Định luật Moore vẫn tiếp tục phát triển

“Tại Intel, Định luật Moore vẫn sống và phát triển”, ông Otellini nói. “Chúng tôi đã bắt đầu sản xuất các bộ vi xử lý 32 nm đầu tiên trên thế giới và đây cũng sẽ là những bộ vi xử lý có hiệu suất hoạt động cao đầu tiên được tích hợp khả năng xử lý đồ họa với CPU. Cùng lúc đó, chúng tôi đã và đang tiếp tục tiến về phía trước với sự phát triển của công nghệ sản xuất 22 nm và đã phát triển được các chip có khả năng hoạt động, tạo thuận lợi cho việc sản xuất ra những bộ vi xử lý mạnh mẽ hơn và có nhiều khả năng hơn”.

Sự ra đời của công nghệ vi xử lý 22 nm khẳng định sức sống của Đinh luật Moore. Ảnh: Intel.
Sự ra đời của công nghệ vi xử lý 22 nm khẳng định sức sống của Đinh luật Moore. Ảnh: Intel.

Tấm wafer 22 nm mà Tổng giám đốc Intel trình diễn được tạo thành bởi các đế riêng biệt chứa 364 triệu bit của bộ nhớ SRAM và có hơn 2,9 tỷ bóng bán dẫn được đóng gói trong một diện tích chỉ bằng một cái móng tay. Các chip này chứa cell SRAM nhỏ nhất từ trước đến nay được sử dụng trong các mạch hoạt động, được ghi nhận với diện tích là 0,092 micromet vuông. Các thiết bị này hoạt động trên công nghệ bóng bán dẫn cổng kim loại high-k thế hệ 3 nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động, đồng thời giảm mức độ rò rỉ điện năng.

Quy trình sản xuất 32 nm của Intel đã được kiểm tra xong và các tấm nền wafer của bộ vi xử lý Westmere đang được chuyển tới các nhà máy nhằm hỗ trợ cho kế hoạch sản xuất và thúc đẩy doanh thu trong quý IV. Tiếp theo bước chuyển đổi sang chu trình 32 nm, Intel sẽ giới thiệu Sandy Bridge, một vi kiến trúc thế hệ mới, tích hợp nhân đồ họa thế hệ thứ 6 trên cùng một đế như nhân của bộ vi xử lý và bao gồm các lệnh AVX dành cho tính toán điểm động, đa phương tiện và các phần mềm đòi hỏi sức mạnh của chip.

Theo Minh Hồng (VNE)

Đọc thêm