Di động rất dễ bị hack qua Bluetooth

Anh Nguyễn Huy, một chuyên gia an ninh mạng, người trước kia vốn là một hacker nổi tiếng tiết lộ: “Tôi mới viết một phần mềm có thể sử dụng chính số điện thoại của anh để gọi điện, nhắn tin cho một người bất kì mà anh không hề hay biết”. Để minh chứng, anh Huy đã mượn chiếc di động Sony Ericsson K750 của tôi. Sau đó, anh Huy sử dụng chiếc di động Nokia 6700 của mình và thực hiện một số thao tác đơn giản trên Sony Ericsson K750. Tiếp theo, Huy trả lại tôi di động và thử thực hiện một cuộc gọi trên Nokia 6700. Thật ngạc nhiên, số điện thoại người gọi lại chính là số điện thoại của tôi, dù chiếc sim đó vẫn nằm gọn trong máy và chưa hề được tháo ra. Hơn thế nữa, tất cả số điện thoại ở danh bạ, tin nhắn trong máy của tôi đều nằm trên chiếc di động của anh Huy.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận An ninh mạng BKIS: “Đây là một kiểu tấn công thông qua Bluetooth. Trong trường hợp vừa mô tả, hacker đã gửi một file ứng dụng sang điện thoại và chạy chương trình đó. Khi đấy, mọi dữ liệu trong di động như danh bạ, các dữ liệu, danh sách cuộc gọi sẽ đều được chuyển qua di động của hacker thông qua Bluetooth”.

Lên Google và thử gõ từ khoá “Hack Bluetooth”, bất kì ai cũng dễ dàng thấy được mức độ phổ biến của phần mềm này và những phần mềm này có thể chạy trên bất kì chiếc điện thoại di động nào không phân biệt có hệ điều hành hay không. Trong đó, tiêu biểu và được sử dụng nhiều nhất là hai phần mềm Super Bluetooth… và Magic Blue…

“Từ trước đến giờ đã có rất nhiều các loại mã độc được phát tán qua điện thoại di động thông qua Bluetooth để tấn công các hệ điều hành như Windows Mobile, Symbian.. và người sử dụng thường bị lừa để cài đặt phần mềm độc hại. Bên cạnh đó, ngoài điện thoại di động thì một số các thiết bị khác như bàn phím, chuột… cũng sử dụng Bluetooth để giao tiếp với máy tính. Những thiết bị này thường tồn tại những lỗ hổng để các hacker sử dụng để đánh cắp những thông tin mà người sử dụng gõ trên bàn phím như mật khẩu tài khoản tín dụng ( keylogger thông qua kênh Bluetooth)”, ông Đức cho biết thêm.

Khi được hỏi người sử dụng sẽ phải làm thế nào để có thể ngăn ngừa hiểm hoạ từ kênh Bluetooth, ông Đức cho biết: “Người dùng nên tắt chế độ Bluetooth trên điện thoại di động nếu không có nhu cầu sử dụng đến. Ngoài ra, người sử dụng nên cẩn trọng khi nhận được những yêu cầu kết nối Bluetooth từ các thiết bị lạ và nếu không rõ thiết bị đó là của ai thì người dùng nên từ chối”.

Ông Phùng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng cũng cho biết: “Để ngăn ngừa hiểm hoạ từ Bluetooth thì người sử dụng có thể cài Firewall trên di động của mình để kiểm soát luồng dữ liệu ra vào. Bản thân tôi cũng đang cài phần mềm của Kaspersky để ngăn chặn và kiểm soát các dữ liệu, thông tin trên di động của mình. Bên cạnh đó, người sử dụng không nên thực hiện và đồng ý các truy vấn lạ để tạo điều kiện cho hacker kiểm soát di động của mình”.

Theo Thế Phương (ICTnews)

Đọc thêm