Dân Trung Quốc thờ ơ với 3G

Dân Trung Quốc thờ ơ với 3G ảnh 1

Nhiều người dân Trung Quốc không mặn mà với các mạng 3G.

Trung Quốc đi sau các nước phát triển gần thập kỷ trong việc nâng cấp mạng điện thoại di động và hiện nay, sau 1 năm triển khai 3G, đất nước này nhận thấy không nhiều người dùng hứng thú với việc nâng cấp lên dịch vụ mới.

Theo Bộ Công nghiệp và CNTT, các mạng 3G của Trung Quốc đã phủ sóng hầu hết các thành phố và đang tiếp tục đầu tư mở rộng vùng phủ trên khắp cả nước. Nước này hiện có 3 mạng 3G sử dụng những công nghệ khác nhau. China Unicom đang sử dụng chuẩn công nghệ di động băng rộng phổ biến nhất thế giới hiện nay là CDMA/UMTS, không chỉ có thế mạnh nhất về tốc độ mà còn được nhiều nhà nhà sản xuất điện thoại hỗ trợ nhất. China Telecom sử dụng chuẩn CDMA2000/EVDO phổ biến ở Mỹ, trong khi đó China Mobile sử dụng chuẩn công nghệ 3G do Trung Quốc phát triển là TD-S CDMA.

Mặc dù nhiều lựa chọn công nghệ nhưng điều bất ngờ là ngành viễn thông di động của Trung Quốc đến nay mới có 25,2 triệu người dùng 3G, trong đó có 10,49 triệu người đang sử dụng mạng TDS-CDMA của China Mobile. Đứng sau không xa là China Unicom với 7,56 triệu người dùng dịch vụ 3G. China Telecom không thông báo số lượng thuê bao 3G nhưng các dữ liệu thống kê ước đoán mạng này có khoảng 7,18 triệu tính đến cuối tháng 7/2010. Như vậy, số thuê bao 3G mới chiếm một phần nhỏ trong tổng số 750 triệu người dùng di động ở Trung Quốc.

Một trong số các lý do khiến 3G ở quốc gia này phát triển chậm là sử dụng nhiều chuẩn công nghệ khác nhau. Điều này khiến người dùng bị rối loạn, không biết chọn công nghệ nào trước những chiến dịch tiếp thị ồ ạt của các nhà mạng.

Do sử dụng công nghệ khác nhau không có sự tương thích, quyết định sắm điện thoại và chọn nhà mạng trở nên khó khăn hơn với người tiêu dùng bởi một khi chọn nhà mạng nào có nghĩa là họ phải chung thân với nhà mạng đó, không dễ chuyển sang nhà mạng khác như với mạng GSM 2G. Nếu người dùng di động ở Trung Quốc sắm điện thoại hỗ trợ tần số TD-SCDMA, họ phải dùng mạng của China Mobile, còn điện thoại CDMA phải dùng với mạng của China Telecom và điện thoại WCDMA chỉ sử dụng được với mạng của China Unicom.

Hơn nữa, phí sử dụng dịch vụ 3G ở nước này vẫn cao so với mức sống trung bình của người dân và các nhà mạng có sự đối xử khác với dịch vụ di động mới này. Ở hầu hết các nước trên thế giới, khách hàng chỉ phải chịu một mức cước cho các dịch vụ thoại, tin nhắn lẫn dịch vụ dữ liệu (data). Nếu họ có điện thoại hỗ trợ 3G họ sẽ sử dụng 3G, nếu họ có điện thoại cũ hơn họ sẽ sử dụng GPRS hay EDGE cho dịch vụ dữ liệu, không có sự phân biệt. Nhưng ở Trung Quốc, khách hàng phải trả thêm tiền để nâng cấp lên 3G. Nếu người dùng 2G muốn chuyển lên 3G, họ phải đăng ký hợp đồng mới và trong một trường hợp có thể cả số điện thoại mới. Các mạng cũng tính cước dữ liệu riêng.

Lý do cuối cùng là sự nghèo nàn các dịch vụ thiết kế riêng cho 3G để thuyết phục người dùng nâng cấp. Các nhà mạng ở nước này vẫn chậm chạp trong việc ra mắt các dịch vụ tận dụng thế mạnh tốc độ của 3G như truyền hình di động và mở các kho ứng dụng tương tự như kho App Store của Apple.

Sự thất bại của 3G ở Trung Quốc cho đến thời điểm này có thể coi là những bài học bổ ích cho nước này trong định hướng chuyển lên 4G trong thời gian tới. Tuy nhiên, dường như nhà mạng China Mobile vẫn tiếp tục trung thành với công nghệ không tương thích với chuẩn quốc tế khi có ý định tiến lên chuẩn 4G TD-LTE, chuẩn riêng của Trung Quốc.

Theo Quốc Cường (ICTnews / Informationweek)

Đọc thêm