Cuộc đua 100.000 tỷ

Cuộc đua 100.000 tỷ ảnh 1

Thị trường viễn thông cạnh tranh gay gắt khiến VNPT gặp nhiều khó khăn trên con đường cán mốc trên 100.000 tỷ đồng.

Khi đường đua có thêm người mới

Theo số liệu mà VNPT và Viettel công bố, trong năm 2009 doanh thu của Viettel ít hơn VNPT là 18.000 tỷ đồng và lợi nhuận ít hơn là 3.500 tỷ đồng. Đầu năm 2010, cho dù không tuyên bố sẽ “qua mặt” doanh nghiệp chủ đạo là VNPT về doanh thu, thế nhưng Viettel lại âm thầm thực hiện mục tiêu này. Năm 2009, VNPT đạt doanh thu 78.000 tỷ đồng thì Viettel đạt 60.000 tỷ đồng. Một khoảng cách không quá lớn đối với doanh nghiệp có bước phát triển nhanh như Viettel. Sau nhiều năm VNPT chiếm giữ vị trí độc tôn về doanh thu, lần đầu tiên ngôi vị này bị đe dọa bởi “kẻ phá bĩnh” Viettel. Như vậy, “tượng đài” VNPT có bề dày 65 năm có thể bị qua mặt bởi “tân binh” Viettel. So với các tập đoàn lớn của nhà nước về nộp ngân sách, rất có thể Viettel cũng sẽ “soán ngôi” VNPT. Nếu làm được như vậy thì Viettel xứng đáng là “người hùng” và đó cũng là kịch bản buồn với VNPT.

Thế nhưng, xét ở khía cạnh khác thì cuộc đua này cũng đem lại nhiều lợi ích và động lực cho cả hai “quả đấm thép” của quốc gia này. Thứ nhất, trong bước phát triển vũ bão của mình, Viettel có mục tiêu rất cụ thể để phấn đấu vượt qua. Còn đối với VNPT, khi bị “đẩy vào chân tường” tự khắc buộc doanh nghiệp này sẽ phải gồng mình mạnh hơn để không bị “đàn em” Viettel “qua mặt”. Điều này cũng giống như bàn tay vô hình để giúp “cỗ xe siêu trường, siêu trọng” VNPT tăng tốc. Lần đầu tiên, trên đường đua của VNPT có thêm đối thủ chạy cùng và để cả hai đều cố gắng chạy nhanh hơn chứ không phải là chuyện một mình nhởn nhơ trên đường đua.

Cuộc đua 100.000 tỷ ảnh 2

VNPT quyết cán đích trên 100.000 tỷ đồng

Trong cuộc chạy đua “song mã” giữa VNPT và Viettel cán đích trên 100.000 tỷ đồng doanh thu vẫn còn nhiều dấu hỏi. Giới phân tích cho rằng, hiện doanh thu chính đến từ hai “quả đấm thép” này chủ yếu từ dịch vụ di động, đặc biệt là VNPT. Mục tiêu của MobiFone trong năm 2010 sẽ cán đích con số 40.000 tỷ đồng, trong khi đó VinaPhone cũng đặt ra mục tiêu đạt 30.000 tỷ đồng. Nếu những mục tiêu này được thực thi thì doanh thu từ hai mạng di động chiếm tới khoảng 70% doanh thu của VNPT. Như vậy, các dịch vụ còn lại sẽ phải chiếm khoảng 40% doanh thu của tập đoàn này. Ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết: “Năm nay, chúng tôi phấn đấu đạt mục tiêu trên 100 nghìn tỷ đồng. Kết quả của 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã đạt được trên 43 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 42% mục tiêu (tăng trưởng 29% so với năm 2009). Qua những kết quả đã đạt được, chúng tôi đánh giá con số trên 100 nghìn tỷ đồng là hết sức khả thi. Hiện nay chúng tôi đang tập trung vào nhiều giải pháp để tiếp tục duy trì và phấn đấu đạt cao hơn kế hoạch đã đề ra”.

Trong khi các con số của VNPT được đưa ra, thì con số doanh thu 6 tháng của Viettel vẫn đang “nằm trong vòng bí mật”. Viettel chưa tuyên bố bất cứ con số gì về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2010.

Đối mặt với bài toán khó

Với cơ cấu doanh thu của VNPT hiện nay, việc thành bại trong con đường tiến đến trên 100 nghìn tỷ đồng sẽ đặt trên vai MobiFone và VinaPhone. Trong khi đó thị trường di động cạnh tranh gay gắt và giá cước tiếp tục giảm mạnh. Đầu tháng 8/2010, VNPT phải “bấm bụng” theo tiếp cuộc chơi giảm cước từ 10 - 15%. Nếu như trước đây, câu nói được xem là cửa miệng “giảm cước sẽ hút thuê bao và bù lại phần doanh thu bị mất” thì cho đến thời điểm này, việc giảm cước cũng không tăng được nhiều thuê bao và thuê bao mới không đủ bù đắp cho phần thâm thủng do giảm cước. Trong khi đó, thị trường cố định và ADSL không đem lại doanh thu cao, thậm chí có nơi càng cung cấp càng lỗ. Ở một khía cạnh khác, việc Bộ TT&TT siết chặt khuyến mãi thuê bao di động trả trước cũng đã khiến nhà mạng không thể khuyến mãi ồ ạt để lấy doanh thu. Thị trường đang dần tiến đến ngưỡng bão hòa và các mạng di động đang phải “vét” các thuê bao có thu nhập thấp… Những yếu tố này đã khiến cho VNPT gặp đầy khó khăn trên con đường cán tới mốc trên 100.000 tỷ đồng. 

Tương tự, Viettel cũng gặp những vấn đề khó khăn giống như VNPT. Giới phân tích cho rằng, cho dù thuê bao của Viettel lớn hơn MobiFone, nhưng doanh thu của các mạng này không chênh nhau nhiều. Nếu so với tương quan về các dịch vụ bưu chính, viễn thông, thì có thể Viettel chưa phải là mối đe dọa qua mặt doanh thu đối với VNPT. Thế nhưng, với chiến lược “bỏ trứng nhiều giỏ”, Viettel đã đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác. Hiện Viettel đang nắm cổ phần trong Tổng công ty Vinaconex, Ngân hàng Cổ phần Quân đội… Đấy là chưa kể đến doanh thu từ việc đầu tư ra nước ngoài, xuất nhập khẩu, bất động sản… Tuy nhiên, những khó khăn trên thị trường viễn thông chắc chắn sẽ khiến mục tiêu đạt doanh thu trên 100 nghìn tỷ đồng của Viettel gặp nhiều chông gai.

Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại trong cuộc chạy đua vượt qua mốc 100 nghìn tỷ đồng, rất có thể các “đại gia” này sẽ áp dụng chiến thuật “tay phải bán cho tay trái” để tính doanh thu vài lần. Nếu quả thực như vậy, thì những con số về doanh thu cũng không còn mấy ý nghĩa. Cho đến thời điểm này, nhiều quan điểm đánh giá cao sức mạnh và sự phát triển của các “quả đấm thép” qua con số lợi nhuận mà họ đạt được. Thế nhưng, con số này sẽ chỉ thuyết phục nếu được đơn vị kiểm toán công bố.

Theo Khương Duy (ICTnews)

Đọc thêm