Đau đầu, ức chế vì bị quấy rối qua ĐTDĐ

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc quấy rối, tuy nhiên, dù với bất kỳ hình thức hay lý do gì thì cũng để lại cho nạn nhân nhiều ấn tượng xấu.

Đủ kiểu quấy rối

Chị Hương Trang (Q.10, TP.HCM) cho biết: “Cách đây một năm, tôi bị một lúc nhiều số điện thoại lạ ‘tấn công’. Lúc đầu chỉ là một vài tin nhắn, điện thoại nặc danh vào những giờ cao điểm như 12 giờ đêm. Sau đó, tần suất quấy rối tăng dần lên, cả ngày cả đêm. Tôi phải khóa máy, không nghe điện thoại di động. Thế là tên quấy rối chuyển sang gọi điện thoại bàn nhà tôi. Cả nhà tôi phải sống trong tình trạng bực bội, khó chịu vì những tiếng chuông lúc nửa đêm”.

Tương tự, chị Linh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng rơi vào tình trạng trên. Chị tâm sự: “Lúc đầu nhận được tin nhắn với lời lẽ tục tĩu, cộc cằn, thậm chí là thô bạo, tôi còn nghĩ là do lộn số hay nhầm lẫn. Bởi mình tin mình không ‘léng phéng’ với anh chàng nào đã vợ con hay bồ bịch. Tuy nhiên, khi tôi nhắn lại nói rằng có lẽ nhầm số thì người đầu bên kia khẳng định nhắn cho tôi, còn biết rõ tên tuổi và công việc của tôi. Khi tôi đoán được người nhắn tin, tôi nói chuyện thẳng thắn với người bạn trai của người đó. Ai ngờ, sau đó, tin nhắn quấy rối lại càng gia tăng thêm. Việc đó, đến giờ vẫn khiến tôi cảm thấy rất buồn bực”.

Rất nhiều trường hợp thuê bao di động bị quấy rối như kể trên. Nguyên nhân dẫn đến việc quấy rối điện thoại có thể là: chọc ghẹo, trả thù tình, đánh ghen,… hoặc đơn giản do… sở thích. Nếu chỉ là tình trạng chọc ghẹo hay đùa bỡn thì việc quấy rối còn ở mức dễ chịu. Tuy nhiên, nếu rơi vào tình trạng ghen tuông hay trả thù thì thật sự là cơn ác mộng.

Đa số những người bị quấy rối là phái nữ, có độ tuổi trung bình từ 15 - 30 tuổi. Tuy nhiên, đừng tưởng chỉ có nữ nhi yếu đuối mới bị quấy rối, những đấng nam nhi cũng gặp không ít trường hợp “dở khóc dở cười”. Trong một lần rảnh rỗi, không có việc gì làm, Tiến – sinh viên năm 3 trường đại học Marketing - lấy điện thoại di động nhá máy cho một vài số máy mà mình tự nghĩ ra. Ai dè “gậy ông đập lưng ông”, Tiến gọi trúng một người cũng thích trò nhá máy, thế là cả ngày, cả đêm máy của anh chàng không lúc nào ngớt tiếng chuông. Chịu không nổi một thời gian, anh chàng phải thay số điện thoại mới. Cho đến giờ, mỗi lần nhớ lại, Tiến vẫn không khỏi ớn lạnh.

Anh Tâm (thuê bao 0907965xxx) lại gặp vấn đề khác. Do thấy chị mình bị số điện thoại 098xxxxxxx nhá máy làm phiền liên tục. Anh bức xúc gọi lại số điện thoại trên để hỏi cho ra nhẽ. Ai dè, đã không giải quyết được vấn đề trên mà ngược lại còn bị chính số máy đó nhá máy, gọi điện liên tục cho cả hai chị em khiến cuộc sống của hai người trở nên khó chịu hơn lúc nào hết.

Anh Tâm tâm sự: “Cứ vào tầm 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng, số điện thoại 098xxxxxxx lại gọi liên tục vào hai số điện thoại của chị em tôi. Một ngày phải mấy chục lần khiến chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Thậm chí, sau này, còn gọi điện thoại cả vào ban ngày. Đây là số điện thoại làm ăn của tôi mà cứ bị phá hoài khiến tôi vừa bực tức vừa hại đến công việc của mình. Đôi lúc tôi cũng muốn tắt máy hay đổi SIM nhưng đây là số làm ăn của tôi nên tôi không thể.”

Tự tìm hướng giải quyết

Dù bị quấy rối bằng cách thức nào đi chăng nữa thì tựu trung lại vẫn gây ra tâm trạng bực tức, bất an cho người trong cuộc. Thậm chí, đảo lộn cuộc sống của người đó. Vì vậy, mỗi người đều tìm cách thoát khỏi tình trạng trên bằng nhiều cách khác nhau.

Một số người âm thầm lặng lẽ, bỏ luôn SIM cho được yên thân như trường hợp chị Thu Hương (Nhân viên kinh doanh, 29 tuổi): “Cách đây hai năm, tôi gặp tình trạng bị quấy rối liên tục bởi nhiều số điện thoại khác nhau. Tuy nhiên, tôi biết chỉ có một thủ phạm. Lúc đầu, tôi cũng nói chuyện đàng hoàng, sau tức quá nói không được, tôi nhờ em trai can thiệp, nghe giúp khi có số lạ gọi. Nhưng tình trạng vẫn không cải thiện mấy. Cuối cùng, cảm thấy mệt mỏi, tôi đành bỏ luôn số điện thoại đó và chuyển sang dùng SIM mới. Đây vẫn là một kỷ niệm buồn mà tôi nhớ mãi”.

Với những người mới sử dụng điện thoại hoặc sử dụng điện thoại cho các vấn đề cá nhân là chủ yếu thì đa số chọn giải pháp “bỏ của chạy lấy người”, thay một SIM khác cho… khỏe thân. Thậm chí, có người ngưng sử dụng ĐTDĐ hoặc mặc kệ không nghe điện thoại một thời gian, đợi bên kia chán trò khủng bố mà tự bỏ cuộc.

Tuy nhiên, với những người sử dụng một số điện thoại đã lâu hoặc là số làm ăn thì không thể giải quyết theo cách trên. Lúc này, họ đành nhờ vào sự can thiệp của các mạng viễn thông.

Chị Trang sau nhiều ngày chịu đựng việc quấy rối cũng như nhờ gia đình hỗ trợ vẫn không ngăn chặn được, đã quyết định lên tổng đài của MobiFone để thực hiện dịch vụ chặn cuộc gọi các số điện thoại quấy rối. Sau khi trình bày lý do, chị được hướng dẫn làm thủ tục đăng ký dịch vụ chặn cuộc gọi với cước phí 20.000đ/tháng cho 5 số di động. Tuy nhiên, chị nói: “Thật ra cũng không ăn thua gì, bởi lẽ số này không gọi được thì người quấy rối lại dùng số điện thoại khác. Tôi thật sự bị trầm cảm nặng trong thời gian đó. May mắn mà cuối cùng chắc chán trò chơi đó nên người kia cũng bỏ cuộc”.

Tương tự, anh Tâm cũng quyết định kết thúc chuỗi ngày bị khủng bố bằng việc lên tổng đài nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, do số máy khủng bố là số Viettel mà anh thì đang sử dụng MobiFone. Do đó, sau khi anh làm bảng tường trình, tổng đài MobiFone ghi nhận và hứa sẽ giải quyết sớm. Nhưng tình trạng trên vẫn tiếp tục diễn ra. Anh lại gọi điện lên tổng đài nhờ hỗ trợ thêm hai lần. Đến lần cuối cùng, chịu hết xiết, anh đã lớn tiếng yêu cầu làm rõ việc này.

Anh Tâm cho biết: “Tôi thật sự cảm thấy bực mình và thất vọng về cách làm việc của MobiFone. Do đó, tôi yêu cầu phải lập tức giải quyết cho tôi. Sau lần làm căng đó, việc quấy rối đã được ngừng lại. Nhưng tôi không rõ do nhà mạng hỗ trợ chặn lại hay bên kia chán việc quấy rối. Dù sao ba tháng bị quấy rối cũng khiến tôi mệt mỏi rất nhiều”.

Quấy rối có giảm?

Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến ngày 31/12/2009, toàn bộ thuê bao trả trước đang hoạt động không khai báo thông tin cá nhân sẽ bị cắt liên lạc. Trong khi người dùng đang mừng vì biện pháp này có thể ngăn phần nào nạn quấy rối, thì các mạng lại có ý kiến trái chiều.

Đại diện Beeline cho biết: việc khai báo thông tin cá nhân với thuê bao trả trước đã giúp chủ thuê bao có ý thức hơn trong việc sử dụng dịch vụ di động. Tuy nhiên, thực tế là mức độ chính xác của các thông tin khai báo còn thấp nên các chủ thuê bao vẫn cố tình vi phạm các quy định và tình trạng quấy rối vẫn tồn tại. Tình trạng này sẽ giảm đáng kể và rất tốt nếu có hệ thống dữ liệu gốc để xác minh tính chính xác của tên khai báo, số CMND của chủ thuê bao và có chế tài với nhưng hành vi cố tình gian lận.

Theo Viettel Telecom, kể từ ngày có quy định thuê bao trả trước phải đăng ký thông tin cá nhân, tỷ lệ khách hàng khiếu nại bị quấy rối không có dấu hiệu giảm. Khi việc khai báo thông tin cho thuê bao trả trước hoàn thành vào ngày 31/12/2009, Viettel cho rằng tình trạng quấy rối vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.

Trong khi đó, đại diện S-Fone lại có quan niệm trái ngược: “Trước những thay đổi theo hướng quản lý thông tin thuê bao trả trước ngày càng chặt chẽ hơn từ Bộ TT-TT và các nhà mạng, chúng tôi tin rằng vấn nạn này sẽ được hạn chế tới mức tối đa”.

Những ý kiến khác nhau của các mạng cho thấy, việc siết chặt quản lý cũng chưa phải là biện pháp hữu hiệu ngăn nạn quấy rối. Bộ TT-TT và các mạng phải có những biện pháp chế tài mạnh hơn với những hành vi quấy rối có mục đích thì vấn nạn này may ra mới thuyên giảm.

Theo Phương Uyên - Hà Phương (eChíp)

Đọc thêm