Định giá trị phần mềm: Chuyên gia cũng kêu khó

Trong các dự án ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, phần xác định giá trị phần mềm thường được coi là phần "mềm" nhất. Có quá nhiều quan điểm, phương pháp và cách thức xác định giá trị phần mềm, và điều này có thể dẫn đến những tiêu cực trong những dự án trên.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Bộ TT-TT ban hành Công văn số 3364-BTTTT-ƯDCNTT nhằm cung cấp cơ sở cho việc rà soát tính toán giá trị phần mềm. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn đi kèm lại có quá nhiều điểm chưa rõ ràng khiến việc áp dụng thực tiễn khó khăn.

Trên thực tế, văn bản này mới chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá các chi phí liên quan đến xây dựng phần mềm kiểu "may đo", ứng dụng đơn chiếc tại từng ngành, từng đơn vị chứ chưa thể sử dụng để xác định giá trị của các phần mềm thương mại đóng gói. Dù vậy, hướng dẫn đó vẫn "quá khó" đối với các cơ quan nhà nước.

"Nếu theo văn bản hướng dẫn của Công văn 3364, đơn vị phải tự xác minh các loại nhu cầu, yêu cầu để hình thành nên các chức năng của phần mềm. Nói thẳng ra việc này đối với các cơ quan hành chính nhà nước là quá khó. Nếu xác định chung chung thì không đủ cơ sở để xây dựng tính năng, dự toán kinh phí. Nếu xác định quá chi tiết, khi cần điều chỉnh thì đối tác sẽ đùn đẩy", đại diện Tổng cục Thuế chia sẻ về kinh nghiệm thực tế khi xây dựng hệ thống CNTT của ngành.

Ngay trong phần hướng dẫn xác định chi phí, văn bản cũng chưa đề cập đến nhiều loại so với thực tế, cụ thể như chi phí về quy trình triển khai, chi phí bảo trì vận hành, quản lý dự án,... Cộng thêm với cách tính lương như hiện nay, con số xác định cuối cùng quá thấp.

"Trên công thức hiện nay, chúng tôi sử dụng tỷ lệ lãi để tính toán khoảng 20%. Nhưng thực tế chi phí cho những thứ không có trong công thức, ví dụ như hệ số rủi ro chẳng hạn, thì giá trị tính ra vẫn là quá thấp", ông Nguyễn Kim Cương, Phó Tổng giám đốc CMC Software, cho biết.

Trong buổi tọa đàm về Xác định Giá trị phần mềm do Hội Tin học Việt Nam (VAIP) tổ chức ngày 24/7 tại Hà Nội, hầu hết các bản tham luận đóng góp ý kiến để Bộ TT&TT sửa đổi văn bản hướng dẫn này đều cho rằng phương án tính toán hiện nay chỉ phản ánh được khoảng 30% nội dung "giá trị phần mềm". Cụ thể là chỉ áp dụng được với các trường hợp gia công phần mềm, tức là công đoạn xác định nhu cầu, thiết kế tính năng... đã được phía đi thuê làm hết rồi.

Ông Nguyễn Long: "Nếu văn bản được xây dựng hiệu quả, đơn giản và dễ áp dụng sẽ là một bước tiến quan trọng, thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước".
Ông Nguyễn Long: "Nếu văn bản được xây dựng hiệu quả, đơn giản và dễ áp dụng sẽ là một bước tiến quan trọng, thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước".

"Trên thực tế, việc xác định nhu cầu, thiết kế tính năng... của phần mềm có khi chiếm tới hơn 1/2 tổng khối lượng công việc. Mà đó mới là khâu mấu chốt trong sản xuất phần mềm", ông Dương Dũng Triều, Phó Tổng Giám đốc công ty FPT Information System, nói. "Các công việc này đòi hỏi kỹ năng cao của các công ty tin học tư vấn, thiết kế chứ các đơn vị sự nghiệp khó có thể làm được".

Để có công thức có được kết quả ra gần với thực tế hơn, các chuyên gia đều đề xuất sử dụng tham số "nhân công máy" (bao gồm cả tiền lương nhân công, chi phí nhà xưởng, máy móc, quảng cáo... ) thay cho yếu tố "lương nhân công" như hiện nay. Biểu giá lương nhân công sử dụng bảng lương theo quy định của Nhà nước áp dụng trong trường hợp này quá thấp. Tại các công ty như FIS hay CMC Soft, nếu áp dụng mức lương theo quy định của nhà nước thì tất cả những người tham gia dự án phần mềm đều có mức lương kỹ sư bậc cao nhất (8/8) cũng chưa đủ kinh phí.

"Ở thời điểm hiện tại, Công văn 3364 chưa bao phủ được hết các nội dung trong việc xác định giá trị phần mềm. Việc điều chỉnh dự kiến sẽ chủ yếu nhắm vào công đoạn xác định khối lượng công việc và tính toán đơn giá cho từng khối lượng công việc đó", ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký VAIP - đơn vị tổ chức cuộc tọa đàm để "tham mưu" với Bộ TT&TT, cho biết.

Theo Hải Phương (VNN)

Đọc thêm