Đến 2020, Việt Nam sẽ dùng truyền hình số hoàn toàn

Theo đó, hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất sẽ được chuyển đổi theo lộ trình hợp lý sang công nghệ số hoàn toàn trên cơ sở áp dụng bộ tiêu chuẩn châu Âu (DVB-T), ngừng hẳn việc sử dụng công nghệ truyền hình cáp tương tự. Và sau đó, 100% các mạng cáp dọc ngang trên các tuyến đường phố của đất nước sẽ được ngầm hóa. Điều này cũng đáp ứng yêu cầu cấp bách về việc ngầm hóa hệ thống dây cáp, hạ tầng kỹ thuật đang ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị.

Vấn đề đặt ra là, khi chuyển sang công nghệ số đối với truyền hình như vậy, mỗi gia đình muốn xem TV đều phải cần có một đầu thu kỹ thuật số, và việc sử dụng hoàn toàn công nghệ truyền hình số trong phạm vi phổ rộng toàn dân rất cần sự hỗ trợ của chính phủ về kinh phí cho những đầu thu kỹ thuật số dùng trong mỗi hộ gia đình.

Trả lời thắc mắc này của báo giới, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, lộ trình đi lên công nghệ truyền hình số là cần thiết đối với các quốc gia phát triển. Nếu việc số hóa đầu phát thực hiện xong, thì phần đầu thu ứng dụng công nghệ này sẽ tiến hành đơn giản và nhanh hơn nhiều.

Thứ trưởng Thắng cũng khẳng định, việc hỗ trợ đầu thu cho người dân là việc quan trọng cần làm, cần sự phối hợp hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ các nguồn vốn ODA và từ quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng dẫn một kinh nghiệm trong việc phủ rộng công nghệ truyền hình số đến toàn dân ở Mỹ: Chính phủ đã bỏ ra 2 tỷ USD để hỗ trợ đầu thu cho tất cả các hộ gia đình, mỗi hộ khoảng 30 USD, rồi sau đó, lấy lại các băng tần của truyền hình tương tự bán lại cho các DN cung cấp hệ thống thông tin di động, thu lại khoảng 19 tỷ USD. Điều này cho thấy sự cần thiết và lợi ích khi chuyển sang công nghệ truyền hình số.

4 mục tiêu cơ bản của Quy hoạch phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020:

1. Mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình trong nước và quốc tế nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời đảm bảo cung cấp các dịch vụ phát thanh, truyền hình đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu của người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước.

2. Phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo chuyển tải được các dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông và công nghệ thông tin trên cùng một hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu hội tụ công nghệ và dịch vụ.

3. Thúc đẩy việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng từ công nghệ tương tự sang công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số.

4. Từng bước hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng trên cơ sở tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật phát thanh, truyền hình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo sự quản lý thống nhất, có hiệu quả của Nhà nước.

Vậy sẽ cần chi bao nhiêu tiền cho sự chuyển đổi này, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho biết, đây mới chỉ là quy hoạch, mang tính định hướng lớn, còn mức đầu tư thì sẽ còn phải phụ thuộc vào các giải pháp công nghệ cụ thể, khó có thể đưa ra một con số cụ thể trong thời điểm hiện tại.

Bên cạnh định hướng chuyển đổi sang công nghệ số cho truyền hình mặt đất và truyền hình cáp, bản quy hoạch này cũng định hướng phát triển đa dạng các phương thức truyền dẫn phát sóng hiện đại, kết hợp truyền dẫn phát sóng qua vệ tinh để phủ sóng cho các vùng lõm, vùng sâu, vùng xa, hải đảo....

Quy hoạch mới này cũng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng hệ thống truyền hình vô tuyến nhiều kênh MMDS trên băng tần 2,5 - 2,69 GHz trước năm 2010, để sử dụng cho các dịch vụ di động và truy nhập vô tuyến băng rộng.

Một quan điểm mới trong bản quy hoạch cũng được đề cập, là từng bước hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng, phát thanh, truyền hình, trên cơ sở phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin (được quản lý theo quy định của báo chí) với hoạt động về truyền dẫn phát sóng (được quản lý theo quy định về viễn thông). Đồng thời, quy hoạch cũng phân định rõ nhiệm vụ chính trị do nhà nước giao hay sử dụng để kinh doanh, để có cơ chế phù hợp về tài chính, đầu tư và tài nguyên tần số.

Điều này, theo ông Lưu Vũ Hải là sẽ tạo ra một thị trường truyền dẫn phát sóng cạnh tranh, phát triển, có lợi ích cho người dân và cho phát triển kinh tế đất nước.

Được biết, hiện Bộ TT&TT đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch này, và sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để thông tin đầy đủ, toàn diện về bản quy hoạch mới này. Song song với nó, Bộ TT&TT cũng đang xây dựng, hoàn thiện Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình; Luật Viễn thông; Luật Báo chí, Luật Tần số vô tuyến điện... nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý cho vấn đề này.

Theo Huyền Chi (VNN)

Đọc thêm