Điện thoại thương hiệu Việt: Android có “nâng” được sức hút?

Điện thoại thương hiệu Việt: Android có “nâng” được sức hút? ảnh 1

S10 của Q-Mobile là sản phẩm “thương hiệu Việt” dùng Android đầu tiên.

Trao đổi với phóng viên gần đây, ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc ngành hàng Giá trị gia tăng của công ty Viễn thông A nhận định: Tại thị trường trong nước, nhất là các thành phố như Hà Nội, TP.HCM…, phân khúc dòng giá rẻ, điện thoại phổ thông dành cho khách hàng có thu nhập trung bình đang trở nên bão hoà và dòng điện thoại thông minh, sử dụng hệ điều hành (như Android, với kho ứng dụng miễn phí lớn, cài đặt dễ dàng hơn nhiều hệ điều hành khác - PV) sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Liên quan đến nhận định nêu trên, quan điểm của đại diện một số doanh nghiệp bán lẻ cũng cho rằng, cuộc chạy đua “hút” khách hàng của hàng chục thương hiệu “điện thoại Việt” như Q-Mobile (An Bình), Bluefone (CMC), F-Mobile (FPT) hay Hanel Mobile, HiPT Mobile, Viettel, Avio… hiện nay đang gặp quá nhiều khó khăn, chật vật. Thậm chí, nếu nhìn nhận thẳng thắn thì có thể khẳng định nhiều thương hiệu đang sống lay lắt, sẽ rất khó tiếp tục tồn tại trên thị trường trong thời gian tới do sản phẩm không có gì nổi trội để “hút” khách.

Điện thoại thương hiệu Việt: Android có “nâng” được sức hút? ảnh 2

F5 của F-mobile.

Chính vì thế, nhận định của nhiều người có kinh nghiệm trong thị trường viễn thông cho thấy, đặt trong thực tế sản phẩm điện thoại sử dụng hệ điều hành như Android đang được cộng đồng người dùng ngày càng quan tâm tại Việt Nam như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang cung cấp sản phẩm “thương hiệu Việt” có thể chú trọng xem xét trong thời gian tới.

Về vấn đề này, đáng chú ý là từ tháng 4/2011, thương hiệu Q-Mobile của Công ty An Bình đã “nổ phát súng” tiên phong khi tung ra thị trường chiếc điện thoại cảm ứng S10 – mẫu máy được An Bình hướng đến phân khúc Smartphone, sử dụng hệ điều hành Android 2.2 Froyo (S10 hiện có giá bán lẻ vào khoảng 3,4 triệu đồng). Sau đó khoảng 4 tháng, FPT Mobile cũng nhảy vào cuộc chơi Android khi cho trình làng sản phẩm F5 hồi tháng 8/2011.

Như vậy, hai doanh nghiệp đang được cho là cung cấp điện thoại thương hiệu Việt lớn trong nước hiện nay đã nhanh chóng “thức thời” với dòng sử dụng hệ điều hành Android, thì còn hàng loạt thương hiệu Việt khác đến nay vẫn án binh bất động. Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, ông Đỗ Giang Vinh – Giám đốc HiPT Mobile cho hay, hiện công ty đang làm việc với các đối tác liên quan để theo đuổi phát triển điện thoại dùng Android. “Tuy chưa có kế hoạch thương mại hoá sản phẩm cụ thể, nhưng chúng tôi đang quan tâm đến dòng có màn hình rộng, ứng dụng công nghệ cảm ứng”, ông Vinh nhấn mạnh. Cùng đó, một nguồn tin khác từ Tập đoàn công nghệ CMC cho hay, điện thoại “thương hiệu Việt” Bluefone do doanh nghiệp này sở hữu cũng đang “để ý” đến điện thoại di động sử dụng hệ điều hành Android.

Đáng lưu ý, giữa lúc “dế” Android của thương hiệu Việt vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay thì tại các điểm kinh doanh điện thoại như tại Hà Nội hiện đã xuất hiện lực lượng đông đảo “dế” của HTC, Sony, Acer… sử dụng hệ điều hành Android, chủ yếu sử dụng màn hình cảm ứng. Chính từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng nếu các doanh nghiệp trong nước có ý định thương mại hoá điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, thì nên chú trọng dòng có màn hình cảm ứng, rộng từ 3,2 inch trở lên, hỗ trợ người dùng cài đặt cũng như sử dụng ứng dụng, chơi game linh hoạt hơn, không như dòng sử dụng bàn phím Qwerty không có cảm ứng.

S10 của Q- Mobile: Màn hình 3,2 inch, sử dụng bộ vi xử lý MSM7227 xung nhịp 600MHz Qualcomm, hệ điều hành Android 2.2 Froyo và hỗ trợ mạng 3G với tốc độ download tối đa 7,2 Mb/giây, có thể thu và phát sóng Wifi, hỗ trợ tính năng định vị toàn cầu GPS. S10 có giá bán lẻ hiện vào khoảng 3,4 triệu đồng (giá bán hồi mới ra mắt là 4,3 triệu).

F5 của F-mobile: Trang bị màn hình 3,2 inch, chiếc F5 cũng được sử dụng Android 2.2 như S10 của Q-Mobile tuy nhiên cấu hình và tính năng không mạnh bằng (không có 3G), giá bán cũng thấp hơn với 2,7 triệu đồng.

Theo Nguyên Đức (ICTnews)

Đọc thêm