Đi Trung Quốc “đánh hàng” điện thoại Tàu

Rời Tp.Hồ Chí Minh trên chuyến bay lúc 9 giờ 45 phút sáng của hãng hàng không giá rẻ Viva Macau, chúng tôi đến sân bay quốc tế Macau lúc 13 giờ 15 phút giờ Macau (trễ hơn một tiếng so với giờ Việt Nam).

Sau khi hoàn tất mọi thủ tục hành lý và kiểm tra y tế, chúng tôi rời sân bay trên chuyến xe buýt miễn phí của khu liên hợp casino The Venetian, một casino có quy mô được đánh giá là lớn bậc nhất của thế giới.

Chỉ trong khoảng năm phút ngồi trên xe từ sân bay về casino này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên lẫn choáng ngợp trước quy mô và sự xa hoa của các khách sạn và casino tại đây. Một người Việt Nam đi trên cùng chuyến xe cho chúng tôi biết, gần như hầu hết các casino ở Macau đều có các tuyến xe buýt miễn phí hoạt động từ 6 giờ sáng đến 24 giờ để đưa khách du lịch từ các khu vực trọng điểm của Macau như sân bay, cửa khẩu, bến tàu về casino mà không cần quan tâm khách có đến chơi hay không.

Vertu, Golvish và Mobiado trong sòng bạc!

Trái với những e ngại của chúng tôi về sự xa hoa của một casino có quy mô lớn, The Venetian tạo cho chúng tôi cảm giác thân thiện ngay từ khi bước vào cổng chính của casino này. Bên trong tòa nhà được xây theo lối kiến trúc cổ điển của Ý là một khu đánh bạc với 3.400 máy và khu liên hợp khách sạn, nhà hàng, bar, trung tâm mua sắm,… Điểm đặc biệt ở Casino này cũng như hầu hết các casino ở Macau là sự thoải mái đối với khách du lịch của các nhân viên và lực lượng bảo vệ tại đây. Trong khi các bàn đánh bạc đang hoạt động thì khách du lịch vẫn có thể thoải mái chụp ảnh và tham quan một cách khá tự do mà không hề nhận được ánh mắt khó chịu của nhân viên phục vụ hay sự can thiệp từ phía lực lượng bảo vệ.

Tại các bàn đánh bạc, chúng tôi dễ dàng nhận ra được sự khác biệt khá lớn về xu hướng sử dụng điện thoại của người chơi đến từ các quốc gia khác nhau. Trong khi những du khách đến từ phương Tây thường sử dụng các loại điện thoại mang các nhãn hiệu tầm trung của Nokia, LG, Samsung,… thì những người chơi đến từ các nước Á Đông lại thường sử dụng các dòng máy cao cấp của Vertu, Goldvish, Mobiado,… như một cách để thể hiện đẳng cấp và sự giàu có.

Do đã mất khá nhiều thời gian làm thủ tục ở sân bay nên chúng tôi không tham quan kỹ casino này mà đi thẳng ra bãi đậu xe buýt miễn phí để đón chuyến xe đến cửa khẩu phía bắc của Macau có tên là Cung Bắc – cửa khẩu nối liền giữa Macau và thành phố Chu Hải của Trung Quốc.

Máy bán điện thoại tự động tại một bến tàu ở Macau
Máy bán điện thoại tự động tại một bến tàu ở Macau

Quầy bán điện thoại… không người

Đến cửa khẩu, chúng tôi tranh thủ dạo quanh một khu dân cư gần đó để tìm hiểu rõ hơn về đời sống của người dân tại Macau. Một điểm khá thú vị là các cửa hàng điện thoại tại Macau có quy mô khá nhỏ và thưa thớt như các cửa hàng điện thoại Việt Nam, chứ không tập trung dày đặc như các trung tâm mua bán đồ điện tử ở Quảng Châu và Thẩm Quyến.

