Dịch vụ vận chuyển tại VN ngày một cải thiện

Hiện tại chỉ mới có ba ứng dụng công nghệ kết nối hành khách và tài xế được phép hoạt động thí điểm, điển hình là GrabCar, V-Car và Thanh Cong Car. Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là GrabCar với độ phủ sóng mạnh tại Hà Nội và TP.HCM.

Theo ghi nhận, dịch vụ GrabCar nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dùng, có khoảng 90% tài xế có điểm đánh giá trung bình 4,5/5 sao. Bên cạnh đó, Grab cũng vừa triển khai thêm tính năng GrabPay, cung cấp thêm lựa chọn thanh toán mới cho người dùng.

Tương tự như nhiều ngành nghề, dịch vụ kinh doanh khác tại VN, Grab cũng chủ động thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với cơ quan chức năng. Đặc biệt, đây là công ty đầu tiên trong lĩnh vực kết nối, vận chuyển hành khách được bảo chứng toàn cầu về khả năng quản lý chất lượng và quy trình điều hành.

Để đạt được chứng chỉ ISO 9001:2015, Grab phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt tại sáu thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Xét về mặt an toàn, hiện tại dịch vụ này không có tai nạn hay sự cố sau 9 tháng thí điểm vừa qua. 

Phát biểu về sự kiện này, CEO kiêm đồng sáng lập Grab, ông Anthony Tan, cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là cải thiện giao thông công cộng tại Đông Nam Á và dẫn đầu nền công nghiệp đặt xe qua ứng dụng di động bằng việc làm gương, đi đầu trong việc quản lý chất lượng."

Với chứng chỉ ISO 9001:2015, điều này đồng nghĩa với việc dữ liệu của khách hàng và tài xế sẽ được bảo mật tối đa. Bên cạnh đó, Grab cũng chú trọng nâng cấp hệ thống dịch vụ khách hàng, tăng các kênh chăm sóc và cải tiến dịch vụ.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải.

Tại hội nghị sơ kết, nhiều lãnh đạo Bộ GTVT và các Sở GTVT địa phương chia sẻ bức xúc vì chưa quản lý được Uber do đơn vị này đang "lờ" luật và chưa tham gia làm đề án thí điểm.


Đọc thêm