp dẫn nhiều nhà cung cấp dịch vụ thương mại trực tuyến nước ngoài.

Khởi đầu cho làn sóng vào VN là eBay, một trong những mạng mua bán hàng trực tuyến toàn cầu nổi tiếng đã đặt chân vào VN hồi tháng 6 năm ngoái qua việc liên kết với website chodientu.com. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt mới để việc mua bán trực tuyến tại VN có thể nối kết với hệ thống quốc tế của eBay.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước trước đây không thể mua hàng qua kênh thanh toán PayPal (công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua Internet chiếm thị phần rất lớn trên thế giới), thì nay đã được đảm bảo qua trung gian Chợ điện tử. Giao dịch bán sản phẩm qua hệ thống này đang được triển khai để có thể hoạt động trong năm nay.

Ngoài ra, các đại gia Yahoo, Google đã có những bước đầu thâm nhập vào thị trường VN bằng việc cung cấp một loạt dịch vụ cá biệt hóa dành riêng cho cộng đồng nói tiếng Việt. Cụ thể như Yahoo mới đây đã chính thức ra mắt Công ty TNHH Yahoo VN, sau hơn 2 năm mở văn phòng đại diện.

Alibaba là một trong những sàn thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) hàng dầu thế giới đã lựa chọn Vinalink là đối tác chính tại VN. Vinalink được quyền cung cấp các công cụ Alibaba trên hệ thống website của mình.

"VN có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại điện tử", ông Vũ Minh Trí, Giám đốc Yahoo VN, nhận định. Ông Trí phân tích, các nước phát triển khác có sẵn hệ thống thanh toán điện tử nên phát triển kinh doanh rất thuận lợi. Tuy nhiên, loại hình này dễ bị kìm hãm bởi số lượng người sử dụng Internet vẫn dẫm chân tại chỗ qua nhiều năm.

Tuy nhiên, trước mắt khi muốn đầu tư vào VN, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến nước ngoài thường chọn xu hướng liên kết với một đối tác trong nước để có nhiều thuận lợi hơn. "Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào VN theo hướng hợp tác cùng một đơn vị tiềm năng, biết rõ thị trường", ông Nguyễn Hòa Bình, đại diện eBay tại VN, khẳng định. Ông này dự báo sẽ không có nhiều công ty nước ngoài "tự thân" kinh doanh mô hình này trong nước vì sợ rủi ro.

Ngay cả Yahoo, mặc dù đã thành lập công ty tại VN gần nửa năm qua, nhưng ông Trí vẫn xác định: "Yahoo sẽ tìm kiếm một đối tác VN có sức hút nhất để tạo lợi nhuận cho đôi bên vì đây là phương thức kinh doanh thích hợp hiện nay".

Song song đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng cho rằng, việc lựa chọn sản phẩm nào để kinh doanh thương mại điện tử cũng là một nhân tố rất quan trọng. Bởi với một đất nước có nền "kinh tế lề đường" như VN, người tiêu dùng có thể mua các mặt hàng bất cứ đâu khi ra đường, thì việc giao nhận hàng online không thể nào cạnh tranh được.

Thương mại điện tử ngày càng trở nên sôi động tại VN, tuy nhiên theo giới kinh doanh, hành lang pháp lý vẫn còn là rào cản tuy đã có những bước tiến mới. Ví dụ như trước đây các công ty nước ngoài chỉ có thể mở văn phòng đại diện và không được trực tiếp làm kinh tế tại VN, thì nay đã có thể được cấp phép để kinh doanh Internet. Song những quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại điện tử hiện vẫn chưa đầy đủ. Điển hình như quy định về việc quản lý, kiểm soát thuế với các giao dịch trên mạng, biên giới giữa các dịch vụ cung cấp trong, ngoài nước ở môi trường online và cả việc kiểm định nội dung, uy tín cho một doanh nghiệp kinh doanh trên Internet... đang gặp vướng mắc.

"Điều cốt yếu để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển là thay đổi về nhận thức, con người lẫn chính sách", ông Trần Hữu Linh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương, nhận định. Ông Linh cho rằng thương mại điện tử tại VN vẫn đang đi từng bước chậm là do sự hạn chế về hạ tầng pháp lý, nhận thức của người tiêu dùng với doanh nghiệp trong thương mại điện tử hay thậm chí các khái niệm ngành vẫn còn khá xa lạ.

Tình hình phát triển thương mại điện tử trong nước đang có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Theo "Báo cáo về thương mại điện tử VN năm 2008" của Bộ Công thương qua khảo sát 1.600 doanh nghiệp trên cả nước, 75% doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử chiếm trên 5% tổng doanh thu năm 2008.

Hiện đã có 49 trường đào tạo về thương mại điện tử tuy chỉ mang tính tự phát và chưa có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan. Hầu như chưa trường nào thiết lập mối liên quan hệ với những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực thương mại điện tử do trường đào tạo.

Kế hoạch phát triển tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010 của Chính phủ cũng đưa toàn bộ dịch vụ công lên mạng. Đầu tiên có thể kể đến là việc Bộ Công thương đã cung cấp dịch vụ cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (eCoSys). Đến hết tháng 12/2008, eCoSys đã được triển khai trên toàn quốc.

Các mô hình kinh doanh thương mại điện tử như B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), B2C (doanh nghiệp với khách hàng) và C2C (khách hàng với khách hàng) đang dần mở rộng ở nhiều doanh nghiệp, có lượt truy cập cũng như gian hàng gia tăng đáng kể vào nửa cuối năm 2008.

Theo Mai Huy (VNE)

Đọc thêm