Các loại điện thoại được bán ở đây cũng khá đa dạng về thương hiệu và xuất xứ, nhưng phần lớn đều được phân phối thông qua mạng di động 3 – một mạng di động thuộc Hutchison của HongKong.

Do là vùng lãnh thổ có mức sống khá cao nên giá điện thoại ở Macau không hề rẻ. Một chiếc điện thoại mang thương hiệu Trung Quốc được một cửa hàng bán với giá hơn 1000MOP, tức gần 2.500.000đ. Tuy nhiên, nếu so với mức giá 9 MOP (hơn 20.000đ) của một chai trà xanh mà chúng tôi mua tại một cửa hàng nhỏ thì mức giá cho chiếc điện thoại này có thể gọi là bình dân đối với những người dân tại đây.

Tại các khu vực tập trung người qua lại đông đúc như bến tàu, cửa khẩu, khu mua sắm ở Macau, khách du lịch có thể dễ dàng tìm thấy những máy bán SIM và điện thoại tự động của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông CTM – một nhà mạng lâu đời ở Macau.

Trong các máy bán hàng tự động này, CTM cung cấp cho khách hàng các loại SIM điện thoại với hai mức mệnh giá 100MOP và 200MOP. Nếu không có điện thoại, khách du lịch thể mua ngay bộ trọn gói điện thoại Nokia 1661 và thẻ SIM mệnh giá 100MOP với giá bán 500MOP, hoặc bộ trọn gói giá 360MOP bao gồm chiếc điện thoại Nokia 1209 và thẻ SIM mệnh giá 100MOP.

Bên cạnh đó là chiếc USB 3G cùng bộ SIM mệnh giá 220MOP được bán với giá 900MOP giúp khách du lịch có thể truy cập được internet tại Macau. Bởi ở đặc khu hành chính này, khó có thể tìm được một điểm có Wi-Fi miễn phí như ở Việt Nam.

Điểm gây chú ý cho chúng tôi ở các máy bán hàng tự động này là những dây sạc điện thoại được cung cấp miễn phí cho khách du lịch, giúp họ có thể sạc nhanh cho chiếc điện thoại của mình những lúc cần thiết.

Thế giới các loại điện thoại di động được bày bán ở đây.
Thế giới các loại điện thoại di động được bày bán ở đây.

Đường vào chợ “dế” cũ Quảng Châu

Trái với sự chậm chạp khi làm visa nhập cảnh vào Macau, mọi thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu Cung Bắc khá nhanh gọn dù số người qua lại tại đây mỗi ngày là rất lớn.

Thế nhưng khi làm các thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc, chúng tôi phải mất hơn một giờ để chờ đợi do có quá nhiều người nhập cảnh qua cửa khẩu này, phần lớn là người dân Trung Quốc sang Macau để du lịch và đánh bạc. Trong khi xếp hàng đợi làm thủ tục, chúng tôi gặp khá nhiều người Việt Nam sang Quảng Châu bằng đường Macau để buôn hàng hóa, đa phần là những người kinh doanh hàng thời trang tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Hơn 5 giờ chiều chúng tôi mới hoàn thành xong các thủ tục qua cửa khẩu đến thành phố Chu Hải. Chúng tôi nhanh chóng tìm đến bến xe liên tỉnh của thành phố Chu Hải để mua vé xe với giá 70 tệ (1 tệ = 2.700đ) đi Quảng Châu - thành phố được mệnh danh là thiên đường của giới kinh doanh hàng hóa ở Việt Nam.

Suốt chặng đường kéo dài hơn hai giờ từ Chu Hải đến Quảng Châu, chúng tôi không khỏi nôn nóng khi anh bạn đi cùng luôn miệng kể về sự hoành tráng của những trung tâm kinh doanh điện thoại ở Quảng Châu, nơi được xem là “quê hương” thứ hai của những chiếc điện thoại hàng “xách tay” đang được bán tại Việt Nam.

(Bài, ảnh: Công Danh/eCHIP M)

Đọc thêm