Đề án nước mạnh về CNTT: Sức mạnh nằm ở sự liên kết

Đề án nước mạnh về CNTT: Sức mạnh nằm ở sự liên kết ảnh 1

Ứng dụng CNTT tại UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: THANH HẢI

Rào cản lớn nhất: Thiếu kinh phí

Tại Hội nghị trực tuyến với 63 Sở TT&TT trên cả nước nhằm bàn kế hoạch triển khai Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 4/4, ông Hồ Quang Thành, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Nghệ An cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với hầu hết các địa phương khi bắt tay thực hiện Đề án chính là thiếu nguồn kinh phí triển khai. Với những địa phương có địa bàn rộng, khó khăn như Nghệ An, để triển khai Đề án này sẽ vấp phải nhiều khó khăn liên quan đến phát triển hạ tầng, triển khai cáp quang hóa… “Nếu nói đến kinh phí của tỉnh thì chắc chắn không thể làm được, còn huy động từ nguồn xã hội hóa thì cũng không đơn giản, phải có chủ trương thu hút phù hợp“, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, ngay như với vấn đề triển khai mạng cáp quang theo chương trình xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng, cho đến thời điểm tháng 12/2010 Nghệ An mới chỉ triển khai cáp quang tới UBND các huyện. Còn tới cấp xã, nếu dựa hoàn toàn vào kinh phí từ ngân sách địa phương thì không biết đến thời điểm nào mới có được 100% số xã có Internet băng thông rộng.

Đồng quan điểm, ông Phan Quang Thao, Giám đốc Sở TT&TT Phú Thọ cho rằng, các địa phương khi triển khai Đề án này chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn kinh phí. Bởi theo ông Thao, hiện nay cả nước mới chỉ có gần 1/3 số tỉnh, thành phố có thể tự chủ được về ngân sách, còn tới hơn 2/3 địa phương nguồn thu không đủ bù chi, chủ yếu vẫn phải dựa vào nguồn ngân sách hỗ trợ từ Trung ương. Ngay như Phú Thọ, ngân sách Trung ương hiện hỗ trợ chiếm khoảng 40%. “Do ngân sách địa phương eo hẹp trong khi còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cũng rất quan trọng khác liên quan đến y tế, giáo dục... nên nếu có một nguồn lực từ Trung ương thì Đề án tại những địa phương khó khăn như Phú Thọ mới có thể thực hiện nhanh được”, ông Phan Quang Thao khẳng định.

Đại diện một số tỉnh thành cũng cho rằng cần phải có một “cú hích” từ cấp Trung ương cho các tỉnh nghèo, còn nếu không do thiếu kinh phí các địa phương cũng sẽ chỉ thực hiện được theo kiểu manh mún.

Sức mạnh nằm ở sự liên kết địa phương

Theo ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang, Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT“ cũng như Đề án Xây dựng Chính phủ điện tử hiện còn rất nhiều vấn đề cần phải được làm rõ, đặc biệt là vấn đề cơ chế điều hành triển khai. Bởi lẽ, việc ứng dụng CNTT đòi hỏi một sự thống nhất cao, sự triển khai đồng bộ và kịp thời chứ không thể thực hiện riêng lẻ ở từng địa phương. Trong đó, đặc biệt là việc đưa vào sử dụng các ứng dụng như phần mềm, cần phải đi theo hướng thực hiện với một chuẩn nhất định thì giữa các hệ thống mới có thể tạo sự liên kết được với nhau.

Đồng quan điểm, ông Tô Trọng Tôn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lào Cai cũng cho rằng, vấn đề liên thông, liên kết giữa các địa phương trong việc ứng dụng phần mềm đến nay vẫn còn yếu. Địa phương nào cũng lập Cổng thông tin điện tử, cũng xây dựng hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc cũng như các ứng dụng khác phục vụ cải cách hành chính… Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại mà lâu nay đã được nói tới nhiều đó là đang theo hướng mạnh ai nấy làm, các phần mềm không theo chuẩn chung. “Khi triển khai dịch vụ công trong đăng ký kinh doanh, rất nhiều địa phương bỏ ra nhiều tiền để làm ứng dụng này, nhưng sau đó một vài Bộ cũng vào cuộc. Cách làm đó khác gì phủ nhận hệ thống của địa phương?”, ông Tôn nói.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu không sớm khắc phục được tình trạng này thì các địa phương vẫn rất dễ thực hiện theo kiểu tự phát “trăm hoa đua nở”, mỗi tỉnh, mỗi Bộ ngành lại làm một cách khác nhau, dẫn tới tình trạng sau này không thể liên kết, kết nối với nhau gây lãng phí.

Cần “thông” từ cấp lãnh đạo tỉnh, thành

Ông Nguyễn Văn Diệu cho biết, hiện nay tại nhiều dự án ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, các chủ đầu tư dự án có quyền lựa chọn đơn vị thẩm định, không cần đến vai trò của Sở. Ngoài ra, có nơi dùng phần mềm mã nguồn mở nhưng có nơi vẫn chọn nguồn đóng, hoặc ngành TT&TT muốn triển khai “Một cửa điện tử” nhưng các ngành khác chưa muốn triển khai… Thực tế thiếu thống nhất này đang là rào cản đối với công tác ứng dụng CNTT, khiến cho địa phương khó trở thành một tỉnh mạnh về CNTT-TT, một trong những yếu tố để hình thành một quốc gia mạnh về CNTT theo như mục tiêu Đề án hướng tới.

Chính vì thế, nhiều ý kiến của đại diện các Sở TT&TT cho rằng ngay bản thân các địa phương cũng cần có một sự thống nhất, mà người quyết định vấn đề này không ai khác chính là lãnh đạo UBND cấp tỉnh, thành. Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh: “Đề án là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành TT&TT, tuy nhiên để có thể được triển khai một cách quyết liệt, triệt để thì yếu tố tiên quyết lại phụ thuộc lớn ở lãnh đạo các địa phương. Còn nếu chỉ có Sở TT&TT địa phương tham mưu, kêu gọi thực hiện Đề án thì vô cùng khó khăn”.

Ông Thành cũng đề xuất bên cạnh một số hội nghị của ngành TT&TT để triển khai thực hiện Đề án, thì Bộ TT&TT cần tham mưu, đề xuất với Chính phủ tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Đề án (do Chính phủ chủ trì) với sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trên cả nước để lãnh đạo các tỉnh, thành phố nắm bắt đầy đủ chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Đề án này. “Từ cơ sở đó, hy vọng lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn trên địa bàn mình thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án triệt để hơn. Có như vậy, Đề án mới được triển khai đồng bộ và hiệu quả”, ông Trần Văn Thành nhấn mạnh.

Tại Hội nghị trực tuyến nhằm bàn kế hoạch triển khai Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho rằng, cùng với hai đối tượng là doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo CNTT-TT thì các địa phương chính là đối tượng thứ ba gánh trọng trách thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT“. Một số vấn đề, nhiệm vụ cơ bản các địa phương cần thực hiện trong Đề án, đó là: Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trường đào tạo hoạt động thuận lợi nhất; quy hoạch các khu CNTT tập trung, tháo gỡ chính sách để tạo điều kiện cho các khu CNTT phát triển nhanh; đưa thông tin, thiết bị nghe nhìn về cơ sở, hộ gia đình theo Chương trình Quốc gia đưa thông tin về cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng CNTT…

Theo Đức Hiệp - Ngọc Minh (ICTnews)

Đọc thêm