Dân buôn “làm giá” hàng công nghệ xách tay

Dân buôn “làm giá” hàng công nghệ xách tay ảnh 1
Biết bị làm giá nhưng người dùng Việt vẫn chọn hàng xách tay.

Thi nhau làm giá hàng xách tay

Những người buôn bán hàng công nghệ xách tay hiện nay ở Việt Nam hoạt động khá đa dạng, từ việc mở các cửa hàng buôn bán lớn, hay ngồi ở các quán cà phê kinh doanh theo kiểu rao vặt trên các trang web hay các diễn đàn công nghệ... Thường các món hàng họ kinh doanh chưa được phân phối hay chưa kịp về thị trường Việt Nam, nhiều khi là hàng “độc” nên việc làm giá cho các sản phẩm trở nên phổ biến.

Điển hình là tháng 6/2010, khi những chiếc iPhone 4 xách tay đầu tiên về Việt Nam, giá của chúng đã được đẩy lên tới gần 50 triệu đồng, khi xuất hiện rầm rộ hơn, giá iPhone 4 vẫn được những người kinh doanh iPhone xách tay giữ yên trên 20 triệu đồng. Thời gian sau đó, nhà mạng Viettel và VinaPhone, 2 đơn vị phân phối iPhone 4 chính hãng ở Việt Nam công bố giá chỉ dưới 15 triệu đồng. Hay những chiếc iPad đầu tiên khi về Việt Nam cũng được dân buôn lợi dụng tâm lí người tiêu dùng thích sở hữu hàng “khủng” đã đẩy giá lên cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với thị trường thế giới. Cụ thể khi những chiếc iPad 1 16GB Wifi về Việt Nam giá được bán lên tới 17 triệu đồng (trong khi giá Apple công bố chỉ khoảng 10 triệu đồng). Mới đây nhất, vào ngày 13/3, những chiếc iPad 2 đầu tiên về Việt Nam, giá phiên bản 32GB Wifi+3G đã được đẩy lên hơn 37 triệu đồng, phiên bản có giá thấp nhất là 16GB Wifi cũng có giá tới 17 triệu đồng, trong khi đó Apple vẫn công bố giá của phiên bản mới bằng phiên bản cũ.

Bên cạnh các sản phẩm của Apple thì những sản phẩm công nghệ “khủng” của các hãng khác cũng được dân buôn đẩy giá lên rất cao so với giá thực của chúng. Chẳng hạn như điện thoại Nokia N8 ra mắt vào tháng 10/2010 tại thị trường Việt Nam, hàng xách tay đầu tiên xuất hiện trên thị trường đã được đẩy giá lên tới 18 triệu đồng, trong khi giá chính hãng chỉ 10.5 triệu đồng.

Một số mặt hàng công nghệ khác như máy nghe nhạc, máy ảnh kỹ thuật số, laptop cấu hình “khủng” cũng được dân buôn đẩy giá lên cao hơn vài triệu đồng so với thị trường.

Người dùng Việt “chịu chơi”

Mặc dù giá của hàng xách tay được đẩy lên gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi so với giá bán chính hãng, thế nhưng đó không là trở ngại lớn cho người dùng ở Việt Nam. Rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra những số tiền lớn như trên để sở hữu các sản phẩm công nghệ “hot” cho mình. Chẳng hạn như giá iPhone 4, iPad, được đẩy lên đến nỗi người ta gọi là “giá điên”, nhưng dân buôn lại không đủ hàng để cung cấp cho người dùng.

Anh Mai Phú Phong, Giám đốc Công ty Nhất Phong (PhonGee) cho biết, hầu hết 2 mặt hàng này về số lượng lần nào cũng vài chục cái nhưng khách hàng hầu như đã đặt hàng trước. Mới đây, iPad 2 được cửa hàng PhonGee công bố giá bán từ gấp đôi đến gấp rưỡi mức giá Apple đưa ra, thế nhưng 20 chiếc đầu tiên cửa hàng anh đưa về người ta đã đặt trước, thậm chí con số đặt hàng lên tới 30 chiếc ngay ở thời điểm đó. Thậm chí, Nokia N8 xách tay được bán với giá trên và chỉ 1 tuần sau là hàng chính hãng có mặt, thì các cửa hàng kinh doanh cho biết, người mua cũng tới mua và đặt hàng rất nhiều, một kiểu “chơi sang” của người dùng nhằm biến mình trở nên sành điệu khi là người sở hữu chiếc điện thoại “khủng” của Nokia trước.

Theo Lê Mỹ (ICTnews)

Đọc thêm