Để không bị SMS rác “móc” tiền dịp Tết

Để không bị SMS rác “móc” tiền dịp Tết ảnh 1

“Độc chiêu” mới

Ngay tại thời điểm hiện nay, khi còn gần chục ngày nữa mới tới Tết Nguyên Đán, thì “dịch” SMS rác đã bắt đầu ngóc dậy len vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội. Ngoài hàng loạt câu chuyện không mới như mời xác nhận thông tin trúng thưởng “dế” iPhone, Nokia N96, vui chơi có thưởng bằng cách soạn tin…, thì năm nay, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam và phản ánh từ độc giả, xuất hiện rất nhiều tin nhắn với nội dung “giả bộ thân thiết”, kiểu như “Cậu xác nhận ngay nhé, chương trình trao thưởng sắp hết hạn rồi”, “Bạn Hà gửi tặng 0912XXX nhân dịp đầu năm mới”.

Chưa hết, núp dưới chiêu “ta đây tử tế chấp hành nghiêm luật pháp”, nhiều tin rác ở cuối nội dung quảng cáo cũng có cú pháp soạn SMS cho phép người dùng cuối từ chối nhận rác quảng cáo theo quy định của Nghị định 90/2008-NĐCP, nhưng lại “đang tâm”, “tiểu nhân” thu luôn tiền của khách hàng bằng hình thức này. Như trường hợp từ giữa tháng 1/2010, rất nhiều người dùng nhận được tin nhắn quảng cáo được gửi đi từ các số thuê bao trả trước quảng cáo cho đầu số 6061 (đầu số 6X61 do công ty TNHH MOBTEX có địa chỉ đăng ký tại P29 – B5 tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội cung cấp dịch vụ nội dung), thì khi soạn tin từ chối theo hướng dẫn “NO” gửi 6061 ngay tức thì họ bị thu 500 đồng.

SMS Blocking chỉ chặn được “rác” quen biết?

Đứng trước nguy cơ tin nhắn rác bùng phát trong dịp Tết, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như VinaPhone, MobiFone, Viettel… đều lên tiếng cảnh báo nâng cao ý thức người dùng trên website, các phương tiện thông tin đại chúng, thiết lập đường dây nóng và cả cung cấp dịch vụ kỹ thuật chặn SMS không mong muốn.

Như với dịch vụ chặn SMS rác, gần một tháng nay rất nhiều người dùng di động truyền tai nhau thông tin “Viettel đã có phần mềm chống SMS rác” và hào hứng đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, tìm hiểu của phóng viên cho thấy, trong thực tế đây chỉ là dịch vụ chặn tin nhắn SMS thông thường có tên gọi “SMS Blocking” được Viettel cung cấp đến người dùng di động từ ngày 15/1/2010. Với 5000 đồng/tháng cho 5 số điện thoại và thêm 500 đồng đối với mỗi số thuê bao tiếp theo, sử dụng dịch vụ này người dùng di động chỉ có thể ngừa những “rác” của đối tượng mà họ đã xác định được từ trước bằng cách đăng ký chính số thuê bao đó để “nhà mạng” can thiệp. “Rác kiểu đó không giống loại rác quảng cáo, dẫn dụ, lừa đảo có thể “đột nhập” chiếc di động bất thình lình vào bất cứ lúc nào, chính vì vậy nó không có ý nghĩa trong việc chặn được rác làm phiền như nhiều người đang lầm tưởng” – Anh Hoàng Chung, nhân viên kỹ thuật công ty LG Việt Nam khẳng định.

“Quan trọng nhất vẫn là ý thức người dùng”

Có thể nhận thấy, qua hầu hết các vụ việc diễn ra từ dịp Tết Nguyên Đán năm 2009 cho tới nay, việc gia tăng các loại tin rác dẫn dụ, lừa đảo trúng thưởng là do tất cả đều đánh trúng tâm lý “hám của”, “tưởng bở” của người sử dụng điện thoại di động.

Trao đổi với phóng viên  xoay quanh câu chuyện cách nào để người dùng không mắc bẫy tin nhắn rác, mới đây, ông Đỗ Ngọc Duy Trác – Trưởng phòng Nghiệp vụ VNCERT khẳng định: “Việc ngăn chặn và xử lý tin nhắn rác lừa đảo được các đơn vị liên quan tiến hành trong suốt thời gian qua, tuy nhiên ý thức của người dùng cuối vẫn là vấn đề then chốt”. Trước thực tế này, trong tháng 1/2010 Trung tâm VNCERT đã tăng cường khuyến nghị các chủ sở hữu thuê bao di động vào dịp Tết cần đề cao cảnh giác với các loại tin nhắn có đặc điểm như: được gửi đi từ số thuê bao có đầu số 01X, 09X, số điện thoại cố định với nội dung thông báo trúng thưởng, tặng quà miễn phí, tin nhắn đề nghị người dùng soạn SMS gửi về các đầu số có dạng 6XXX, 8XXX để tham gia hoặc xác nhận thông tin trúng thưởng. Còn đối với vấn đề xử lý doanh nghiệp phát tán “rác” theo các hình thức tinh vi như thu cả tiền với tin nhắn từ chối, ông Đỗ Hữu Trí – Trưởng phòng Thanh tra Viễn thông – CNTT (Thanh tra Bộ TT&TT) cho biết hiện cơ quan này đang xem xét để đưa ra hình thức xử lý thích đáng.

Tuy nhiên, nói đi nói lại thì câu chuyện loại trừ SMS rác vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào việc thuê bao di động trả trước có được thắt chặt quản lý hay không. Như thông tin trên số 15 ra ngày 3/2/2010, Báo Bưu điện Việt Nam đã có bài viết phản ánh về hiện tượng sau ngày 31/1/2010, SIM “rác” không cần phải đăng ký thông tin cá nhân vẫn được bán tràn lan trên thị trường (do đã được kích hoạt từ chính các chủ đại lý bán SIM từ nhiều tháng trước). Và câu chuyện đó cũng đồng nghĩa với việc các “nhà mạng” và cơ quan chức năng khó có thể hạn chế được tình trạng phát tán, và đương nhiên đây vẫn là một cái cổng rộng thênh thang để rác SMS tiếp tục hoành hành.

Xông xênh túi tiền chơi Tết nên không ít người chẳng ngại ngần “rút ví” để hi vọng vào một kết quả may mắn vu vơ, từ trên trời rơi xuống nào đó trong khi thực tế lại cầm chắc chuyện chịu mất từ 5000 đồng hoặc thậm chí “cắt cổ” tới 15.000 – 20.000 đồng.

Theo Nguyên Đức (ICTnews )

Đọc thêm