Di động 2 SIM: mập mờ thương hiệu, xuất xứ

Mập mờ...

Thị trường chính hãng với các thương hiệu nhỏ tuy rất nhiều nhưng được tổ chức khá quy củ. Đa số chúng đều mang thương hiệu hẳn hoi, và được bán trong các siêu thị lớn. Nhưng tại thị trường xách tay, đa phần các mẫu điện thoại hai SIM bán tràn lan đều có mẫu mã được nhái lại từ các sản phẩm vốn bán chạy của các hãng điện thoại lớn như: Nokia E71, iPhone 3G, Nokia 5800, Samsung F480, Vertu Ascent Ti, BlackBerry 8310,…

Khi bán ra, những chiếc điện thoại này được thay đổi chút đỉnh về tên gọi nhằm qua mặt cơ quan chức năng nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của khách hàng. Những model điển hình có thể kể đến như: Nokia 71c giá 2.500.000đ, Phone (iPhone 3G) giá 2.000.000đ, TagHeuer 919 giá 1.500.000đ, Nokia 8500 giá 1.750.000đ, BlackBerry 8310 china giá 1.650.000đ, Vartu VX2900 giá 1.300.000đ,… Hầu hết những model này đều có thiết kế giống hệt như phiên bản hàng chính hãng nhưng thường được trang bị màn hình cảm ứng và các chức năng thường thấy ở các loại điện thoại Trung Quốc khác.

Song song đó, những mẫu điện thoại hai SIM mang thương hiệu của Trung Quốc như Suntek, Fashion, Xintai, CECT,… tuy vẫn được bán trên thị trường nhưng có mức độ tiêu thụ khá chậm do mẫu mã kém đa dạng và người sử dụng cho rằng những mẫu điện thoại này dễ bị… nhận ra là hàng Trung Quốc. Các cửa hàng cũng khá dè dặt khi nhập các sản phẩm này vì mức giá nhập khá cao, không ít sản phẩm có giá nhập lên tới gần 2.000.000đ, tương đương với những chiếc điện thoại hai SIM nhái thương hiệu có mẫu mã bắt mắt.

Theo anh T., chủ một cửa hàng điện thoại ở đường Ngô Quyền, Q.10, TP.HCM, những mẫu điện thoại hai SIM thường có mức lợi nhuận chỉ từ 200.000đ đến 300.000đ mỗi chiếc, nhưng bù lại có tỷ lệ tiêu thụ khá tốt. Một số cửa hàng phân phối sỉ các sản phẩm này có thể bán được từ 200 - 300 chiếc mỗi tháng. Anh T. còn cho biết thêm: “Có thời điểm, những mẫu này bán không chạy do sản phẩm có chất lượng nhái không sắc sảo và thường xuyên gặp tình trạng máy lỗi phải bảo hành. Tuy nhiên, thời gian gần đây thì những sản phẩm này dù chỉ là hàng loại hai nhưng đã có chất lượng nhái khá giống, và chất lượng máy đã tương đối ổn định”.

Qua khảo sát thị trường, chúng tôi cho rằng các cửa hàng cung cấp điện thoại hai SIM xách tay vẫn tỏ thái độ khá mập mờ về xuất xứ của sản phẩm. Khi hỏi về nguồn gốc của những chiếc điện thoại hai SIM, nhân viên của một cửa hàng trên đường Hồ Bá Kiện, P.15, Q.10, TP.HCM khẳng định đây là các sản phẩm được xách tay từ… Singapore và cam kết bảo hành 12 tháng như hàng chính hãng. Còn trên những website mua bán rao vặt, các cửa hàng thường mở đầu tin đăng bằng lời khẳng định đây là các loại ĐTDĐ xách tay được nhập từ các nước Singapore, Phần Lan, Nhật Bản, Thái Lan,… ngoại trừ Trung Quốc.

Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm này đều có xuất xứ từ thị trường Trung Quốc và được chuyển lậu về Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau. Một người thường kinh doanh điện thoại tại Trung Quốc cho biết: “Chỉ cần bỏ một ngày dạo quanh các trung tâm điện thoại tại Thẩm Quyến, Trung Quốc, bạn có thể dễ dàng nhận ra được tất cả những mẫu điện thoại hai SIM đang được bán tại Việt Nam đều tập trung ở đây. Nhiều cửa hàng còn đăng bảng nhận gia công bằng tiếng Việt để thu hút sự chú ý của các thương gia người Việt”.

