Địa chỉ IPv4 chỉ đủ dùng trong 593 ngày

Địa chỉ IPv4 chỉ đủ dùng trong 593 ngày ảnh 1

Sự cạn kiệt địa chỉ IPv4 đã đến giai đoạn báo động đỏ. Ảnh minh họa.

NRO cho biết kho địa chỉ IPv4 toàn cầu chỉ còn có 9,4%. Theo tính toán của cơ quan này, lượng địa chỉ IPv4 còn lại sẽ cạn kiệt sau 593 ngày nữa. Điều này là mối đe dọa với hệ thống mạng của các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn cầu nếu như các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và các doanh nghiệp không nhanh chóng chuyển lên IPv6.

“Số lượng địa chỉ IPv4 hạn hẹp không cho phép chúng ta có đủ nguồn lực để phục vụ nhu cầu kết nối Internet trên toàn cầu trong tương lai”, Axel Pawlik, chủ tịch NRO nói trong thông cáo gửi đi cuối tuần trước. “Triển khai IPv6 là phát triển hạ tầng cho phép chúng ta có đủ tài nguyên địa chỉ Internet cung cấp cho hàng tỷ người và hàng tỷ thiết bị nối mạng trong những năm tới”.

Địa chỉ IPv4 chỉ đủ dùng trong 593 ngày ảnh 2

Netcore tính toán địa chỉ IPv4 chỉ còn đủ dùng trong 391 ngày nữa, tính từ ngày 26/1/2010.

Địa chỉ Internet (IP) là định danh duy nhất, giống như số điện thoại, các thiết bị phải có để “nói chuyện” được với nhau trên mạng Internet. Mọi thứ kết nối với mạng Internet từ các trang web, thư điện tử đến các thiết bị định tuyến đều cần một địa chỉ IP. Hiện nay, không gian địa chỉ IPv4 (phiên bản IP 4) cung cấp khoảng 4,3 tỷ địa chỉ IP. Trong khi đó, IPv6 - phiên bản mới của IPv4 - cung cấp tới trên 7.000 tỷ tỷ địa chỉ IP, số lượng được các chuyên gia ước tính đủ để cấp cho mọi thiết bị có thể nối mạng trên hành tinh trong tương lai.

Tổ chức quản lý Internet và tên miền quốc tế (ICANN) trước đó cũng dự báo địa chỉ IPv4 sẽ cạn kiệt vào năm 2011-2012. Lý do là vì ngày càng nhiều điện thoại di động và các thiết bị cầm tay kết nối mạng Internet. Cũng như máy tính hay các thiết bị định tuyến, những thiết bị di động kết nối mạng cũng cần địa chỉ IP.

Mặc dù IPv6 bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 2008 nhưng hầu hết các địa chỉ IP hiện nay là dựa trên IPv4. Khảo sát của Liên minh châu Âu (EC) phát hiện thấy chỉ có 17% trong số 610 tổ chức công nghiệp, giáo dục và cơ quan chính phủ được khảo sát đã nâng cấp lên IPv6. EC cũng khuyến cáo việc triển khai IPv6 là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển ổn định của Internet.

Chuyện gì xảy ra khi hết địa chỉ IPv4? Pravin Mahajan, giám đốc tiếp thị mảng thiết bị lõi của Cisco cho rằng cạn kiệt địa chỉ IPv4 có thể khiến các doanh nghiệp và các ISP phải tối ưu việc sử dụng địa chỉ IP hiện có bằng công nghệ biên dịch địa chỉ (NAT). Điều này có thể làm cho việc kết nối giữa các thiết bị chậm hơn. Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, việc cạn kiệt địa chỉ IPv4 sẽ thúc đẩy các ISP chuyển lên IPv6 nhanh hơn.

Theo đại diện Cisco, việc chuyển lên IPv6 có thể sẽ kéo dài nhiều năm, điều đó có nghĩa là cả hai chuẩn IPv4 và IPv6 sẽ cùng tồn tại song song. “Bất cứ chuyển đổi công nghệ nào cũng cần có giai đoạn cùng tồn tại trước khi chuyển đổi hoàn toàn. Nhưng trong trường hợp này, thời gian chuyển đổi có thể kéo dài nhiều năm thậm chí là vài chục năm”, Pravin Mahajan nói.

Hiện nay, một số quốc gia châu Á như Nhật, Hàn Quốc và châu Âu đã triển khai IPv6 nhưng ở quy mô nhỏ mang tính thử nghiệm.

Theo Quốc Cường (ICTnews / Newsfactor và Techrepulic)

Đọc thêm