Dịch vụ nội dung trên di động chật vật tìm đất sống

Dịch vụ nội dung trên di động chật vật tìm đất sống ảnh 1

CP chưa tạo được nhiều dịch vụ khác biệt vượt trội so với chính dịch vụ của Telco. Ảnh minh hoạ.

Mặc dù chưa có phân loại chính thức về CP lớn, nhỏ nhưng theo đại diện CLB nội dung số, trong hơn 200 CP đã đăng ký hoạt động thì những CP lớn hàng đầu thuộc TOP 20 có doanh số từ 1 tỷ đồng/tháng trở lên, tiếp theo đến TOP 20 - 30 và dưới TOP 50 là những CP nhỏ, có khi doanh số chỉ vài chục triệu đồng/tháng.

Theo vị đại diện này, vì các CP đã đăng ký hoạt động, họ không tuyên bố phá sản có thể vì “tiếc” công sức và chi phí đầu tư ban đầu nên một số hoạt động cầm chừng, một số chỉ coi là ngành làm thêm, không sống bằng việc này nữa; một số thì để đó, có những tháng không phát sinh sản lượng thì có thể coi như… chết.

Trước việc cả 2 nhà mạng VinaPhone và MobiFone vừa quyết định tăng tỷ lệ ăn chia lên 20% từ ngày 01/03 nhưng ngày 20/4 mới ký ban hành công văn, các CP đã “phản ứng ầm ầm” vì tháng 3 họ đã quyết toán chi phí, nay lại phải bỏ ra thêm 20%. Vì thế, khi nhà mạng “đùng” một cái áp dụng cơ chế mới khiến nhiều CP bị lỗ.

Tuy nhiên, trước quyết định này của nhà mạng, chính vị đại diện CLB này cũng ngậm ngùi và chỉ có cách “an ủi” các CP thành viên: “cái thế của mình như vậy, kêu làm gì và kêu cũng không giải quyết được vấn đề gì”. Theo ông này, nhà mạng ở thế “chiếu trên”, “CP muốn làm thì làm mà không làm thì thôi”!.

PGĐ một CP có thị phần nhỏ tỏ ra bất mãn: bây giờ CP chúng tôi bất lực về việc này rồi, Telco muốn thu thế nào là họ thu, họ muốn đối soát khi nào họ đối soát, họ muốn trả tiền khi nào họ trả. Nói chung, họ không xem CP ra gì nữa! Chúng tôi đành phải tính đến phương án độc lập, không phụ thuộc vào Telco nữa như thanh toán qua thẻ hoặc áp dụng các hình thức thanh toán online để không phải thu tiền qua tin nhắn. Nhưng để chạy được việc này ít nhất phải mất 3 năm và đầu tư rất tốn kém.

Giám đốc một CP khác bi quan: nếu cứ đà này, chỉ còn những công ty "sân sau" của các nhà mạng tồn tại. Về cơ bản, các CP sống hay chết là do cơ chế nhà mạng thắt chặt hay nới lỏng!.

Nói đi cũng phải nói lại, chính bản thân CP cũng chưa tạo ra được nhiều dịch vụ khác biệt vượt trội so với chính dịch vụ của Telco. Đó là chưa kể một vài CP nhỏ còn làm liều, đôi khi vi phạm quy định về bản quyền tác giả hay Nghị định về chống thư rác.

Trong khi trong môi trường cạnh tranh hiện nay, dịch vụ nội dung không hạn chế đối tượng tham gia, nhà mạng lại sẵn có tiềm lực về con người và hệ thống, họ cũng làm nội dung để cung cấp cho chính thuê bao của họ, thậm chí, có những dịch vụ, Telco làm còn hay hơn CP.

Một lãnh đạo cấp cao của Viettel từng trả lời báo chí: chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với các CP để cung cấp dịch vụ GTGT cho khách hàng nhưng vấn đề là dịch vụ của CP phải thực sự hấp dẫn và khác biệt so với sản phẩm của chúng tôi.

Theo Hà Phương (VNN)

Đọc thêm