Trong khi đó, dù các cửa hàng luôn tìm cách mập mờ về xuất xứ sản phẩm nhưng gần như hầu hết người sử dụng đều nắm được nguồn gốc Trung Quốc của những chiếc điện thoại hai SIM này. Một khách hàng đang sử dụng một chiếc Vartu hai SIM ở TP.HCM cho biết: “Chỉ có dân tỉnh mới bị các cửa hàng qua mặt bằng ‘chiêu’ hàng Singapore thôi. Mình chọn chiếc điện thoại này thứ nhất là vì mẫu mã khá giống hàng ‘xịn’ nhưng giá lại rẻ, hơn nữa do thường sử dụng SIM ‘rác’ để tiết kiệm chi phí nên cái điện thoại này cũng khá hữu ích”.

Trong vai một người kinh doanh điện thoại ở tỉnh cần tìm nguồn hàng điện thoại hai SIM xách tay, chúng tôi liên hệ với K., chủ một cửa hàng chuyên phân phối các sản phẩm này ở đường Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM. Thấy chúng tôi có vẻ không am tường thị trường này, K. nhiệt tình tư vấn: “Bên cửa hàng anh đang bán chạy mấy mẫu điện thoại iPhone có chức năng Wi-Fi và xem ti-vi, giá dao động từ 1.900.000 - 2.700.000đ, đảm bảo Wi-Fi rất mạnh. Nếu dưới tỉnh không có nhu cầu điện thoại đắt tiền thì em nên chọn mấy mẫu của Nokia như: Nokia E55, Nokia N96,… Mấy mẫu này khoảng 1.600.000đ nên anh bán khá chạy vì nhái rất giống hàng chính hãng. Khi nào cần em cứ ghé cửa hàng anh sẽ báo giá tốt cho, đảm bảo kiếm không ra giá tốt hơn đâu”.

Khi chúng tôi hỏi về vấn đề bảo hành, K. ngập ngừng giây lát rồi nói: “Tùy em chọn, nếu bảo hành một tháng thì giá rẻ sẽ hơn chút đỉnh, còn nếu bảo hành 12 tháng thì cứ theo giá chung của thị trường”.

Điện thoại hai SIM nhái iPhone. (Nguồn: DHgate.com)
Điện thoại hai SIM nhái iPhone. (Nguồn: DHgate.com)

Bảo hành, chất lượng có đi đôi?

Do bị tác động của sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, hầu hết các cửa hàng đều chuyển hình thức bảo hành một đổi một trong khoảng thời gian từ 1 - 3 tháng như trước đây thành hình thức bảo hành có thời hạn từ 12 - 24 tháng như hàng chính hãng, nhưng chỉ đổi sản phẩm mới trong khoảng hai tháng đầu. Thời hạn bảo hành này đã khiến không ít khách hàng bỏ định kiến về hàng Trung Quốc mà chọn mua sản phẩm do bị thu hút bởi mẫu mã và giá cả.

Tuy nhiên, theo một chủ cửa hàng, đây là một bước tính toán khá tinh vi, người này cho biết: “Những chiếc điện thoại hai SIM Trung Quốc nếu có hư hỏng thì sẽ hư hỏng ngay trong khoảng thời gian từ một đến hai tháng sử dụng, đây là khoảng thời gian mà các cửa hàng được cho phép đổi sản phẩm mới với người cung cấp nên họ cũng chẳng lỗ gì. Còn nếu có bảo hành sau thời hạn đổi sản phẩm thì khách hàng cũng được khuyên bù tiền để đổi sản phẩm mới, vì những loại máy này có sửa thì chỉ một thời gian ngắn đâu cũng lại hoàn đó, rõ ràng người bán được lợi cả đôi đường”.

Còn về mặt chất lượng, người này khẳng định những mẫu điện thoại này có chất lượng và độ bền không thua kém những mẫu điện thoại hai SIM của các nhà phân phối chính hãng như Mobell, Cayon, WellcoM,… Bởi nhìn chung cũng cùng nguồn gốc, xuất xứ, cái khác ở đây là vấn đề thương hiệu và bảo hành. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng những chiếc điện thoại này thường khó tìm linh kiện thay thế trong trường hợp hư hỏng, không ít khách hàng buộc phải chọn mua chiếc điện thoại mới trong những trường hợp máy hư hỏng nằm ngoài điều kiện bảo hành.

(Theo Danh Nguyễn/eCHIP M)

Đọc thêm