Đám cưới Hoàng gia thời kỹ thuật số

Đám cưới Hoàng gia thời kỹ thuật số ảnh 1
Đám cưới của hoàng tử nước Anh William và cô Kate Middleton sẽ được tiến hành vào ngày 29/4/2011 với sự chú ý vô cùng đặc biệt của giới truyền thông.

Đó sẽ là đám cưới đầu tiên của Hoàng gia Anh được truyền hình trực tiếp đầy đủ qua mạng Internet toàn cầu và để phù hợp với phong trào smartphone đang nở rộ, đây cũng là đám cưới hoàng gia đầu tiên có hẳn một ứng dụng di động cho phép người dùng tải về và liên tục theo dõi những tin tức liên quan. Chưa hết, đây cũng sẽ là đám cưới đầu tiên mà toàn bộ phần âm thanh trong buổi lễ thành hôn sẽ được tung thẳng lên shop âm nhạc trực tuyến iTunes của Apple ngay sau khi buổi lễ kết thúc…

Với giới truyền thông thế giới và đặc biệt là giới truyền thông Anh, ngày 29/4 sẽ là một ngày họ phải chạy không nghỉ bởi ngay từ bây giờ các hãng truyền thông trong đó có cả những hãng truyền hình lớn nhất thế giới như BBC, TLC… đã tề tựu đông đủ và đang tiến hành lắp đặt máy móc. Nhưng vì sao đám cưới hoàng gia này lại được giới truyền thông chú ý một cách đặc biệt như vậy? “Khủng hoảng kinh tế, thảm họa ở Nhật Bản và những vụ bạo động nổi loạn ở Trung Đông… đã khiến cả thế giới mệt mỏi và đây là dịp để mọi người được xả hơi”, Mark Lukasiewicz - Phó Chủ tịch phụ trách mảng truyền thông số và tin tức của hãng truyền hình NBC (Mỹ) tiết lộ.

Đám cưới Hoàng gia thời kỹ thuật số ảnh 2

Các hãng truyền thông lớn trên thế giới đã “tụ họp đông đủ” tại Thủ đô London.

Thực ra, sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông đã bắt đầu từ sau lễ đính hôn của hoàng tử Anh William và cô Middleton hồi tháng 11 năm ngoái. Các tờ báo lớn như Washington Post và các website tin tức kiểu như The Huffington Post đều đã nhanh chóng cho ra mắt những chuyên mục đặc biệt để đưa tin về sự kiện này và như một lãnh đạo của The Huffington Post đã nói: “Có một số tin tức “lớn” đến mức nó cần phải được đăng ở một trang riêng”.

Không bận bịu dài ngày như giới báo chí, các đài truyền hình lại quyết định làm một “đúp” đặc biệt dành riêng cho ngày tổ chức hôn lễ. ITV - hãng truyền hình thương mại lớn nhất nước Anh cho biết chương trình truyền hình trực tiếp đặc biệt của họ sẽ kéo dài từ lúc 6h sáng cho đến 4h chiều ngày 29/4 dưới sự điều hành trực tiếp của Giám đốc Cristina Nicolotti Squires.

Tuy nhiên, cũng chỉ có một số phóng viên được phép có mặt trong phòng làm lễ ở nhà thờ Westminster tại Thủ đô London, đại diện của nhà thờ cho biết. Để khỏa lấp sự vắng mặt của phóng viên, các đài truyền hình sẽ được ưu ái lắp đặt một số lượng camera khổng lồ nhưng đông đảo nhất vẫn là hệ thống máy quay của BBC, ITN, ITV và kênh truyền hình trả tiền Sky Broadcasting.

Nhưng theo dự báo của nhiều chuyên gia truyền thông, đám cưới này gần như không thể phá kỷ lục về lượng khán giả nếu so với một số sự kiện khác như: Lễ khai mạc thế vận hội Bắc Kinh 2008 (gần 1 tỷ khán giả) hay với đám cưới của công nương Diana và thái tử Charles năm 1981 (750 triệu khán giả)… Ước tính, sẽ chỉ có khoảng 100 triệu người theo dõi, nhưng tiềm năng thương mại của sự kiện này vẫn khiến các hãng truyền hình háo hức. TLC - hãng truyền hình cáp của Mỹ cho biết, mục tiêu của họ là thu hút thêm một lượng khán giả nữ rất lớn sau đám cưới này bởi đây là những chương trình “khoái khẩu” của các bà, các cô. TLC sẽ phát sóng toàn bộ đám cưới này tới 30 quốc gia khác nhau.

Còn với Hoàng gia Anh, khác với những lần trước trong quá khứ khi họ để cho các hãng truyền thông được tự do, lần này họ đã tự xây dựng một trang web, một tài khoản Facebook và một tài khoản Twitter riêng để phục vụ cho việc cung cấp thông tin liên quan đến đám cưới này.

Bên cạnh việc tung toàn bộ phần âm thanh của lễ cưới lên iTunes, phát hành CD, Hoàng gia Anh lại thẳng thừng từ chối lời đề nghị được truyền hình lễ cưới này bằng công nghệ 3D của đài truyền hình Sky.

Theo Lương Hương (ICTnews / Guardian, AFP)

Đọc thêm