Dân Việt ít... “tám”

Dân Việt ít... “tám” ảnh 1

Ảnh minh họa

Nhìn vào những con số này dễ đưa đến một ngộ nhận: Người Việt “tám” nhiều. Nhưng trên thực tế, người Việt “tám” ít hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Dù các nhà mạng đã bung ra đến hàng trăm dịch vụ giá trị gia tăng nhưng nguồn thu mang lại cho họ, đến nay, vẫn nhờ hai dịch vụ cơ bản là thoại và tin nhắn SMS, chiếm từ 80%-90% doanh thu của mỗi nhà mạng. Năm 2009, tổng doanh thu của các mạng di động dao động ở con số khoảng 100.000 tỉ đồng, tính ra tương đương hơn 5 tỉ USD.

Tuy nhiên, theo ông Roger Barlow-Tổng Giám đốc điều hành hãng nghiên cứu thị trường RJB Consultants Limited (Hong Kong), thì chỉ số ARPU (doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao) của VN hiện chỉ đạt mức 4 USD/tháng, thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển, và nằm trong nhóm các nước có ARPU thấp nhất ở Châu Á. Theo dự báo, ARPU của VN có thể còn giảm tiếp trong những năm tới khi cước di động sẽ tiếp tục giảm.

Một khảo sát khác của Công ty Frost & Sullivan lại cho thấy, số phút gọi điện bình quân của người dân VN cũng thuộc hàng thấp trong khu vực. Mỗi người dân VN gọi từ 120-150 phút/tháng, chỉ bằng khoảng 50% so với Thái Lan và Indonesia (250 phút/tháng) và chỉ bằng khoảng 1/3 so với Ấn Độ (400 phút/tháng). Những năm qua thị trường thông tin di động VN phát triển khá mạnh, thậm chí bùng nổ, nhưng những con số khảo sát trên lại cho thấy rằng, đó là sự bùng nổ từ một cái nền thấp, cho nên tổng nhu cầu chưa cao.

Cước di động sẽ còn giảm…

Khi nghiên cứu về thị trường thông tin di động, cả RJB Consultants Limited và BMI (hãng nghiên cứu thị trường của Anh) đều chỉ ra nguyên nhân là do cước di động tại VN ngày càng giảm. Cước giảm dẫn đến chỉ số ARPU thấp dần có quan hệ nhân-quả với quyền lợi của người tiêu dùng, theo đó khách hàng của các nhà mạng ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ giá cước cho đến dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Tuy nhiên, lại có một mối quan hệ khác giữa việc giảm cước với chỉ số ARPU. Vì giảm cước nên ARPU giảm, nhưng ngược lại cũng chính các nhà mạng lại muốn sử dụng công cụ giảm cước để kích cầu, qua đó có thể góp phần tăng chỉ số ARPU. Đợt giảm cước gần nhất, ở mức từ 10%-15% đã xác lập một mặt bằng giá cước mới của ba nhà mạng GSM hàng đầu. Trong đó, giá cước dành cho thuê bao trả sau gọi nội mạng của MobiFone, giảm xuống chỉ còn 880 đồng/phút (-10,24%), và ngoại mạng giảm xuống còn 980 đồng/phút (-9,28%). Mức cước này gần tương đương với cước gọi ngoại mạng của dịch vụ điện thoại cố định, là một mức cước rẻ sau bao năm mong chờ. Nhưng đáng nói hơn, nhằm kích cầu thuê bao trả sau để có phát triển bền vững, MobiFone cũng giảm cước hòa mạng đến 49,5%, từ mức 90.000 đồng xuống còn 50.000 đồng/lần.

Giá cước di động tại VN đã được định hướng sẽ giảm theo lộ trình. Theo ông Jayesh Easwaramony-Phó giám đốc nghiên cứu mảng ICT của Frost & Sullivan, cước di động VN còn có cơ hội giảm thêm khoảng 15% trong thời gian tới. Mặc dù trên thực tế, cước gọi nội mạng và liên mạng của nhiều gói cước thuê bao trả trước-như các gói  MobiCard, Q-Student, Mobi4U, MobiZone…của MobiFone sau đợt giảm vừa qua cũng đã ở mức khá thấp, dao động từ 880 đồng-1.280 đồng/phút, đã xích lại rất gần với cước điện thoại cố định.

Người Việt ít “tám” nhưng không có nghĩa là không thích “tám”. Giới trẻ ngày nay mỗi người không chỉ dùng 1, mà là 2 chiếc ĐTDĐ luôn bên người, đặc biệt ở khu đô thị, các thành phố lớn. Cước giảm thì tất yếu người ta sẽ dùng nhiều. Có thể chỉ số ARPU không tăng lên so với hiện nay nhưng số lượng thuê bao sẽ tăng lên, điện thoại di động càng phổ cập hơn, thì doanh thu của các nhà mạng cũng theo đó tăng lên. Và một khi, cước di động tiến tới ngang bằng với cước điện thoại cố định, thì khả năng một cuộc di động hóa diện rộng sẽ diễn ra tại các hộ gia đình, doanh nghiệp…

Hoàng Phương

Đọc thêm