Đã đến lúc nói lời "chia tay" với S-Fone

S-Fone đã chết lâm sàng

Ngày 17/1/2013, nhiều cựu nhân viên của S-Fone chi nhánh Hà Nội đã treo biểu ngữ trước Chi nhánh SPT Hà Nội đòi lãnh đạo SPT phải trả nợ lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp. Trước sự viên này, ông Nguyễn Phi Long, Phó Tổng giám đốc của SPT nói rằng ông chỉ nhận công việc này 2 tuần nay và hứa sẽ giải quyết các vấn đề của người lao động. Nhiều cựu nhân viên của S-Fone phản ánh SPT đã nợ khoảng 5 tháng lương của người lao động. Ngoài ra, SPT còn nợ bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp... của nhân viên nhiều năm nay. Chia sẻ với BĐVN, những cựu nhân viên của S-Fone cho biết, các lãnh đạo của SPT đã hứa rằng sẽ chi trả các khoản này nhiều lần nhưng họ liên tục thất hứa. Trước đó tại một số nơi như Đà Nẵng, các cựu nhân viên của S-Fone cũng tụ tập đòi SPT trả lương và bảo hiểm cho người lao động.

Đã đến lúc nói lời "chia tay" với S-Fone ảnh 1

Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp hợp lý nhất hiện nay với S-Fone là tuyên bố phá sản.
Một lãnh đạo S-Fone cho hay là việc nợ lương, bảo hiểm của nhân viên là vấn đề rất khó giải quyết hiện nay vì bản thân SPT đang rất khó khăn. Trước đó, SPT đã làm việc với Tổng liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội, sau đó đã hứa mỗi tháng sẽ trả 1 tỷ đồng tiền bảo hiểm cho người lao động nhưng cũng không thực hiện được. “Hầu hết lãnh đạo S-Fone đã nghỉ việc vì vậy lời đề nghị SPT trả tiền lương, bảo hiểm… cho người lao động không mấy ý nghĩa bởi công ty mẹ cũng quá khó khăn”, vị lãnh đạo này nói.

Trao đổi với BĐVN, ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Chi nhánh S-Fone Hà Nội cho biết: "Cách đây 1 năm tôi đã chủ động nói với người lao động rằng ai đi được đâu thì nên đi vì không khả năng giữ họ ở lại". Cũng theo ông Vũ Tuấn Anh, hệ thống mạng của S-Fone ở Hà Nội và Đà Nẵng đã dừng hoạt động và chỉ còn hoạt động cầm chừng ở TP.HCM. Hiện tại, ở Hà Nội còn khoảng 20 người làm việc tại gia, sắp tới S-Fone cắt tiếp, chỉ giữ lại khoảng 5 người lo các công việc tồn đọng.

“Cách đây mấy năm S-Fone đã từng rơi vào tình trạng rất khó khăn nhưng anh em nỗ lực vượt qua để tìm đối tác đầu tư. S-Fone cũng xin chuyển đổi công nghệ nhưng thị trường quá khó khăn và chưa có đối tác đầu tư. Hiện văn phòng ở Hà Nội đã bị niêm phong do không trả được nợ. Không được làm việc tại văn phòng nhưng khoản tiền thuê hàng tháng vẫn tiếp tục là khoản nợ. Tôi nghĩ trong vòng 1 - 2 tháng nữa phải có hướng giải quyết nào đó cho S-Fone”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Một lãnh đạo của SPT nhận định, việc SPT cầm cự mạng S-Fone đến thời điểm này là quá nỗ lực. “Vào thời điểm phát triển mạnh nhất thì S-Fone mới hòa vốn. Còn sau đó mỗi tháng SPT đều phải bơm vài chục tỷ để nuôi S-Fone. Với tình trạng đó thì không một tập đoàn kinh tế nào có thể gánh nổi kể cả như VNPT”, vị lãnh đạo này nói.

Đã đến lúc tuyên bố phá sản

Các chuyên gia cho rằng giải pháp duy nhất hiện nay với S-Fone là tuyên bố phá sản và các vấn đề sẽ được giải quyết theo Luật Phá sản. Đó là hướng giải quyết tốt nhất và không kéo SPT chìm nhanh theo S-Fone.

Nguồn tin của BĐVN cho hay, hiện Bảo hiểm TP.HCM đã bắt đầu kiện S-Fone nợ bảo hiểm. Trong khi đó, bản thân SPT cũng đang nợ các doanh nghiệp viễn thông hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, S-Fone còn ôm một khoản nợ khổng lồ gồm tất cả những khoản tiền phải đóng cho Nhà nước như phí tần số, kho số, viễn thông công ích.

Ở tình cảnh như vậy, SPT không thể thuyết phục các đối tác và cả ngân hàng bơm tiền để doanh nghiệp duy trì hoạt động. Hiện tại thị trường di động Việt Nam không còn đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình nhất là sự kiện xảy ra gần đây trên thị trường viễn thông Việt Nam khi Vimpelcom bất ngờ “bỏ của chạy lấy người” bán rẻ cổ phần trong Beeline Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất của Hãng nghiên cứu thị trường viễn thông Anh, Business Monitor International (BMI), các nhà đầu nước ngoài có rất ít cơ hội để tăng trưởng tại thị trường Việt Nam. Trong bảng xếp hạng mới nhất về cơ hội/rủi ro trên thị trường viễn thông châu Á-Thái Bình Dương của BMI quý II/2012, Việt Nam đã tụt xuống vị trí 16 với mức điểm đánh giá là 42,4 từ mức điểm 45 cách đây 1 năm. Cơ hội tăng trưởng trong lĩnh vực viễn thông Việt Nam đang sụt giảm do thị trường đã phát triển bão hoà và sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước.

Hết tiền, không còn duy trì được mạng lưới, khách hàng rời mạng và phần lớn nhân sự đã ra đi khiến S-Fone rơi vào cảnh “chết lâm sàng”, song những động thái của SPT có vẻ như chưa sẵn sàng cho mạng này nhận “giấy báo tử”.

Trong một cuộc họp mới đây của Bộ TT&TT, Cục Viễn thông cho biết, thị trường viễn thông thời gian qua có những doanh nghiệp lớn vẫn phát triển khá tốt, song một số doanh nghiệp nhỏ đang trong tình trạng rất bi đát. Thậm chí, có những doanh nghiệp nếu không cải tổ sớm thì chỉ trụ được 2 - 3 tháng nữa...
Trả lời báo Bưu điện Việt Nam về vấn đề liệu cơ quan quản lý có "thả phao" cứu các doanh nghiệp viễn thông sắp phá sản hay không? Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, về phía Bộ TT&TT sẽ kiên quyết giữ quan điểm duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh. Những doanh nghiệp nào có năng lực cạnh tranh tốt thì tồn tại, bất kể đó là doanh nghiệp lớn hay nhỏ. "Doanh nghiệp lớn thì có năng lực cạnh tranh, nhưng không phải doanh nghiệp nhỏ không có năng lực cạnh tranh. Khi họ chọn thị trường hợp lý, có phương pháp kinh doanh hiệu quả thì vẫn tồn tại và họ phải được đảm bảo quyền thâm nhập thị trường. Bộ TT&TT sẽ bảo vệ sự phát triển của các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, sẽ không bảo vệ bằng mọi giá các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh. Vì vậy, những doanh nghiệp không có năng lực cạnh tranh thì có thể bị chết, chấm dứt và rút khỏi thị trường", ông Phạm Hồng Hải nói.
Theo Thái Khang (ICTNews)

Đọc thêm