Dịch vụ di động, Internet, cố định sẽ phải "cõng" phí thương quyền

Dịch vụ di động, Internet, cố định sẽ phải "cõng" phí thương quyền ảnh 1

Quy định thu phí thương quyền dịch vụ viễn thông có hiệu lực sẽ hạn chế tình trạng doanh nghiệp xin giấy phép mà không cung cấp dịch vụ.

Các dịch vụ viễn thông, Internet đều phải thu phí

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông của Bộ TT&TT cho biết, hiện Bộ TT&TT đã xây dựng xong đề án quy định về việc thu phí thương quyền trong lĩnh vực viễn thông  và đang trong giai đoạn lấy ý kiến của Bộ Tài chính sau đó sẽ trình Chính phủ.

"Theo quy định này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet sẽ phải nộp phí hàng năm dựa trên tỷ lệ phần trăm nhất định trên doanh thu. Nếu doanh thu thấp quá cũng phải nộp với một mức phí ở mức sàn nhất định. Như vậy, doanh nghiệp nào không cung cấp dịch vụ phải trả lại giấy phép, nếu không sẽ phải đóng phí thương quyền. Như vậy, doanh nghiệp  phải cân nhắc khi tham gia vào thị trường", ông Phạm Hồng Hải nói.

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã nghiên cứu về chính sách thu phí thương quyền của các nước trên thế giới. Ví dụ tại Singapore, chính phủ nước này thu phí thương quyền khoảng 1% doanh thu/năm đối với doanh nghiệp có hạ tầng mạng và doanh nghiệp không có hạ tầng mạng là 0,5%. Chính phủ Malaysia tính phí thương quyền tới 3% doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông. Ấn Độ thu phí thương quyền đến 6% doanh thu, Châu Âu thu khoảng 0,3% doanh thu.

Trong quy định thu phí thương quyền viễn thông, Bộ TT&TT cũng nghiên cứu kinh nghiệm ở các nước để tính phí thương quyền phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam và tương đương với các nước trên thế giới.

"Hiện chúng tôi đang bàn với Bộ Tài chính về mức thu phí thương quyền của các dịch vụ và chưa thống nhất được tỷ lệ cụ thể, nhưng sẽ không quá 1% tổng doanh thu của dịch vụ viễn thông. Hiện nay cái khó trong việc tính toán doanh thu của những dịch vụ là do các doanh nghiệp không phân tách cụ thể doanh thu của từng dịch vụ. Vì vậy, có thể sẽ đưa ra mức chung cho tất cả các dịch vụ. Số tiền này được nộp về ngân sách Nhà nước", ông Phạm Hồng Hải nói.  

Sẽ hạn chế được chuyện xin giấy phép rồi... để đấy!

Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi quy định này có hiệu lực sẽ hạn chế tình trạng doanh nghiệp xin giấy phép mà không cung cấp dịch vụ. Ví dụ, trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ Internet, Bộ TT&TT đã cấp đến vài chục giấy phép nhưng chỉ hơn 30% số doanh nghiệp có giấy phép này thực sự cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, các dịch vụ khác như mạng di động ảo... cũng được cấp phép nhưng không hề cung cấp dịch vụ. Mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã yêu cầu Cục Viễn thông rà soát lại các giấy phép đã cấp phép cho doanh nghiệp, nếu quá thời gian quy định mà không hoạt động thì phải thu hồi. 

Trao đổi với báo Bưu điện Việt Nam trước đó, ông Phạm Hồng Hải cho rằng: “Nếu chúng ta không thu phí cấp giấy phép, doanh nghiệp không hoạt động cũng không thấy bị ảnh hưởng gì cả. Tôi cho rằng sau khi thu phí thương quyền với dịch vụ này, số lượng doanh nghiệp xin giấy phép sẽ giảm”.

Trước đó, các mạng di động đã lên tiếng ủng hộ Bộ TT&TT trong việc thu phí thương quyền. Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel khẳng định thu phí là cần thiết để cho các doanh nghiệp tích cực triển khai cung cấp dịch vụ.

Một số mạng di động khác cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với thu phí thương quyền, bởi việc này sẽ tránh được tình trạng như hiện nay là nhiều doanh nghiệp xin cấp phép nhưng không hoặc chậm triển khai dịch vụ. Còn đại điện MobiFone cho rằng phí là công cụ tốt để quản lý tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên hữu hạn như tần số. Tuy nhiên, MobiFone cũng cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu phí ở mức bao nhiêu để tối ưu mà doanh nghiệp vẫn phát triển được.

Phí thương quyền là quyền tham gia kinh doanh, hoạt động trên thị trường viễn thông. Về bản chất đây là thuế để cơ quan quản lý Nhà nước duy trì cho doanh nghiệp một môi trường cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực viễn thông. Phí thương quyền đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện khi cấp phép cho các doanh nghiệp tham gia thị trường viễn thông. Việc thu phí thương quyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như đấu giá hoặc thi tuyển.

Trước đây, các dịch vụ viễn thông ở Việt Nam chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp Nhà nước nên chưa thu phí thương quyền. Hiện nay, với việc mở cửa thị trường cho phép nhiều thành phần kinh tế tham gia và bản thân Nhà nước cũng thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông nên sẽ phải thu phí thương quyền khi cấp phép.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm