ĐẦU TƯ CHO CNTT Ở ĐỊA PHƯƠNG:

Danh không chính, tiền không thuận

Danh không chính, tiền không thuận ảnh 1

Nhiều Sở TT&TT kêu thiếu đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả ứng dụng CNTT ở các địa phương.

Đó là một trong hai vấn đề nóng được đề cập nhiều nhất tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Bộ TT&TT với các Sở TT&TT ngày 7/12.

Thiếu kinh phí cho CNTT

Tại Hội nghị, nhiều Sở TT&TT đã đề cập đến vấn đề khó khăn vì ngân sách địa phương không có khoản nào chi cho CNTT. Đại diện Sở TT&TT Lào Cai đưa ra ví dụ: Có tới 80% các Sở TT&TT kêu khó khăn vì không có nguồn nào chi cho CNTT. Trong “miếng bánh” ngân sách, tỉnh nào còn nguồn thì mới chi cho CNTT. Vì vậy, đề nghị Bộ TT&TT tác động với Bộ Tài chính làm sao để trong “miếng bánh” ngân sách này có mục chi cho CNTT ở các địa phương. Đại diện Sở TT&TT Long An cho rằng, mục tiêu phát triển CNTT ở các địa phương không đạt là do thiếu kinh phí đầu tư riêng cho lĩnh vực này mà phải “cấu từ ngân sách KHCN”. Chẳng hạn ở Long An, ngân sách chi cho KHCN năm nay là 28,6 tỷ đồng, nhưng Sở “chiến đấu” mãi thì chỉ được 7 tỷ đồng nên không thể đầu tư tốt cho lĩnh vực CNTT được.  

Ông Nguyễn Minh Sơn, Vụ KHTC (Bộ TT&TT) cho rằng, việc chi cho CNTT ở các địa phương còn phụ thuộc vào nhận thức của lãnh đạo địa phương về vai trò tầm quan trọng của CNTT. Bộ TT&TT cũng đã đề nghị Bộ Tài chính đưa thêm danh mục chi cho CNTT vào các khoản được cấp ngân sách hằng năm của địa phương, nhưng vướng Luật. Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai cho biết: “Trong thời gian vừa qua, Bộ đã lồng các nguồn vốn đầu tư vào các dự án CNTT. Nhưng nhiều dự án vẫn gặp khó khăn vì vướng Luật Ngân sách. Trong năm 2010, Chính phủ sẽ cắt bớt nguồn chi từ ngân sách nên chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, các Sở cần chủ động để xuất với lãnh đạo tỉnh để tăng ngân sách cho CNTT”.   

Triển khai BTS gặp khó

Tại Hội nghị, nhiều Sở TT&TT cũng đề cập đến vấn đề khó khăn trong việc xây dựng các trạm BTS tại địa phương. Sở TT&TT Nghệ An cho biết, khó khăn lớn nhất là việc giải thích sóng điện từ của các trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. “Mới đây, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp và Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đã có buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề này và nhiều người dân đã thoả mãn với việc giải thích đó. Nhưng Vụ Khoa học Công nghệ của Bộ cần có tài liệu để các Sở TT&TT tuyên truyền đến cho người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm các thủ tục theo quy định bởi nhiều khi thủ tục khó khăn quá nên nhiều mạng di động đã phải làm “chui” và khi người dân khiếu kiện thì âm thầm rút lui dẫn đến tốn kém mà không biết kêu ai”, đại diện Sở TT&TT Nghệ An nói. 

Trả lời câu hỏi của các Sở TT&TT, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông cho biết, thực tế đúng là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc xây dựng các trạm BTS, đặc biệt là ở các khu đô thị. Trong nhiều nguyên nhân thì có nguyên nhân là do quy hoạch không phù hợp với thực tiễn phát triển. Một số tỉnh như Nam Định trong quy hoạch chỉ có 100 – 200 trạm BTS, trong khi đó các doanh nghiệp lại cần phát triển nhiều hơn. Một số tỉnh khác như Thái Bình thì chính quyền lại yêu cầu đất phải có sổ đỏ mới cho xây dựng trạm BTS. “Luật Viễn thông vừa được Quốc hội thông qua đã quy định phải dành quỹ đất cho các công trình viễn thông công cộng, trong đó có trạm BTS. Như vậy, những khu vực này cần phải có quy hoạch và do UBND phê duyệt. Nhưng những công trình công cộng thì không cần phải có những thủ tục quá phức tạp. Bởi trên thực tế những ngành khác như điện khi xây dựng hệ thống cột thì có cần sổ đỏ đâu”, ông Phạm Hồng Hải nói.

Bổ sung về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Dân, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ cho rằng, việc cản trở xây dựng các trạm BTS được chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Đối với nhóm này khi giải thích thì đều thành công. Nhóm thứ hai cản trở việc xây dựng do các mạng thiếu thủ tục. Vì vậy, các mạng di động cần hoàn thiện đầy đủ các thủ tục. Nhóm thứ ba là nhóm lợi dụng thông tin về sức khoẻ để cản trở việc xây dựng các trạm BTS với nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, cần phải dựa vào UBND các cấp để giải quyết.

Ông Dân cũng cho biết, Bộ TT&TT cũng như các bộ ngành có liên quan đã đã ra đầy đủ các văn bản, thậm chí còn được luật hoá trong Luật Viễn thông để đảm bảo việc các mạng di động phải tuân thủ chặt chẽ những quy định tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra cũng cần các doanh nghiệp phải xử lý là trong số 42.000 trạm BTS của các mạng di động thì chỉ có 25.000 trạm đã được kiểm định. Sắp tới Vụ KHCN sẽ làm việc với tất cả các mạng di động để thống nhất các quy trình xây dựng trạm BTS.       

Phát biểu tại buổi giao ban, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp đã chỉ đạo Vụ Khoa học Công nghệ biên soạn tài liệu về vấn đề sóng điện từ của các trạm BTS để tuyên truyền tại các địa phương. Các mạng di động cũng cần phải rà soát lại việc xây dựng trạm BTS, làm đúng các thủ tục theo quy định và ưu tiên các trạm BTS ở gần dân trước. Trạm BTS nào đủ điều kiện thủ tục thì cần phải được công khai cho người dân biết để tránh tình trạng thủ tục khó phải làm “chui”.  

Sẽ giải quyết các kiến nghị của các Sở TT&TT

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, trong thời gian qua Bộ đã sâu sát hơn với các địa phương. Bộ cũng đã phát hiện nhiều vấn đề cần giải quyết nên có nhiều văn bản quản lý theo thực tiễn ở địa phương và xử lý các vấn đề kiến nghị của địa phương hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Bộ còn xử lý chậm nhiều việc nên cần phải làm quyết liệt hơn trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng phải trả lời bằng văn bản tất cả các kiến nghị của các Sở TT&TT trước khi tiến hành tổng kết ngành năm 2009. Sắp tới Bộ sẽ rà soát và tiến hành phân cấp mạnh hơn cho các Sở TT&TT.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm